(KTSG) - Các doanh nghiệp trên khắp thế giới có hàng bán qua Mỹ hiện đang hồi hộp chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 sắp tới, cho dù họ biết ai đắc cử thì nước Mỹ cũng sẽ quay lưng với tự do hóa thương mại.
Cả hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump và của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris đều chủ trương sẽ tăng thuế nhập khẩu nhưng mức độ tăng có khác giữa hai người.
- Chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ và chứng khoán Việt Nam
- Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ lung lay trước thềm bầu cử tổng thống
Kể cũng lạ, vào thập niên 1990 chưa xa, các ứng cử viên tổng thống Mỹ lúc đó tranh luận quanh mức độ mở cửa cho ngoại thương bằng con đường miễn giảm thuế. Nay cuộc tranh luận lại xoáy vào mức độ bảo hộ cho sản xuất trong nước bằng con đường áp thuế lên hàng nhập khẩu. Trong lĩnh vực này, ông Trump xem ra cực đoan hơn khi ban đầu đề xuất đánh thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ nước nào, gần đây lại nâng lên mức 20%. Riêng với Trung Quốc, ông muốn áp mức thuế mang tính trừng phạt hơn, đến 60% đồng thời hủy bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã chủ trương đánh thuế hàng nhập khẩu như một cách để tối đa hóa quyền lực của nước Mỹ trong ngoại thương. Đầu tiên ông áp thuế lên tấm pin mặt trời, máy giặt rồi mở rộng sang thép và nhôm trước khi tập trung đánh thuế lên hàng Trung Quốc. Chính sách áp thuế này vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ. Lúc ông Trump đánh thuế thép và nhôm của hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có thép và nhôm EU, châu Âu trả đũa bằng cách áp thuế lên whiskey nhập khẩu từ Mỹ. Hiện nay chính quyền ông Biden đã thỏa thuận với EU tạm thời không áp thuế này nhưng chỉ kéo dài việc tạm hoãn đến đầu năm sau. Rất có thể đến tháng 3-2025, rượu whiskey Mỹ nhập vào châu Âu sẽ chịu thuế đến 50% trừ khi hai bên đạt được một thỏa thuận mới.
Về mặt pháp lý, ông Trump có thể biện minh cho mức thuế cao áp lên hàng Trung Quốc bằng cách cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận thương mại ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông (nước này nhập hàng của Mỹ ít hơn nhiều so với mức cam kết). Thế còn lý do gì có thể đưa ra để áp thuế lên hàng hóa của tất cả các nước? Rất có thể, theo nhiều chuyên gia, ông Trump sẽ tuyên bố thâm hụt thương mại của Mỹ là một tình huống khẩn cấp quốc gia, cho phép ông áp dụng đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế để áp thuế. Để thuyết phục Quốc hội Mỹ, ông Trump có thể lập luận thuế nhập khẩu sẽ bù đắp vào những khoản miễn giảm thuế nội địa cho doanh nghiệp Mỹ. Trên nguyên tắc, Mỹ đang nhập chừng 3.000 tỉ đô la hàng hóa mỗi năm nên với mức thuế 10%, ngân sách nước này sẽ có thêm 300 tỉ để chi tiêu.
Không đến mức cực đoan như ông Trump nhưng bà Harris cũng chủ trương “bảo hộ mềm” sẽ tốt hơn cho nước Mỹ, tức sẽ trợ cấp cho các ngành nghề ưu tiên. Khi bà còn là Thượng nghị sĩ Mỹ, bà là một trong 10 thượng nghị sĩ chống lại hiệp định thương mại tự do lúc đó do ông Trump đang thương lượng lại với Canada và Mexico. Lý do bà chống lại là bởi theo bà hiệp định đã không có những điều khoản chặt chẽ để bảo vệ môi trường. Giống như Tổng thống Joe Biden, bà không mặn mà với các hiệp định thương mại tự do nhưng cũng không đến mức đòi áp thuế chung lên hàng nhập khẩu.
Bà Harris thường phê phán ý tưởng đánh thuế chung 10% lên mọi loại hàng hóa nhập khẩu của ông Trump, cho rằng vậy chẳng khác gì là một loại thuế giá trị gia tăng. Bà trích dẫn các nghiên cứu cho rằng một mức thuế như vậy sẽ làm một gia đình điển hình Mỹ phải tiêu tốn thêm 4.000 đô la mỗi năm.
Tuy nhiên chính sách bà Harris đề xuất cũng là một loại thuế gián tiếp, gây lo ngại cho các nước. Đó là dùng tín dụng thuế để trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước phát triển các ngành như năng lượng sạch, chip bán dẫn, pin mặt trời, xe điện… Ngoài ra bà cũng chủ trương có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc khi nước này bị xem là phá vỡ các quy tắc. Điều đó có nghĩa nếu Harris đắc cử, bà sẽ tiếp tục các mức thuế cao mà chính quyền ông Biden đã áp lên nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc như xe điện, pin và tấm năng lượng mặt trời.
Như vậy sự khác nhau giữa ông Trump và bà Harris chỉ là mức độ và quy mô; ông Trump sử dụng thuế như một bức tường bịt kín bảo hộ sản xuất bên trong nước Mỹ còn bà Harris rõ ràng không phải đang xây cầu mà cũng đang dựng hàng rào dù thưa hơn nhưng cũng có nhiệm vụ rào chắn cho doanh nghiệp Mỹ. Trong bối cảnh đó, chính các doanh nghiệp Mỹ cũng phải nín thở chờ đợi vì ắt hẳn các nước sẽ áp thuế trả đũa như doanh nghiệp sản xuất whiskey đang lo sẽ phải chịu mức thuế 50% khi bán hàng sang châu Âu vào tháng 3 sắp tới.