(KTSG) - Triển vọng của Đức - nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngày càng trở nên ảm đạm hơn với những dự báo về khả năng rơi vào suy thoái năm thứ hai liên tiếp.
- Euro 2024 tác động thế nào đến kinh tế Đức
- Kinh tế Đức thụt lùi trước ‘đòn giáng’ của lạm phát và lãi suất
Kinh tế Đức đối mặt với năm suy giảm thứ hai liên tiếp
Hôm thứ Tư tuần trước (9-10), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố rằng nền kinh tế nước này dự kiến sẽ suy giảm 0,2% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 0,3% như dự báo đưa ra trước đó. Đây sẽ là năm suy giảm thứ hai liên tiếp của nền kinh tế đầu tàu Eurozone, sau mức giảm 0,3% trong năm ngoái.
Triển vọng ảm đạm này cũng khiến Đức trở thành nền kinh tế duy nhất trong nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) có nguy cơ suy giảm tăng trưởng trong năm nay. “Các điều kiện kinh tế hiện không khả quan”, ông Robert Habeck cho biết, “nhưng chúng tôi đang trong quá trình tìm cách thoát khỏi tình trạng này”.
Theo ông Habeck, Đức đã đạt được “tiến triển thực sự” trong việc giải quyết các yếu tố ngắn hạn kéo sản lượng kinh tế giảm xuống trong những năm gần đây, như lạm phát tăng vọt, lãi suất cao và chi phí năng lượng đắt đỏ do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, các vấn đề về cấu trúc dài hạn hơn, chẳng hạn như tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động lành nghề, sự thiếu hụt đầu tư trong nhiều năm vào cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính rườm rà, đang là những yếu tố kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
Đức, quốc gia từng phụ thuộc nhiều vào khí đốt giá rẻ nhập khẩu từ Nga, đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn các nền kinh tế lớn khác của châu Âu do cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã phải đối mặt với sức ép lớn.
Khi giá năng lượng giảm, các bộ trưởng và nhà kinh tế hy vọng rằng nền kinh tế Đức sẽ phục hồi ở mức vừa phải trong năm nay. Tuy nhiên, một loạt các dữ liệu kinh tế ảm đạm liên tục trong vài tháng qua đã làm lu mờ triển vọng này. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp, trong khi các công ty đang trì hoãn việc đầu tư.
Vào tháng 9, chỉ số môi trường kinh doanh theo khảo sát của Viện nghiên cứu Ifo có trụ sở tại Munich đã ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp. Phần lớn các nhà quản lý doanh nghiệp được Ifo thăm dò ý kiến đều cho biết họ không hài lòng với tình hình hiện tại của mình và bi quan về triển vọng kinh doanh.
Viện nghiên cứu Ifo cũng nhận định, nền kinh tế Đức đang “lún sâu vào khủng hoảng” khi cả các yếu tố chu kỳ lẫn cơ cấu đều đè nặng lên triển vọng tăng trưởng. Theo Giáo sư Timo Wollmershauser, Phó giám đốc Viện Ifo, “nền kinh tế Đức đang mắc kẹt và rơi vào tình trạng trì trệ, trong khi các quốc gia khác đã cảm nhận được sự phục hồi”.
Giáo sư Wollmershauser cho rằng tình trạng khó khăn này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm quá trình giảm phát thải carbon, số hóa nền kinh tế, sự thay đổi nhân khẩu học. Bên cạnh đó là những biến động địa chính trị như cú sốc giá năng lượng và sự thay đổi vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Sự suy yếu của lĩnh vực sản xuất
Sự suy yếu đáng chú ý hơn cả diễn ra ngay trong chính lĩnh vực sản xuất - động lực quan trọng của nền kinh tế Đức. Trên thực tế, các cơ sở công nghiệp của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong một thời gian dài, cho thấy sự suy yếu bắt nguồn từ các vấn đề về cấu trúc chứ không chỉ mang tính chu kỳ tạm thời.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9 đã giảm mạnh xuống còn 40,6. Đây đã là tháng thứ 27 liên tiếp chỉ số suy giảm, phản ánh sự thu hẹp của hoạt động sản xuất, và là kết quả yếu kém thứ hai trên thế giới, chỉ sau Myanmar.
Sự suy yếu kéo dài này, đặc biệt là về số đơn đặt hàng xuất khẩu, là điều chưa từng xảy ra trong những thập kỷ gần đây. Chính phủ Đức dự kiến kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ giảm 0,1% trong năm nay.
Bộ trưởng Habeck thừa nhận “một nửa tăng trưởng của Đức luôn đến từ xuất khẩu và trụ cột này đã bị suy yếu. Về cơ bản, chúng tôi không ghi nhận bất kỳ sự tăng trưởng nào kể từ năm 2018”.
Tiến sĩ Cyrus de la Rubia, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, đã nhấn mạnh vào cái gọi là “cú sốc Trung Quốc”, coi đây là một trong những yếu tố chính dẫn đến những khó khăn của ngành sản xuất Đức. Ông cho biết, các lĩnh vực như ô tô và kỹ thuật cơ khí đang phải vật lộn để thích ứng với sự cạnh tranh gia tăng từ nước ngoài.
Các thương vụ thâu tóm và đầu tư ra nước ngoài được đẩy mạnh
Trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp Đức đang trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các thương vụ thâu tóm từ giới đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cũng cố gắng bán bớt một số mảng hoạt động kinh doanh để có đủ khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Deutsche Bahn, công ty đường sắt quốc gia của Đức, gần đây đã đồng ý bán công ty con trong mảng hậu cần là Schenker cho đối thủ cạnh tranh Đan Mạch DSV với giá khoảng 14 tỉ euro. Dòng tiền này dự kiến sẽ cung cấp sự hỗ trợ tài chính rất cần thiết cho Deutsche Bahn, công ty đang phải vật lộn với tình trạng hoạt động kém hiệu quả.
Trong khi đó, Commerzbank, ngân hàng tư nhân lớn thứ hai của Đức, lại đang là mục tiêu chính cho một vụ thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài. UniCredit, gã khổng lồ trong ngành ngân hàng của Ý, đã kín đáo tăng cổ phần của mình tại Commerzbank lên 21%, làm dấy lên suy đoán rằng một thương vụ thâu tóm có thể sắp xảy ra.
Nhà Kinh tế trưởng của Ngân hàng ING Carsten Brzeski dự báo “sự trì trệ và thay đổi cấu trúc nền kinh tế sẽ tác động lớn tới các công ty. Và trong những thời điểm như vậy, các thương vụ thâu tóm sẽ tiếp tục xảy ra - dù là từ phía các nhà đầu tư trong nước hay từ nước ngoài”.
Bên cạnh đó, một số công ty, do lo ngại về chi phí lao động và năng lượng cao, gánh nặng thuế lớn và bất ổn chính trị, đang cân nhắc chuyển một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia rẻ hơn, làm dấy lên lo ngại về quá trình phi công nghiệp hóa ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đáng chú ý hơn cả là việc BASF, gã khổng lồ trong ngành công nghiệp hóa chất của Đức, đang xây dựng một nhà máy mới trị giá 10 tỉ euro tại Trung Quốc. Thương vụ đầu tư này cho thấy, ngày càng nhiều công ty của Đức sẽ có xu hướng chuyển hướng sang thị trường quốc tế để đảm bảo tăng trưởng.
Những kỳ vọng vào sự phục hồi trong năm 2025
Mặc dù triển vọng ngắn hạn khá ảm đạm, Chính phủ Đức vẫn kỳ vọng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2025, với tổng sản phẩm quốc nội dự kiến tăng 1,1%, cao hơn đôi chút so với dự báo trước đó là 1%. Đến năm 2026, tăng trưởng có thể đạt 1,6%, chủ yếu nhờ vào sự gia tăng tiêu dùng tư nhân và lạm phát ổn định.
Về mặt lạm phát, Chính phủ Đức cũng đã điều chỉnh lại các dự báo của mình. Theo đó, lạm phát dự kiến sẽ giảm từ mức 5,9% của năm ngoái xuống còn 2,2% vào năm 2024, và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, ổn định ở mức 1,9% vào năm 2026. Việc lạm phát hạ nhiệt, cùng với việc tăng lương và giảm thuế, được coi là những yếu tố then chốt trong việc phục hồi tiêu dùng tư nhân, có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào năm 2025.
Tuy nhiên, việc những dự báo này có thể trở thành hiện thực hay không, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu Đức có thể thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và ổn định các điều kiện kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Robert Habeck, việc thực hiện gói tăng trưởng toàn diện gồm 49 biện pháp là rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Các biện pháp này nhằm mục đích phục hồi nền kinh tế bằng cách thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và giải quyết các vấn đề cơ cấu lâu dài.
Ông Habeck nhấn mạnh rằng nếu kế hoạch này được triển khai thành công, “nền kinh tế sẽ mạnh hơn và nhiều người sẽ quay trở lại làm việc”. Tuy nhiên, sự thành công của kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào cuối năm nay tại cả hai viện của quốc hội Đức, bao gồm cả Thượng viện, hiện do phe đối lập kiểm soát.
Liên minh cầm quyền không mấy vững chắc của Thủ tướng Olaf Scholz hiện vẫn đang phải vật lộn với sự bất hòa kéo dài giữa Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Tự do và Đảng Xanh. Trong khi đó, các đảng dân túy cực hữu và cực tả lại đạt được những kết quả tích cực trong cuộc bầu cử ở ba tiểu bang miền Đông nước Đức vào tháng trước. Những diễn biến chính trị phức tạp này được dự báo sẽ tiếp tục cản trở các nỗ lực của Berlin nhằm đưa đoàn tàu kinh tế Đức đang trật bánh quay trở lại đường ray.
Nguồn: Politico, Euronews, Financial Times, DW, Reuters