(KTSG Online) - Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sắp ban hành được kỳ vọng là cơ hội thu hút nhà quản lý giỏi và trao đủ quyền cho họ, khai thác nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Ban hành kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
- Vì sao cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục chậm?
Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) đã ban hành cách đây tròn 10 năm.
Việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, luật này còn nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước.
Để tận dụng cơ hội từ Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mang lại, thiết nghĩ các chính sách, quy định cần thay đổi mạnh mẽ, tạo cơ hội mới để doanh nghiệp nhà nước tăng tốc phát triển sau khi luật này được ban hành.
Cần nhiều biện pháp dứt khoát và đồng bộ
Lợi ích đầu tiên khi cổ phần hóa là giúp chủ sở hữu doanh nghiệp là Nhà nước thu được khoản tiền từ việc bán cổ phần hoặc tùy trường hợp có thể tạo vốn bằng nhiều cách, phát hành thêm cho các cổ đông khác. Từ đó có thêm nguồn thu lớn vừa giảm chi phí cho bộ máy vận hành, quản lý, công bằng trong kinh doanh,
Hơn nữa, chuyển đổi chức năng kinh tế, vạch rõ ranh giới giữa nhà nước và thị trường. Mở rộng quyền tự chủ doanh nghiệp, công cụ giải quyết những bất cập trong quản lý nhà nước. Chẳng hạn chủ thể sử dụng vốn sau cổ phần hóa sẽ phải chịu trách nhiệm đến một mức độ nhất định về đầu tư, kinh doanh và các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác đối với doanh nghiệp sao cho có hiệu quả nhất. Khác với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thường mang tâm lý ỷ lại, nếu thua lỗ thì chủ sở hữu sẽ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm sau cùng.
Thực tế cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thường chậm trong khâu tổ chức thực hiện. Doanh nghiệp nhà nước vốn hưởng nhiều ưu đãi về tiếp cận vốn vay ngân hàng, đất đai, hạ tầng cơ sở, đầu tư hoặc kinh doanh thua lỗ có thể được “giải cứu” đã tạo sự chủ quan với suy nghĩ có gì thì chính quyền đứng đằng sau doanh nghiệp như một sự bảo lãnh.
Từ đó dẫn đến những khoản chi chưa hiệu quả, dự án thiếu khả thi có khi cũng được cho vay tiền. Tình trạng này sẽ được loại bỏ khi đã cổ phần hóa, bên cho vay tiền cũng chịu phần nào đó rủi ro nếu vi phạm nguyên tắc đánh giá với trách nhiệm cao nhất.
Cấp thẩm quyền nên có những quyết định dứt khoát, triển khai thực hiện triệt để, quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, ban hành chính sách, văn bản về cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Nên kết hợp cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, ngành nghề với chiến lược phát triển kinh tế, chuyển đổi số, kiểm soát cái lớn, nới lỏng cái nhỏ, rút một số bộ phận sử dụng ngân sách ra khỏi lĩnh vực có tính cạnh tranh thị trường.
Phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp xem xét giao cho đơn vị hoặc doanh nghiệp có chuyên môn kinh doanh tài chính để quản lý, kiểm soát và quy định chức năng, quyền hạn đối với cá nhân được giao làm đại diện chủ sở hữu, định kỳ báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư.
Cần có đơn vị làm đầu mới phối hợp lập đề án cơ cấu lại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước làm kinh tế, phân loại phù hợp, cổ phần hóa. Tùy tính chất đặc thù đối với từng nhóm doanh nghiệp mà chính quyền có thể nắm giữ vốn điều lệ trên 50% đến dưới 65%, 49% trở xuống nhưng các quyết định kinh doanh ưu tiên theo hướng do chính doanh nghiệp đó đưa ra, ngưởi đứng đầu được quyền tuyển dụng và sa thải những nhân sự trong bộ máy quản lý, trả lương theo năng lực, không sợ bị kỷ luật trong quá trình kinh doanh nếu làm đúng.
Khi đã thoái vốn, công việc quản lý nhà nước không còn nhiều như trước đó nên càng thuận lợi tách bạch chức năng kinh doanh và giám sát. Cải cách phương thức quản lý nhà nước giảm thủ tục hành chính, quy định danh mục nào chưa có căn cứ pháp lý thì cơ quan quản lý không được tăng thêm hoặc tìm cách lách luật để chi phối, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.
Cần có quy định ràng buộc trách nhiệm cá nhân và thời gian triển khai, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan chức năng giám sát lộ trình thực hiện, công bố giá trị doanh nghiệp sát thực tế, đốc thúc đạt các mục tiêu đề ra. Có thể mời thêm các bộ ngành liên quan phối hợp hỗ trợ như Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường để kiểm kê và công nhận các tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Nên thi tuyển giám đốc và trao đủ quyền
Doanh nghiệp nhà nước cần những cá nhân điều hành có năng lực, hạn chế dựa vào cách bổ nhiệm. Cơ quan quản lý cần soạn thảo quy chế, chính sách thi tuyển giám đốc có thêm nguồn nhân sự từ bên ngoài, không bỏ lỡ một công cụ hỗ trợ cải cách.
Đây còn là một chiến lược mang đến thành công trong mỗi lĩnh vực, trước tiên là người đứng đầu, một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế vừa giảm bớt điểm yếu nội tại. Bởi quản trị là thực thể cấu tạo từ những con người để lập kế hoạch, triển khai công việc theo nhiệm vụ được phân công. Điều này thực ra đã được đề xuất trước đây, lúc đó chưa có cơ chế đặc thù rõ ràng cụ thể nên không thực hiện đến nơi đến chốn cũng như chưa xây dựng được những chính sách tạo thuận lợi cho việc triển khai trên diện rộng.
Giám đốc qua thi tuyển sẽ cân bằng với chủ tịch hội đồng quản trị để một bên chuyên tâm lo chuyện kinh doanh theo đúng kế hoạch đã đề ra sao cho có lợi nhất và một bên thực hiện chiến lược cho chủ sở hữu. Dần dần mô hình này sẽ chuyển sang hoạt động chuyên nghiệp, thuê người điều hành có năng lực từ bên ngoài cho doanh nghiệp nhà nước. Từ đó kiểm soát được chuyện đầu tư lãng phí, sai lầm về mặt tài chính.
Hiếm có chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc nào qua thi tuyển lại chịu ký duyệt chi các khoản tiền có dấu hiệu lãng phí, thua lỗ nếu biết rằng sẽ bị kiểm tra chéo, ảnh hưởng bản thân, chức vụ đang đảm nhận.
Nếu chưa thực hiện đồng bộ, có thể thí điểm rồi sau đó nhân rộng với các doanh nghiệp nhà nước phải tổ chức thi tuyển giám đốc. Mở rộng nguồn tham gia có nhân sự tại chỗ, trực tiếp, từ xa. Ban hành quy chế thi tuyển, điều kiện ứng viên, thông báo rộng rãi cho những ai quan tâm trên cơ sở các tiêu chí đã được quy định và có cả kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực đó. Ví dụ thi tuyển giám đốc doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh ngoài các điều kiện thông thường còn phải có chuyên môn về kinh tế, tài chính hoặc đã thành công trong thực tiễn.
Cơ quan quản lý cũng cần thiết kế chế độ hấp dẫn, mức thu nhập xứng đáng, ngoài chi phí hỗ trợ ban đầu còn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường làm việc, thẩm quyền xử lý và quyết định, có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung để giữ chân nhân sự lâu dài. Điểm mấu chốt là giám đốc được quyền tuyển dụng và sa thải cấp dưới, trả lương theo năng lực, chọn phương án kinh doanh, không lo bị bãi nhiệm trong quá trình điều hành nếu làm đúng quy định.
Việc quy định rõ vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện chủ sở hữu với giám đốc qua thi tuyển sẽ hạn chế thực trạng hiện nay, người điều hành doanh nghiệp nhà nước phải “cân đo” liệu làm hài lòng chủ sở hữu hay kinh doanh cho có hiệu quả. Hơn nữa, chính sách này còn tạo điều kiện cho nhân tài điều hành phát huy hết khả năng. Chẳng hạn, ở lĩnh vực kinh tế, giám đốc không chỉ nghĩ đến làm tốt công việc được giao phó theo hợp đồng mà phải mang đầu óc của một doanh nhân chấp nhận rủi ro sử dụng đồng vốn để phát triển và sẵn sàng chuyển đổi hướng đầu tư, sản suất nhằm tạo giá trị lớn có lợi nhuận cao hơn.
----------------------------
(*) Công ty Tư vấn và Quản lý Trung Đông Hưng, TPHCM