(KTSG Online) - Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn; phấn đấu GDP cả năm đạt và vượt 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%.
- Tập trung tháo gỡ khó khăn để vực dậy thị trường vốn, tăng hỗ trợ doanh nghiệp
- Quốc hội thực hiện bầu Chủ tịch nước vào hôm nay
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 21-10, Quốc hội nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, TTXVN đưa tin.
Trong đó, bàn về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu cần thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn. Năm nay, Chính phủ phấn đấu GDP đạt và vượt 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách nhà nước tăng trên 10%; tỷ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật còn vướng mắc, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống người dân cũng cần được quan tâm.
Đến năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Một số giải pháp, nhiệm vụ khác như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc; phát triển mạnh thị trường vốn, thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó là kiểm soát tốt nguồn cung, giá cả hàng hóa, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các đơn vị liên quan đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên 15%, thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024.
Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, triển khai hiệu quả đề án 06. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tập trung ở các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu việc thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị; triển khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp…