Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TS. Nguyễn Quốc Việt: Kỳ vọng về đầu tư công quí 4-2024

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Song song với phân giao trách nhiệm cá nhân thì các chủ đầu tư và cá nhân chịu trách nhiệm cần có được sự ủy nhiệm và quyền quản lý độc lập tương đối, tất nhiên, trong phạm vi pháp luật cho phép”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Nhận diện đúng vướng mắc

KTSG: Đầu tư công được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong quí 4-2024 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% đang được đặt ra. Tuy nhiên, tính tới hết quí 3-2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 47%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thực trạng này do đâu và sẽ gây áp lực cho việc giải ngân vốn đầu tư công ba tháng cuối năm như thế nào, thưa ông?

- TS. Nguyễn Quốc Việt: Tình trạng đầu năm giải ngân vốn đầu tư chậm, đến giữa năm tăng tốc và cuối năm đạt tốc độ cao đã gần như trở thành một “thông lệ”, một “đặc điểm” tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không riêng đầu tư công.

Tuy nhiên, trong khi khu vực tư nhân từng bước hội nhập, bám sát chuẩn mực và thông lệ quốc tế, sự chuyển đổi trong khu vực công còn chưa rõ ràng, tính chất đầu năm đủng đỉnh lễ hội, trì hoãn triển khai kế hoạch hoặc phân bổ nguồn lực..., đến cuối năm lại chạy đua nước rút vẫn tương đối nặng nề.

Ngoài yếu tố tâm lý truyền thống cố hữu nêu trên, chúng ta thấy, những biến động về nhân sự quản lý ở trung ương và địa phương, đặc biệt là những người tạm gọi là “tư lệnh” của dự án hoặc chịu trách nhiệm về đầu tư công của từng ngành, từng lĩnh vực trong thời gian qua đã gây ra những tác động nhất định, dẫn đến việc các công trình, dự án bị trì hoãn, không đạt được tiến độ như mong muốn.

Đối với nhân sự được thay thế, một mặt, cần có một quá trình chuyển tiếp để họ nắm bắt thông tin, điều chỉnh cách thức thực hiện cho đúng với các quy định của pháp luật, khắc phục sai phạm của người tiền nhiệm. Mặt khác, phải khẳng định, họ cũng có tâm lý cẩn trọng, trong các bước triển khai đều xin ý kiến của tất cả các bên, dù có những đơn vị, cơ quan quản lý không liên quan trực tiếp tới dự án, dựa vào trách nhiệm tập thể để tránh mọi rủi ro, nguy cơ xấu có thể xảy ra, dẫn đến sự chậm trễ mà lại không nâng cao hiệu quả điều hành, xử lý công việc.

Thay vì phải lấy ý kiến của tất cả các sở ngành về dự án thì chỉ cần trao đổi, xin ý kiến của các đơn vị liên quan và đặt ra thời hạn trả lời. Nếu các đơn vị không có phản hồi, coi như đã thống nhất với quan điểm đã nêu. Với các sở ngành khác, chỉ cần thông báo qua văn bản. Theo tôi, đó là một cách giúp chúng ta giải quyết được một số ách tắc về thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, hiện đa phần dự án đầu tư công được tổ chức đấu thầu với sự tham gia rộng rãi của khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tham gia dự án đều hiểu rõ những hạn chế trong thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động đầu tư công, thế nên, khi đã được phê duyệt kế hoạch, phân bổ nguồn lực thì thường chủ động thực hiện các cấu phần, hợp phần mà họ chịu trách nhiệm.

Thậm chí, theo thông tin và quan sát của tôi, nhiều doanh nghiệp ứng trước cả chi phí để huy động máy móc, nhân lực, vật lực, chủ động triển khai dự án dựa theo nguồn tài chính đã được phê duyệt nhưng chưa được phân bổ. Do đó, dù trên giấy tờ chưa ghi nhận nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã làm xong một số công đoạn của dự án.

Tất nhiên, với những vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách, quy hoạch về đất đai, tài nguyên như đền bù giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp nền cho các dự án cao tốc..., doanh nghiệp cần sự tháo gỡ từ phía quản lý nhà nước và cần sự phối hợp giải quyết từ các bộ, ngành, địa phương liên quan.

KTSG: Nhìn vào kết quả giải ngân đầu tư công tính tới cuối tháng 9-2024, có thể thấy, tốc độ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và các chương trình mục tiêu khác nhau. Theo ông, phải chăng chúng ta cần có một cách tiếp cận mới để xác định những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công để có cách khắc phục hữu hiệu?

- Rõ ràng, không nên quy sự chậm trễ trong giải ngân đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương vào một vài lý do giống nhau. Mỗi dự án có một bối cảnh, chịu sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau, vì thế, gặp phải các vướng mắc dẫn đến tiến độ bị trì hoãn khác nhau.

Phải làm cho dự án sớm đi vào khai thác, mang lại tác động lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và những năm tiếp theo. Trong ảnh: Nút giao thông An PhúẢnh: MINH HOÀNG

Chẳng hạn, theo thông tin tôi nắm được, tại dự án cao tốc Tiên Yên - Cao Bằng - Lạng Sơn, vướng mắc đang nằm ở đầu Lạng Sơn bởi địa phương này chưa kịp bổ sung quy hoạch đất liên quan đến giao thông. Hay với dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), các khâu chuẩn bị của Tây Ninh đã hoàn tất nhưng khó khăn đang nằm ở chỗ cần một cơ chế để sử dụng nguồn lực lớn hơn từ ngân sách TPHCM để đầu tư cho tuyến đường kết nối hai địa phương. Một dự án cao tốc khác tại khu vực Đông Nam bộ lại bị trì hoãn do vấn đề định giá đất, khiến việc giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Trong Công điện 104/CĐ-TTg ngày 8-10-2024 về việc đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công. Muốn làm vậy, mỗi một dự án, mỗi một chủ đầu tư phải tìm được điểm vướng mắc để cắt giảm, chứ không thể mỗi chỗ cắt một ít cho đạt mức 30% đã được giao.

Tôi đã từng tham mưu cho một số địa phương, thay vì phải lấy ý kiến của tất cả các sở ngành về dự án thì chỉ cần trao đổi, xin ý kiến của các đơn vị liên quan và đặt ra thời hạn trả lời. Nếu các đơn vị không có phản hồi, coi như đã thống nhất với quan điểm đã nêu. Với các sở ngành khác, chỉ cần thông báo qua văn bản. Theo tôi, đó là một cách giúp chúng ta giải quyết được một số ách tắc về thủ tục hành chính.

Với những vướng mắc đòi hỏi cần đổi mới về cơ chế, chính sách, pháp luật chuyên ngành về đầu tư công, các quy định về quản lý đất đai, quy hoạch..., việc hóa giải đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý từ cấp trung ương tới địa phương.

Cũng trong Công điện 104 nêu trên, Thủ tướng còn yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tuyên dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt; kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư... gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Như vậy, chủ đầu tư và người đứng đầu các dự án phải nhận diện được vướng mắc gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, dám quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đã đưa ra.

Song song với phân giao trách nhiệm cá nhân thì các chủ đầu tư và cá nhân chịu trách nhiệm cần có được sự ủy nhiệm và quyền quản lý độc lập tương đối, tất nhiên, trong phạm vi pháp luật cho phép. Khu vực công phải học hỏi phương pháp quản trị của khu vực tư nhân, để triển khai các công trình, dự án nhanh chóng, đưa vào vận hành suôn sẻ, mang lại hiệu quả trước mắt và lâu dài.

Đầu tư công đúng trọng tâm, trọng điểm...

KTSG: Dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung đang tương đối khiêm tốn, Quốc hội đã quyết định cấp thêm hơn 24.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để triển khai các dự án đã được phê duyệt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhận xét thế nào về động thái này? Chúng ta nên đặt kỳ vọng như thế nào về những dự án sẽ được cấp vốn?

- Nội dung này nằm trong Nghị quyết 1215/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương từ dự phòng chung ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các bộ, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Như vậy, đây đều là những dự án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong những năm ngân sách nhà nước phải ưu tiên hơn cho các nhu cầu phát sinh, đặc biệt trong giai đoạn ứng phó và phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các dự án này chưa được phân bổ ngân sách. Nhờ những nỗ lực của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định, tạo ra thặng dư ngân sách để có thể cấp cho các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí được kinh phí.

Tôi tin rằng, những công trình, dự án sử dụng nguồn ngân sách thặng dư này sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn, tạo nguồn thu và nuôi dưỡng bền vững các nguồn thu khác, để trong những năm tiếp theo, chúng ta lại có ngân sách tăng thêm đầu tư cho các công trình, dự án cấp thiết khác.

KTSG: Trong giai đoạn hiện tại, nhiệm vụ đặt ra cho đầu tư công là phải đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các dự án công trình quan trọng, có tính lan tỏa. Vậy chúng ta cần làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, thưa ông?

- Trong lựa chọn dự án, cần ưu tiên những dự án có tính chất tăng cường kết nối hạ tầng, phục vụ sinh kế và sự phát triển kinh tế ở các địa phương, đặc biệt là những vùng xa, vùng khó khăn. Chỉ cần một cây cầu hay một con đường được đầu tư hiệu quả đã có thể làm nền kinh tế cả một vùng trở nên năng động hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho những ngành nghề truyền thống tại địa phương, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới giá trị gia tăng cao hơn, cải thiện tích cực đời sống của người dân.

Ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng, tôi kỳ vọng, các cấp quản lý quan tâm hơn đến các dự án hạ tầng mềm như y tế, giáo dục, văn hóa, phục vụ lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp. Những công trình, dự án này phải giúp khơi thông điểm nghẽn về các dịch vụ phụ trợ cho người dân ở các đô thị mới hay đô thị nén như TPHCM và Hà Nội, củng cố cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Thứ hai, chúng ta cần có sự đầu tư quyết liệt hơn cho khoa học công nghệ. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và phân cực về địa kinh tế - địa chính trị, nếu chỉ thụ động trông chờ vào đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ, nền kinh tế trong nước có nguy cơ phải đối diện với nhiều rủi ro. Đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm về khoa học và công nghệ là để bổ sung nội lực cho cả nền kinh tế trong tương lai.

Về tổ chức thực hiện, trên thực tế, đã xảy ra tình trạng xây cầu nhưng không có đường kết nối, đường sá nói chung rất tốt nhưng phần đường giáp ranh giữa các tỉnh, thành xuống cấp thì không nơi nào chịu cấp kinh phí để sửa chữa, làm giảm thiểu khả năng phát huy sức mạnh tổng hợp, lợi thế so sánh của cả hai địa phương. Như vậy, cần có sự tháo gỡ từ cấp trung ương hay có cơ chế phối hợp liên vùng, giải quyết bài toán liên kết, phối hợp giữa các địa phương với nhau.

Một thực trạng khác là địa phương có những dự án trọng điểm cấp quốc gia được đầu tư rất tốt nhưng lại chưa khai thác tốt do bản thân địa phương đó lại ưu tiên những dự án lệch pha, không tận dụng được với các hạ tầng đã có. Nghĩa là phải nâng cao năng lực lựa chọn và triển khai dự án đầu tư công ở từng địa phương.

Cuối cùng là tốc độ triển khai dự án. Lựa chọn dự án đúng trọng tâm, trọng điểm là bước đầu tiên, tiếp đến phải làm cho dự án sớm đi vào khai thác, mang lại tác động lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và những năm tiếp theo. Đây vẫn đang là điểm yếu cố hữu của đầu tư công nói chung, tôi rất mong vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới