(KTSG Online) - Thương mại toàn cầu đang cải thiện nhưng vẫn dễ tổn thương trước các cuộc chiến tranh và căng thẳng địa chính trị, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong báo cáo công bố hôm 10-10, WTO ghi nhận, thương mại toàn cầu đang tăng trưởng nhanh hơn. Dù vậy, rủi ro leo thang các cuộc xung đột khu vực như ở Trung Đông và các căng thẳng địa chính trị khác cũng như sự không chắc chắn về chính sách kinh tế có thể ghìm tốc độ tăng trưởng đó.
Đặc biệt, nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông, trung tâm sản xuất dầu mỏ toàn cầu thì có thể làm tắc nghẽn các tuyến đường vận tải biển quan trọng trong khu vực và đẩy tăng giá dầu. Viễn cảnh đó có thể khiến các nước trên khắp thế giới khó nhập khẩu năng lượng, thực phẩm và các sản phẩm khác.
Sau cuộc chiến kéo dài một năm chống Hamas ở Gaza, Israel gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Hezbollah ở Lebanon trong những tuần gần đây. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh lan rộng Trung Đông với sự tham gia của Iran, nước hậu thuẫn cho Hezbollah và Hamas.
Tổ chức có trụ sở tại Geneva dự báo, thương mại hàng hóa toàn cầu tăng 2,7% trong năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính trước đó. Bước sang năm 2025, thương mại toàn cầu dự kiến tăng trưởng 3% với điều kiện xung đột ở Trung Đông được kiểm soát. Sự cải thiện đó diễn ra sau khi thương mại toàn cầu giảm 1,1% trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao.
Báo cáo của WTO dự báo, xuất khẩu của châu Âu sẽ giảm 1,4% trong năm 2024 và nhập khẩu sẽ giảm 2,3%. Lĩnh vực ô tô và hóa chất kéo xuất khẩu của châu Âu đi xuống. Đặc biệt, sự sụt giảm trong xuất khẩu ô tô của châu Âu đáng lo ngại nhất do tác động tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng rộng khắp của ngành công nghiệp này. Hôm 9-10, Bộ Kinh tế Đức dự báo, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ suy giảm 0,2% trong năm nay.
Trong khi đó, xuất khẩu ở châu Á trong năm nay dự kiến tăng 7,4%, vượt xa các khu vực khác. Xuất khẩu của khu vực này phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nhờ các nền kinh tế sản xuất chủ chốt như Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc.
Nhập khẩu của châu Á đi theo các xu hướng khác nhau. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay chỉ ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, nhập khẩu của Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam đang tăng trưởng mạnh. Sự chuyển dịch đó cho thấy vai trò kết nối ngày càng tăng của các nền kinh tế này. Chẳng hạn, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay tăng lần lượt 16% và 18% so với nửa đầu năm 2023. Singapore cũng ghi nhận xuất khẩu tăng 6% và nhập khẩu tăng 9% trong giai đoạn này.
Theo WTO, đến giữa năm 2024, tốc độ lạm phát giảm rõ rệt, cho phép các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất. Lạm phát hạ nhiệt làm tăng thu nhập thực tế của hộ gia đình và kích thích tiêu dùng, trong khi lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích các công ty tăng cường chi tiêu đầu tư.
Tổ chức này cho biết, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể cao hơn dự báo của tổ chức này nếu làn sóng giảm lãi suất ở các nền kinh tế lớn thúc đẩy nhu cầu mà không gây lạm phát.
Tuy nhiên, WTO cảnh báo, chính sách tiền tệ khác nhau giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến biến động tài chính và dịch chuyển dòng vốn khi các ngân hàng trung ương hạ lãi suất. Tình trạng này có thể khiến các nền kinh tế nghèo gặp khó khăn trong việc trả nợ. Những dấu hiệu rạn nứt thương mại toàn cầu dọc theo các tuyến địa chính trị kể từ khi cuộc xung độ Nga- Ukraine nổ ra.
Theo đó, thương mại giữa các quốc gia có quan điểm chính trị đương đồng, dựa trên mô hình bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, tăng trưởng nhanh hơn 4% so với thương mại giữa các quốc gia có quan điểm khác nhau.
Tổng giám đốc của WTO Ngozi Okonjo-Iweala lưu ý, WTO vẫn cảnh giác về những trở ngại tiềm tàng đối với thương mại, đặc biệt là rủi ro leo thang xung đột khu vực như ở Trung Đông. Tác động có thể nghiêm trọng nhất đối với các quốc gia liên quan trực tiếp. Tuy nhiên, ông cảnh báo, cuộc xung đột này cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí năng lượng và các tuyến đường vận chuyển toàn cầu.
Theo NY Times, Reuters