(KTSG Online) - Các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra doanh thu nhanh hơn startup công nghệ chuyên về dịch vụ phần mềm. Dù vậy, khả năng sinh lời của startup AI vẫn bị hoài nghi vì chi phí đầu tư quá lớn.
Dữ liệu mới công bố của hãng công nghệ thanh toán Stripe (Mỹ) cho thấy, các startup AI đang tạo ra doanh thu với tốc độ nhanh hơn các startup phần mềm đình đám trước đây. Theo phân tích thông tin thanh toán từ Stripe, các startup AI hàng đầu đạt cột mốc doanh thu hàng triệu đô la chỉ trong vòng một năm. Tốc độ tạo doanh thu này nhanh hơn nhiều so với starup công nghệ phần mềm nổi tiếng trước đây.
Giới đầu tư vẫn đang hoài nghi về lợi ích kinh tế mà AI tạo ra cũng như khả năng thu hồi vốn từ khoản đầu tư lên đến nghìn tỉ đô la mà các tập đoàn công nghệ dự kiến rót vào cơ sở hạ tầng điện toán để vận hành và phát triển công cụ AI trong năm tới.
Tuy nhiên, dữ liệu của Stripe cho thấy, các công ty AI non trẻ có khả năng tạo doanh thu tốt hơn nhiều so với những startup công nghệ được đánh giá cao từ các thời kỳ trước, đặc biệt là ở hạng mục “phần mềm dưới dạng dịch vụ” (Saas).
Stripe, startup trị giá 65 tỉ đô la Mỹ ở Thung lũng Silicon đã thu thập dữ liệu doanh thu hàng năm của 100 công ty AI tư nhân (chưa niêm yết cổ phiếu) có doanh thu cao nhất và đang sử dụng nền tảng thanh toán của hãng tính đến ngày 31-7. Sau đó, Stripe so sánh với doanh thu hàng năm của với nhóm startup SaaS đầy hứa hẹn vào 2018.
Kết quả cho thấy, sau lần bán hàng đầu tiên trên Stripe, nhiều startup AI chỉ mất trung bình 11 tháng để đạt đến cột mốc doanh thu hơn 83.000 đô la Mỹ/tháng. Trong khi đó, để đạt cột mốc doanh thu này, các startup SaaS trước đây mất trung bình đến 15 tháng. Với những startup AI có quy mô doanh thu hàng tháng là 2,5 triệu, họ chỉ cần 20 tháng là đạt được mức này, nhanh gấp 5 lần so với các startup SaaS trước đây.
Những công ty AI đang sử dụng nền tảng thanh toán của Stripe là những doanh nghiệp nổi tiếng như OpenAI, Anthropic, Mistral, GitHub và Midjourney.
Tuy nhiên, trong báo cáo công bố trong tháng này, Ngân hàng Goldman Sachs đã bày tỏ lo ngại về khả năng sinh lời của các công ty AI. Theo đó, những công ty AI chiến thắng hiện nay không còn là những doanh nghiệp hoạt động dựa vào mô hình ít vốn nữa mà cần khoản chi phí đầu tư lớn cho sở hạ tầng điện toán để vận hành và đào tạo các mô hình AI .
Dữ liệu của Stripe phản ảnh việc các startup AI đang thích ứng môi trường chi phí cao bằng cách xây dựng các sản phẩm thử nghiệm mà khách hàng sẵn sàng trả tiền. ChatGPT, chatbot AI của OpenAI, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, khi đạt mốc 100 triệu người dùng trong vòng hai tháng kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022.
Theo các nguồn thạo tin, gói dịch vụ ChatGPT dành cho doanh nghiệp của OpenAI thu về doanh thu hàng năm 3,6 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng, công ty cũng “đốt” hơn 5 tỉ đô la mỗi năm khi đầu tư để phát triển các mô hình AI mới.
“Không giống như các thế hệ công ty phần mềm trước đây, các công ty AI phải trả chi phí điện toán đáng kể ngay từ đầu nên phải chịu áp lực kiếm tiền nhanh hơn”, Emily Sands, người đứng đầu bộ phận thông tin của Stripe nói.
Nhu cầu về AI tạo sinh, phần mềm có thể tạo ra văn bản, mã lập trình, hình ảnh, âm thanh và video cũng mang tính toàn cầu. Theo dữ liệu của Stripe, khoảng 56% doanh thu của các startup AI đến từ thị trường nước ngoài. Nhu cầu này thúc đẩy doanh thu của những startup tạo ra âm thanh và hình ảnh dựa vào AI như kỳ lân ElevenLabs (Anh), chuyên sản xuất phần mềm giọng nói AI và startup AI dịch thuật ngôn ngữ DeepL ( Đức).
“Ở nhiều nước, trong đó có Singapore và Iceland, chúng tôi thấy có hơn 3% dân số mua dịch vụ từ 100 công ty AI hàng đầu. Đó thực sự là hiện tượng quy mô toàn cầu”, Sands nói.
Stripe cũng đang đào tạo các mô hình AI riêng dựa vào dữ liệu thanh toán khổng lồ, với hàng tỉ giao dịch được hàng triệu công ty thực hiện, có tổng trị 1 nghìn tỉ đô la mỗi năm. Mục đích là để xây dựng các quy trình thanh toán cá nhân hóa hơn.
Theo Byron Deeter, đối tác của Bessemer Ventures, chuyên đầu tư vào các công ty SaaS, vấn đề của các công ty phần mềm lớn là sử dụng kiến trúc công nghệ cũ hơn và hành động chậm chạp. Trong khi đó, các startup phần mềm AI liên tục ra mắt những sản phẩm và tính năng mới giúp cải thiện năng suất nhanh chóng.
“Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều công ty AI đi con số 0 lên hàng chục triệu đô la doanh thu chỉ trong vòng vài năm”, Deeter nói.
Theo Financial Times