(KTSG) - Không chỉ tạo ra cơ hội phát triển mới, tài chính xanh còn chứa đựng lợi ích về khía cạnh môi trường, là mạch nguồn nuôi dưỡng những mô hình tăng trưởng bền vững hơn cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã khẳng định rằng, quy mô và chất lượng của thị trường tài chính xanh sẽ đóng vai trò quyết định đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Trên thực tế, việc đầu tư kịp thời và hiệu quả vào các dự án bền vững được kỳ vọng giúp nền kinh tế tăng tốc phát triển hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, hỗ trợ nghiên cứu các công nghệ mới, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, xây dựng và sản xuất sang hướng thân thiện hơn với môi trường.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoản đầu tư lớn cho tăng trưởng bền vững, với riêng số vốn tăng thêm cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng không từ nay đến năm 2040 đã lên tới 370 tỉ đô la Mỹ(1). Tuy nhiên, thách thức chủ yếu mà các giải pháp bền vững của các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt, thay vì nảy sinh từ quy mô nguồn vốn, lại xuất phát từ hạn chế trong khả năng tiếp cận tín dụng xanh.
Trong đó, việc thiếu vắng một bộ khung phân loại mang tính nền tảng đang trở thành rào cản lớn trong việc chuyển hướng dòng vốn tiềm năng vào các lĩnh vực phát thải thấp.
Khởi đầu từ danh mục phân loại xanh
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn bên lề sự kiện Phát triển bền vững 2024 tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại TPHCM, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao khối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết tài chính xanh không giống như tài chính truyền thống với lãi suất cho vay ưu đãi, điều kiện cho vay linh hoạt đi kèm các hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên, các ngân hàng vốn quen thuộc với việc đánh giá rủi ro của các dự án truyền thống dường như gặp khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn mới cho dự án xanh, vốn phức tạp hơn về tính chất và dài hạn hơn trong thời gian triển khai.
Để có thể tiếp cận nguồn vốn này, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện các dự án đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tính bền vững và khả năng sinh lời. Tại một số quốc gia, trong đó có Thái Lan, việc ban hành danh mục phân loại cụ thể là cách để ngân hàng và các định chế tài chính xác định tính “xanh” của các khoản đầu tư, qua đó đánh giá mức độ bền vững và thẩm định những điều kiện liên quan trong quá trình cân nhắc cấp vốn.
Có thể thấy, danh mục phân loại xanh là công cụ quan trọng để định hướng đầu tư vào các dự án phát thải thấp, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Tháng 7-2023, Thái Lan đã áp dụng danh mục phân loại xanh trong lĩnh vực năng lượng và giao thông, vốn chiếm tới hai phần ba tổng lượng khí thải của nước này. Khung phân loại được xây dựng phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2016, với các tiêu chí dựa trên lộ trình giảm phát thải của Chính phủ Thái Lan. Dự kiến, danh mục phân loại xanh sẽ được mở rộng sang cả các ngành sản xuất, nông nghiệp, bất động sản, xây dựng và xử lý rác thải, chiếm khoảng 95% các hoạt động liên quan đến phát thải của nền kinh tế(2).
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có các tiêu chí phân loại tương tự, không chỉ các định chế tài chính mà bản thân doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các giải pháp bền vững. Khi các dự án tiềm năng không tìm được dòng tiền thích hợp còn ngân hàng gặp khó trong việc thẩm định điều kiện cho vay, Việt Nam vô tình để lỡ cơ hội tạo ra lợi thế cạnh tranh trong chuyển đổi xanh, bất chấp tiềm năng sẵn có của nền kinh tế. Như ông Lim Dyi Chang đã chỉ ra, khảo sát về triển vọng kinh doanh của UOB vào năm 2024 cho thấy một nửa số công ty Việt Nam được hỏi đối mặt với những khó khăn liên quan đến các giải pháp tài chính bền vững.
Chuẩn bị tốt cho hành trình dài
Không chỉ riêng danh mục phân loại xanh, việc phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn. Với các ngân hàng, khó khăn thứ nhất đến từ sự thiếu hụt về nguồn nhân lực có chuyên môn. Thực tế này gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
Thứ hai, các dự án xanh thường phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn và thời gian thu hồi vốn lâu hơn so với các dự án truyền thống, phần nào tạo ra tâm lý đầu tư e dè. Thứ ba, chi phí để phát triển các sản phẩm tài chính xanh và xây dựng năng lực đánh giá rủi ro là một gánh nặng lớn.
Với các doanh nghiệp, thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ là một trở ngại lớn. Nhiều công ty không nắm rõ các chính sách ưu đãi, trong khi thủ tục vay vốn phức tạp và yêu cầu về tài sản đảm bảo cao cũng là những rào cản khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Trong khi đó, việc đầu tư vào công nghệ mới, đào tạo nhân viên và thay đổi quy trình sản xuất đòi hỏi một khoản đầu tư lớn ban đầu, thậm chí vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp vốn đang chật vật tìm chỗ đứng trong nền kinh tế.
Số liệu năm 2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh, một trong ba cấu phần của thị trường tài chính xanh cùng với trái phiếu và cổ phiếu xanh(3), mới chiếm 4,6% tổng dư nợ, đạt chưa đầy một nửa mục tiêu đặt ra là 10% vào cuối năm 2025.
Do đó, để thúc đẩy thị trường tài chính xanh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức xã hội, hoàn thiện khung pháp lý và tạo ra các cơ chế khuyến khích đầu tư, vai trò của Nhà nước còn bao gồm đẩy mạnh đầu tư công - khoản vốn “mồi” - cho các dự án phát triển.
Các ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm tài chính xanh, xây dựng năng lực đánh giá rủi ro, hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ mới. Với các doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và tiến hành xây dựng các báo cáo bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng không kém việc tìm kiếm các đối tác hợp tác ở cả hiện tại và tương lai.
Đổi mới để thích nghi
Tại TPHCM, tài chính xanh được xem là một trong bốn lĩnh vực mang ý nghĩa chiến lược mà thành phố cần ưu tiên đầu tư trong cuộc chuyển mình về công nghiệp hiện tại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của thời kỳ mới, theo đề xuất của ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia tại Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu (TBI) Việt Nam. Các lĩnh vực còn lại bao gồm điện tử và sản xuất công nghệ cao, kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.
Khuyến nghị của ông McClellan được đưa ra tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) lần thứ 5 hôm 25-9. Đại diện TBI cho rằng trong bối cảnh xu thế chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đang ngày càng phổ biến, sự phát triển của thị trường tài chính xanh năng động góp phần thúc đẩy dòng vốn vào các dự án đề cao tính bền vững.
Đối với TPHCM, đặc điểm mang lại cơ hội cấp vốn vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng xanh và công nghệ thân thiện với môi trường, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp cho thành phố.
Như lời của TS. Carmelo Ferlito, Giám đốc điều hành của Trung tâm Giáo dục Thị trường (Malaysia-CME), sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua chính là minh chứng thể hiện những đổi mới phù hợp trong quyết sách sẽ góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Tương tự với lĩnh vực tài chính xanh, có thể thấy những bước đi cần thiết trong việc xây dựng một thị trường vốn năng động và minh bạch, mà trọng tâm là củng cố khuôn khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư, sẽ góp phần giúp Việt Nam định vị tốt hơn vị thế trong nền kinh tế toàn cầu giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
(3) https://kinhtevadubao.vn/phat-trien-tai-chinh-xanh-o-viet-nam-28179.html