(KTSG Online) - Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo được áp dụng từ hơn một năm trước (tháng 7-2023). Điều này được dự báo là có tác động đáng kể đến thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, ngành lúa gạo Việt Nam cần có chiến lược gì, nhất là ở vụ Đông xuân 2024-2025 để giảm áp lực “đối đầu” với quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này?
Cục Ngoại thương thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ hôm 28-9-2024 có thông báo về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng (non-basmati), đồng thời quy định giá xuất khẩu tối thiểu là 490 đô la Mỹ/tấn (giá FOB).
Chính sách mới của Ấn Độ được đưa ra nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho quá lớn, đạt hơn 32 triệu tấn, cao hơn 38% so với cùng kỳ, tính đến đầu tháng 9-2024. Việc “giải phóng” tồn kho cũng nhằm mục đích thu mua lượng hàng khổng lồ của vụ mùa Kharif (vụ lúa chính ở Ấn Độ, thu hoạch tháng 10 hàng năm), ước lên đến hơn 41 triệu tấn. Vậy, điều này sẽ có tác động ra sao đến các quốc gia xuất khẩu gạo còn lại, trong đó có Việt Nam?
Giá giảm, có lợi cho người mua?
Báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, ngày 30-9-2024, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với mức giá 562-582 đô la Mỹ/tấn và 530-549 đô la Mỹ/tấn đối với loại 25% tấm, ổn định so với trước khi Ấn Độ có quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng (non- basmati).
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều có chung nhận định, đó là giá gạo thế giới, trong đó, có Việt Nam sẽ giảm trong những tháng cuối năm nay. Điều này có nghĩa, các nước nhập khẩu sẽ được lợi, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng trước đó.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, Ấn Độ áp giá xuất khẩu tối thiểu 490 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) là mức thấp nhất thế giới hiện nay. “Điều này có nghĩa, doanh nghiệp Ấn Độ sẽ đặt giá bán ở mức khoảng 500 đô la Mỹ/tấn (giá CIF). Một số thông tin chưa kiểm chứng, thì doanh nghiệp Ấn Độ chào bán sang Việt Nam với giá chỉ 496-498 đô la Mỹ/tấn”, ông nói và cho biết.
Hiện các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ vẫn chưa công khai chào giá đến các đối tác nhập khẩu, nhưng gạo 5% tấm được định vị quanh mức 500 đô la Mỹ/tấn (giá CIF) là có cơ sở. Bởi lẽ, mức giá này đảm bảo không vi phạm quy định giá bán tối thiểu (490 đô la Mỹ/tấn), nhưng cao hơn giá Chính phủ nước này đang xả kho cho các nhà xuất (khoảng 423-441 đô la Mỹ/tấn).
Căn cứ vào giá tối thiểu và giá xả kho, việc doanh nghiệp Ấn Độ bán ra với mức trên dưới 500 đô la Mỹ/tấn vẫn đảm bảo có hiệu quả kinh doanh.
Từ diễn biến trên, ông Thành của Angimex dự báo, giá gạo thế giới sẽ giảm từ nay đến cuối năm, trong đó, gạo Việt sẽ dao động quanh mức 505-535 đô la Mỹ/tấn. “Ấn Độ 'setup' ở mức giá thấp nhất này (490 đô la Mỹ/tấn, giá FOB), thì từ nay đến cuối năm, gạo Việt sẽ nằm trong khoảng 505-535 đô la Mỹ/tấn”, ông dự đoán.
Đồng ý với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng, Ấn Độ thay đổi chính sách sẽ khiến giá gạo thế giới giảm, chứ không riêng Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, tác động đến ngành gạo Việt Nam không đáng kể, bởi thứ nhất, vụ Hè thu 2024 đã kết thúc, trong khi vụ Thu đông lượng hàng không quá lớn; thứ hai, có sự khác nhau về phân khúc chất lượng và cuối cùng là doanh nghiệp xuất khẩu đã có được lượng hợp đồng xuất khẩu nhất định.
“Hai kỳ đấu thầu gần đây cho Bulog (Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia), chúng ta có được lượng hợp đồng khoảng 160.000 tấn rồi nên ảnh hưởng cũng không đáng kể”, ông cho biết.
Thậm chí, theo ông Thành của Angimex, hợp đồng bán gạo mới đây cho Indonesia có lợi cho doanh nghiệp trúng thầu, tức khả năng doanh nghiệp đạt lợi nhuận nhiều hơn so với dự tính ban đầu.
Hạn chế cấp thấp để tránh Ấn Độ
Để hạn chế tác động từ việc Ấn Độ cho phép xuất khẩu trở lại gạo trắng (non- basmati), chiến lược sản xuất vụ Đông xuân 2024-2025 của Việt Nam cần tiếp tục hạn chế phát triển phân khúc sản phẩm chất lượng thấp. Cụ thể là các dòng sản phẩm như IR 50404, OM 380, bởi đây là các giống nằm cùng phân khúc với IRA- 64 hay Swarna của Ấn Độ.
Tại hội nghị sơ kết trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 mới đây, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vụ Đông xuân 2024-2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (nơi chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước) có kế hoạch xuống giống 1,49 triệu héc ta.
Theo đó, cơ cấu giống lúa được khuyến cáo, gồm 60% diện tích gieo sạ các giống chất lượng cao như: OM 18; OM 5451; OM 4900; Jasmine 85; Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9…. Trong khi đó, 30% diện tích tập trung vào các nhóm thơm đặc sản và nếp như các giống ST, RVT, nếp An Giang, nếp IR 4625 và còn lại 10% tập trung vào nhóm giống phục vụ cho phân khúc chế bến như IR 50404; OM 380.
Việc ngành trồng trọt có định hướng và phân chia diện tích sản xuất như nêu trên là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, vấn đề cần quan tâm hiện nay là đẩy mạnh phổ biến để các địa phương thực hiện nghiêm định hướng này, nhất là khi Ấn Độ đã trở lại “đường đua”.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Thành của Angimex cũng khuyến cáo, cần hạn chế xuống mức thấp nhất phân khúc cấp để tập trung cho sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao như: Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18. Vụ Đông xuân 2024-2025, chỉ cần duy trì lượng IR 50404, OM 380 đủ nhu cầu cho chế biến bánh bún.
Thậm chí, có thể sử dụng lượng IR 50404, OM 380 từ Campuchia vào Việt Nam để thay thế, bởi hàng năm phân khúc sản phẩm này từ Campuchia về khá nhiều.
Cũng bàn về cơ cấu hàng hóa, ông Thành của Phước Thành IV cũng khuyến cáo nên tập trung vào các giống Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451 trong vụ Đông xuân 2024-2025. Bởi đây là phân khúc lớn, được khách hàng Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Trung Đông ưa chuộng.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc phân chia như nêu trên sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam đỡ áp lực, tránh đối đầu bất lợi với Ấn Độ.
Rõ ràng, những dòng sản phẩm như Đài Thơm 8, OM 18 hay OM 5451 là lợi thế riêng của Việt Nam, được thị trường các nước chấp nhận. Bởi lẽ, đây là phân khúc được định vị cao hơn phân khúc cấp thấp của các quốc gia xuất khẩu gạo khác (bao gồm cả Ấn Độ), nhưng lại nằm dưới phân khúc gạo thơm của Thái Lan nên có giá hợp lý, được thị trường chấp nhận tốt...