Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng số Hồng Kông chật vật tìm lợi nhuận

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tám ngân hàng số đầu tiên của Hồng Kông vẫn đang loay hoay tìm cách duy trì hoạt động và tìm kiếm lợi nhuận sau bốn năm được cấp phép. Một ngân hàng nói rằng đang ghi nhận “lợi nhuận ròng hàng tháng”, hai ngân hàng khác cho biết điểm hòa vốn đã nằm trong tầm tay.

Tám ngân hàng số đầu tiên của Hồng Kông vẫn đang xoay xở tìm phương hướng hoạt động. Ảnh: Nikkei Asia / Reuters

Theo hồ sơ công bố hôm 30-9, tổng khoản lỗ trước thuế của tám ngân hàng số đầu tiên của đặc khu chạm 1,28 tỉ đô la Hồng Kông (160 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm nay. Khoản lỗ này thấp hơn con số 1,43 tỉ đô la Hồng Kông của cùng kỳ năm ngoái.

Kỷ nguyên ngân hàng thông minh

Tám ngân hàng số đầu tiên của Hồng Kông được sự hậu thuẫn của các tập đoàn lớn như Ant Group, Tencent, Xiaomi, Ping An Insurance, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Standard Chartered. Đây là một phần của dự án do Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) khởi xướng vào năm 2017 nhằm khởi động “kỷ nguyên ngân hàng thông minh”.

Tám ngân hàng trên có hơn 2,2 triệu người gửi tiền trong năm 2023, chiếm 8,8% thị trường ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, tổng các khoản cho vay và tạm ứng, tổng tài sản và số tiền gửi lại thấp, thị phần chỉ 0,3%.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông cho biết, các ngân hàng số “vẫn chưa tìm được động lực tăng trưởng để đạt được doanh số cao hơn”.

Những ngân hàng trên dự kiến sẽ không đạt lợi nhuận trong những năm đầu do chi phí thu hút khách hàng trong một thị trường dày đặc các ngân hàng, chưa kể đến các tác động của dịch Covid-19 trong các năm qua. Tuy những đơn vị này đã có sự tăng trưởng về thu nhập nhưng việc đạt lợi nhuận vẫn còn là giấc mơ.

Khi Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất, môi trường hoạt động của các ngân hàng số Hồng Kông sẽ ít thuận lợi hơn trước.

Với các ngân hàng số, hoạt động tiền gửi và cho vay vẫn là chìa khóa chính để đạt lợi nhuận. Chi phí quản lý tài sản đang tăng lên trong khi các ngân hàng này lại bắt đầu từ điểm xuất phát thấp. Một số kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hơn sẽ thay đổi động lực và thúc đẩy giao dịch nhiều hơn.

Được ZhongAn Online P&C Insurance niêm yết tại Hồng Kông hậu thuẫn, ZA Bank đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 109,3 triệu đô la Hồng Kông trong sáu tháng đầu năm nay. Đến tháng 7-2024, ngân hàng cho biết đã đạt được “lợi nhuận ròng hàng tháng” nhưng ZA không tiết lộ con số cụ thể.

Calvin Ng, quyền CEO của ZA, cho biết các sản phẩm đáp ứng nhu cầu linh hoạt của người gửi tiền đã góp phần tạo ra thu nhập trước thuế trong chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu khoảng hai năm trước. Ng nói ZA tin tưởng rằng hiệu suất sẽ bền vững. Thu nhập lãi ròng của ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng 84% so với cùng kỳ năm trước lên 207 triệu đô la Hồng Kông.

Trong khi đó, nhà sáng lập và CEO Simon Loong của WeLab Bank nói rằng ngân hàng này “tự tin sẽ đạt được mức hòa vốn cả năm vào năm 2025”. Với sự hậu thuẫn của Tập đoàn TOM thuộc tập đoàn CK Hutchison của Hồng Kông và Sequoia Capital, WeLab đã sáp nhập với WeLend vào đầu năm nay để tăng dư nợ cho vay. Vốn của ngân hàng đã tăng 160% trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, ngân hàng vẫn ghi nhận khoản lỗ trước thuế là 124,4 triệu đô la Hồng Kông trong sáu tháng đầu năm, thấp hơn mức lỗ 161,5 triệu đô la Hồng Kông cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi ròng tăng 68,4% lên 72 triệu đô la Hồng Kông trong giai đoạn này, trong khi thu nhập ròng từ phí và hoa hồng tăng 77,8% lên 11,5 triệu đô la Hồng Kông.

Trước đó, Standard Chartered cho biết Mox, ngân hàng số mà ngân hàng này đầu tư vốn, sẽ đạt mục tiêu hòa vốn trong năm nay, bất chấp sự suy giảm tín dụng lớn dẫn đến khoản lỗ 433,2 triệu đô la Hồng Kông trong nửa đầu năm 2024, tăng mạnh so với năm trước. Người phát ngôn của Mox cho biết, ngân hàng  tự tin về khả năng hòa vốn và tin rằng đang đi đúng hướng.

Khoản lỗ của Mox là khoản lỗ lớn nhất trong số tám ngân hàng số. Mức suy giảm tín dụng đã tăng hơn 72% lên 257,8 triệu đô la Hồng Kông. Bill Winters, Giám đốc tài chính của StanChart, nói rằng Mox đã mạo hiểm thâm nhập vào “các khu vực có rủi ro cao hơn ở thị trường Hồng Kông”.

Tìm hướng kinh doanh mới

Để tạo ra thu nhập đa dạng hơn, một số ngân hàng đã khai thác ngành Web3 bằng cách cung cấp dịch vụ cho các sàn giao dịch tiền điện tử và các hãng blockchain. Các ngân hàng cũng nhắm đến mục tiêu cung cấp dịch vụ giao dịch tiền điện tử và các sản phẩm liên quan cho khách hàng bán lẻ.

HKMA cho biết, ngân hàng số nên mở rộng tệp khách không phải cư dân Hồng Kông, tiếp cận hiệu quả với du khách từ Trung Quốc đại lục, có tiềm năng lợi nhuận.

CEO của ZA cho biết, vẫn có khách từ đại lục nhưng tệp khách này dường như tập trung vào dịch vụ thanh toán, không phải dịch vụ quản lý tài sản. Theo quy định hiện hành, về pháp lý, khách đại lục bị cấm giao dịch tiền điện tử hoặc các sản phẩm liên quan thông qua ZA hay các ngân hàng Hồng Kông khác.

Trong khi đó, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông nói hiện không có ý định cấp thêm giấy phép mới, bởi tám ngân hàng số hiện tại vẫn chưa đạt lợi nhuận. Một số nhà phân tích kỳ vọng sẽ có các thương vụ hợp nhất giữa các ngân hàng số này.

Paul McSheaffrey, đối tác ngân hàng cấp cao tại KPMG, đánh giá các ngân hàng số sẽ không biến mất nhưng một vài năm nữa chắc chắn sẽ có ít ngân hàng ảo hơn.

Hồi tháng 6, nhà môi giới chứng khoán Trung Quốc Futu Holdings đã đầu tư 440 triệu đô la Hồng Kông vào công ty mẹ của Airstar Bank, trở thành chủ sở hữu lớn thứ hai, gián tiếp nắm giữ 44,11% cổ phần. Hãng smartphone Xiaomi của Trung Quốc là chủ sở hữu chính của Airstar.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới