(KTSG Online) – Sàn thương mại điện tử (TMĐT) giá rẻ đình đám của Trung Quốc là Temu đã ra thông báo chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối tháng 9 vừa qua.
Theo Marketplace Pulse, một công ty nghiên cứu ngành thương mại điện tử ước tính, hiện nay có hơn 300.000 người bán trên Temu. Được biết, nền tảng này sẽ kết nối người tiêu dùng với những người bán hàng độc lập bên thứ ba, nhiều người trong số họ là nhà sản xuất.
Đại diện Temu cho biết, bằng cách kết nối trực tiếp khách hàng với nhà sản xuất, nền tảng đã loại bỏ trung gian và giảm chi phí liên quan. Chính cách tiếp cận này góp phần làm cho chuỗi cung ứng hiệu quả, hướng sản xuất có mục tiêu và ít lãng phí hơn. Thực tế, các sản phẩm tương đương thường có giá cao hơn ở nơi khác do chi phí bổ sung, trung gian được tích hợp vào giá cuối cùng.
Hiện nay, thị trường TMĐT trong nước trở nên khốc liệt hơn trước sự gia nhập của những ông lớn quốc tế. Theo Kirin Capital, đại diện công ty chỉ ra đối với các ứng dụng TMĐT trong nước, khó khăn lớn nhất mà người bán hàng gặp phải là khó tiếp cận với nhiều người mua do trải nghiệm người dùng chưa tốt (Sendo) hay sản phẩm sách và các đồ điện tử gia dụng chỉ thu hút và đáp ứng nhu cầu của bộ phận người tiêu dùng (Tiki). Còn với các sàn TMĐT nước ngoài như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, nhờ việc học hỏi kinh nghiệm từ các sàn thành công tại thị trường Trung Quốc quy mô lớn như Taobao, Tmall, Douyin, đã có lượng người mua tăng bùng nổ ngay từ giai đoạn mới ra mắt thị trường.
Theo báo cáo của Momentum Works, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á vào năm 2023, với mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2024, khiến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng mà các ông lớn ngoại đang nhắm đến.
Ở góc độ nhà bán hàng trong nước, để gia tăng sự cạnh tranh, chủ cửa hàng nên hiểu rõ khách hàng của mình là ai, cần gì, chủ động tư vấn, cung cấp kiến thức liên quan đến sản phẩm cho khách hàng trên kênh riêng.
Chẳng hạn như nhà kinh doanh mặt hàng bỉm sữa nên tư vấn kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ, bán đồ thể thao tư vấn kiến thức dinh dưỡng và tập luyện để nâng cao sức khoẻ… để người mua phát sinh nhu cầu mua thêm các sản phẩm liên quan kể cả khi không có chương trình khuyến mãi. Đây là ưu thế của các nhà bán hàng trong nước mà người bán nước ngoài khó có thể làm được tận tình và chu đáo kể cả khi đã có công cụ dịch.