Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Steam bị chặn ở Việt Nam: Sự mở đầu hay kết thúc của một nền tảng dịch vụ xuyên biên giới?

Nguyễn Kỳ Duyên (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Steam - một nền tảng lớn và cung cấp đến hơn 55.000 đầu game (tính đến năm 2024) với đa dạng các thể loại game, bao gồm cả game phải giới hạn độ tuổi, kiểm duyệt nội dung - đã bị chặn ở Việt Nam vì không đăng ký phát hành game và không đóng thuế. Có lẽ biện pháp chế tài này của Chính phủ sẽ kéo dài đến khi Steam tuân thủ các quy định về thuế.

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải trả tiền thuế GTGT khi mua sản phẩm bất kỳ trên Steam nhưng Steam không hề kê khai và đóng thuế tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Từ đầu tháng 5-2024, nhiều người dùng ở Việt Nam bất ngờ khi không thể truy cập vào Steam - một trong những nền tảng phân phối game lớn nhất toàn cầu với những tựa game nổi tiếng có hàng chục triệu lượt tải về. Do không thể truy cập vào trang web bằng cách thức thông thường, nhiều người dùng đã sử dụng VPN để có thể truy cập vào trang web, tuy vậy họ không thể thực hiện giao dịch thanh toán khi mua game bằng các dịch vụ trung gian thanh toán do các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán ở Việt Nam thực hiện.

Vì Steam là nền tảng phân phối, là đầu mối tập trung game được sản xuất bởi các công ty sáng tạo game để người tiêu dùng dễ tiếp cận và mua game nên việc không thể thanh toán mua game trên Steam có thể xem là động thái vô hiệu hóa chức năng của nền tảng này và người tiêu dùng Việt Nam sẽ không thể tiếp tục mua game trên Steam nếu không có phương thức thanh toán nước ngoài hỗ trợ.

Chưa đăng ký phát hành, không tuân thủ quy định pháp luật thuế

Sở dĩ không thể truy cập vào Steam là vì nền tảng này phân phối game chưa được đăng ký phát hành. Ngoài ra, đối với việc kinh doanh này, Steam cũng không tuân thủ quy định pháp luật thuế. Mặc cho bị cơ quan chức năng yêu cầu tuân thủ và phối hợp nhằm thực thi đúng quy định đối với nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì Steam vẫn “bặt vô âm tín”. Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã có quyết định chặn mọi truy cập vào Steam bằng các biện pháp kỹ thuật qua nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước.

Động thái ngăn chặn của cơ quan chức năng liên quan đến một số chính sách của Chính phủ như ngăn chặn việc thất thu thuế đối với việc kinh doanh của các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia trên Internet và chính sách đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường game trong nước và những doanh nghiệp phát triển, kinh doanh hợp pháp khác.

Hầu hết người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ của các nền tảng xuyên biên giới đều không muốn nền tảng phải đóng thuế vì lo ngại giá bán sẽ tăng cao nhưng ít ai thực sự biết rằng hầu hết giá bán sản phẩm vốn đã bao gồm tiền thuế GTGT. Trên Steam, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phải trả tiền thuế GTGT khi mua game nhưng Steam không hề kê khai và đóng thuế tại Việt Nam.

Theo tinh thần của quy định tại Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ và Thông tư 80/2021/TT-BTC ngày 29-9-2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2022, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (hay nhà cung cấp nước ngoài) có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì phải thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế ở Việt Nam.

Cụ thể các nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam phải trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, đại lý thuế để thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế. Việc Steam không có trụ sở hay bất kỳ văn phòng đại diện nào ở Việt Nam nhưng lại phân phối game cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua nền tảng trang web trên Internet nên Steam cũng thuộc đối tượng phải kê khai và đóng thuế. Như vậy, Steam sẽ phải kê khai và đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các sản phẩm game bán ra và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu tại Việt Nam.

Theo quy định, tại Thông tư 81/2021/TT-BTC hướng dẫn cụ thể về việc quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài thì Steam có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho một tổ chức, đại lý thuế để thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Quy định pháp luật là vậy, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần liên lạc với Steam nhưng đều không nhận được phản hồi nên Chính phủ đã thực hiện biện pháp chế tài đối với hoạt động phân phối game của Steam tại Việt Nam, và có lẽ biện pháp này sẽ kéo dài đến khi Steam tuân thủ các quy định về thuế.

Đóng thuế ở 55 quốc gia nhưng vẫn “bặt vô âm tín” ở Việt Nam

Số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Newzoo cho thấy Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao thứ 2 thế giới, trung bình khoảng 7,4%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Doanh thu ngành game của khu vực cũng đã tăng vọt từ 2,4 tỉ đô la Mỹ năm 2019 lên hơn 5,3 tỉ đô la năm 2023. Trong đó, ngành game Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, với 54,6 triệu người chơi game, doanh thu năm 2023 là 507 triệu đô la, trong đó mảng game liên quan đến eSports đã đạt được nhiều thành tựu cao.

Tuy ngành công nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang phát triển cả về chất lượng và số lượng người chơi, thì thị trường game sản xuất bởi Việt Nam chủ yếu nhắm đến thị trường quốc tế còn phần lớn game phát hành tại Việt Nam lại là game của nước ngoài. Đối với các game được người chơi trong nước sử dụng thì bao gồm cả game được chính thức phát hành ở Việt Nam và cả những game không được kiểm duyệt, đăng ký phát hành theo quy định pháp luật và được bán trên các nền tảng xuyên biên giới như Steam. Do vậy, đối với một nền tảng lớn và cung cấp đến hơn 55.000 đầu game gồm nhiều loại thì việc Steam không đăng ký phát hành game và không đóng thuế là một tổn thất đối với Việt Nam ở nhiều khía cạnh vô cùng phức tạp.

Theo bảng kê khai mức đóng thuế của STEAM, hiện nền tảng này đang đóng thuế ở 55 quốc gia với thuế suất phải đóng thấp nhất là 5% tại Đài Loan, Ảrập và cao nhất là 27% tại Hungary(1). Phân tích giá bán game hiện tại của Steam có thể thấy giá này đã bao gồm thuế, dù cho có sự chênh lệch về thuế suất ở các quốc gia. Như vậy với mỗi sản phẩm bán ra, Steam đều đã tính vào giá bán của mình số tiền hợp lý dùng để đóng thuế tại các quốc gia và thường chỉ có một mức giá bán ra cho toàn bộ quốc gia.

Trong hai loại thuế mà Việt Nam quy định phải kê khai và đóng thuế trong trường hợp của Steam, thì thuế GTGT là thuế mà người tiêu dùng phải trả khi mua hàng hóa, bên cung cấp hàng hóa chỉ là bên thu hộ và chịu trách nhiệm kê khai, nộp thay. Trong thực tế, nếu thuế suất thuế GTGT quá cao, nhà sản xuất không muốn giá bán sản phẩm bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng đến sức tiêu dùng thì họ có thể chịu một phần tiền đóng thuế và điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty. Nhưng cần làm rõ rằng, phần tiền thuế GTGT sẽ bị tính cho người tiêu dùng.

Vậy nên người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phải trả tiền thuế GTGT khi mua sản phẩm bất kỳ trên Steam nhưng Steam không hề kê khai và đóng thuế tại Việt Nam. Tuy vậy, hầu hết người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ của các nền tảng xuyên biên giới đều không muốn nền tảng phải đóng thuế vì lo ngại giá bán sẽ tăng cao nhưng ít ai thực sự biết rằng hầu hết giá bán sản phẩm vốn đã bao gồm tiền thuế GTGT.

Mặc dù quy định pháp luật đã rõ ràng nhưng việc truy thu thuế từ những nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Steam gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Việc cơ quan chức năng kiểm soát bằng cách ngăn chặn việc kinh doanh của Steam thông qua các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chỉ là biện pháp tạm thời và cần có phương hướng rõ ràng, hiệu quả hơn liên quan đến việc ngăn chặn Steam kinh doanh tại Việt Nam.

Cần phải xác định rõ rằng việc Steam kinh doanh theo đúng quy định tại thị trường Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam nói chung và ngành game nói riêng. Mục tiêu này phù hợp với xu thế, tình hình hiện tại ở Việt Nam vì vị thế của ngành công nghiệp game nay đã khác, nhận được rất nhiều sự quan tâm từ Chính phủ bởi tiềm năng kinh tế mà lĩnh vực đang nổi này mang lại.

(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP

(1) https://partner.steamgames.com/doc/finance/taxfaqWin:

7 BÌNH LUẬN

  1. giờ steam chặn thì có thể khiến cho vấn nạn vi phạm bản quyền trở nên ngiêm trọng hơn vì là gì có hàng đâu mà mua

  2. Nếu thu thuế thì Việt Nam sẽ đứng trước Hungary với 40% (chắc vậy)thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và Thuế nhà thầu 10% (khi hợp tác với các đối tác ngoài lãnh thổ Việt Nam)

  3. Hiện giờ bật VPN lên thì có thể truy cập vào store bình thường còn nếu muốn mua thì chỉ cần có thẻ Visa hoặc MasterCard vẫn có thể mua game bình thường

  4. sẽ ko bao giờ có chuyện người dùng đổi sang một nền tảng khác để mua game. Thực tế thì ở mức độ toàn cầu, Epic vẫn luôn cố cạnh tranh bằng cách giảm giá game cực nhiều hay cho không luôn, thế nhưng người chơi vẫn luôn chọn steam là điểm đến để mua game. Ngoài ra thì người chơi nếu bị chặn vẫn luôn tìm cách vượt qua để sử dụng thôi, Steam vốn đã xây dựng được lòng tin với game thủ từ lâu đi kèm với việc Steam còn tạo được một hệ sinh thái nhất định với Market như một thị trường NFT nhất định. Điều duy nhất cấm Steam ảnh hưởng đó là lượng người chơi trẻ tuổi sẽ ít quan tâm đến các tựa game trả phí hoặc sẽ khiến họ tìm đến những nơi tải lậu – điều mà vi phạm bản quyền cũng là thứ mà nhà nước đang tìm cách xây dựng.

  5. đa số game bây giờ toàn tải lậu thôi, vì không ai muốn tốn phí khi chơi game cả. Nên những loại phí trả 1 lần vẫn sẽ được ưu tiên hoặc miễn phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới