Chính phủ nước này lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp thiết kế mạch tích hợp lớn nhất ASEAN và sẽ đưa ra các ưu đãi, bao gồm giảm thuế, trợ cấp và miễn thị thực để thu hút các công ty công nghệ và nhà đầu tư toàn cầu. Để đáp ứng nguồn nhân lực, Malaysia đã lên kế hoạch đào tạo lao động có trình độ cao gồm 60.000 kỹ sư trong 5-10 năm tới.

Trong khi đó, Singapore đang tìm cách mở rộng sản xuất nhiều loại chip cho điện thoại di động hoặc máy tính thông qua các chính sách và ưu đãi. Theo Channel News Asia, Cơ quan quy hoạch công nghiệp của chính phủ Singapore JTC cho biết đang chuẩn bị thêm 11% quỹ đất tại các khu chế tạo wafer, nhằm thu hút các công ty bán dẫn hàng đầu và thúc đẩy làn sóng AI.

Khi cạnh tranh trong khu vực ngày càng nóng lên, Singapore cũng đang chuyển sang các cách tiếp cận khác để thu hút doanh nghiệp. Ngoài việc đảm bảo cơ sở hạ tầng ổn định cho các nhà máy sản xuất chip, một số chiến thuật được chính phủ Singapore sử dụng như cung cấp các dịch vụ miễn phí, thiết lập các chuỗi cung ứng F&B, dịch vụ bán lẻ và cả dịch vụ chăm sóc trẻ em.

Còn Indonesia tuyên bố đang thực hiện các bước để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn của riêng mình. So với các quốc gia khác, đất nước vạn đảo này có lợi thế chiến lược về nguồn nguyên liệu thô dồi dào là cát silic, một thành phần quan trọng trong sản xuất tấm bán dẫn.

Ngoài ra, Indonesia đứng thứ ba về sản lượng thiếc toàn cầu và đứng đầu về sản lượng niken, cả hai đều rất quan trọng trong quá trình lắp ráp và đóng gói các thiết bị bán dẫn.

Không chỉ trong khu vực, các quốc gia khác có tính cạnh tranh thu hút FDI như Ấn Độ cũng thể hiện tham vọng trở thành một cường quốc sản xuất chip. Quốc gia này đang chi hàng tỉ đô la để tạo ra hệ sinh thái cho sản xuất chip và bắt đầu cung cấp các khóa học cho kế hoạch đào tạo 85.000 kỹ sư trong vòng 5 năm.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ có nhiều hoạt động thúc đẩy đầu tư vào linh vực này, nhiều tập đoàn lớn cũng bày tở sự quan tâm và các địa phương cũng sẵn sàng kế hoạch đón nhận. Cùng với đó, hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao dần hoàn thiện.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và AI.

Marvell đang đẩy mạnh thiết kế chíp ở Việt Nam. Ảnh: LH

Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao. Với lực lượng trẻ nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được đánh giá cao, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đáng chú ý gần đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới trong ngành hàng tỉ đô này.