Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý ngành trà: Hàng bán nhiều, tiền thu ít

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá bình quân trà xuất khẩu của Việt Nam đạt 1.796,3 đô la Mỹ/tấn. Mức giá này mới chỉ bằng chưa tới 70% so với giá trà xuất khẩu bình quân trên thế giới là 2.600 đô la/tấn. Thế nên nghịch lý của ngành trà Việt Nam là hàng bán nhiều, tiền thu về ít.

Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá trị cây trà Việt Nam không cao là do chủng loại trà xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.

Giá trà xuất khẩu thấp vì xuất thô

Sản lượng trà Việt Nam hiện nằm trong tốp 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu trà Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu đô la. Trong năm năm qua khối lượng và trị giá xuất khẩu của trà Việt Nam vẫn ổn định hàng năm từ 125.000-140.000 tấn/năm, kim ngạch 220-240 triệu đô la, giá cá biệt một số loại sản phẩm tăng cao, có sản phẩm đạt từ 15.000 đến trên 50.000 đô la/tấn; nhưng trà giá thấp còn chiếm tỷ trọng cao (trên 90%, chủ yếu do hái máy không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) nên giá trà xuất khẩu bình quân chỉ đạt khoảng 1.700-1.800 đô la/tấn.

Những năm qua, nhu cầu tiêu dùng trà trên thế giới đã thay đổi rất nhanh, chuyển từ các sản phẩm trà thông thường sang các sản phẩm trà chế biến sâu, trà đặc sản. Trong khi đó, ngành trà Việt Nam vẫn chậm nâng cao chất lượng sản phẩm, chậm đầu tư vào chế biến sâu và ít nghiên cứu đầu tư sản phẩm mới…

Hiện sản phẩm trà xanh vẫn chiếm tới 94% trong tổng khối lượng trà xuất khẩu của Việt Nam. Đây là sản phẩm trà cấp thấp nhất, chủ yếu chỉ sử dụng phương pháp sao sấy truyền thống, chưa qua công đoạn chế biến sâu.

Trong khi đó, các sản phẩm trà cao cấp như trà đen, trà oolong, trà ướp hoa… chỉ chiếm 6% trong tổng khối lượng trà xuất khẩu. Mặc dù giá xuất khẩu các loại trà chế biến sâu này rất cao (năm 2023, giá xuất khẩu trà oolong đạt 2.900 đô la/tấn, trà ướp hoa đạt 2.100 đô la/tấn), nhưng do lượng xuất khẩu quá thấp, nên kim ngạch xuất khẩu không đáng kể.

Về chủng loại sản phẩm trà xuất khẩu năm 2023, dẫn đầu về lượng và trị giá là trà xanh với 57.500 tấn, trị giá 113,5 triệu đô la, giảm 6,9% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là trà đen đạt 46.000 tấn, trị giá 62,4 triệu đô la, giảm lần lượt 16% về lượng và 18% về trị giá; trà ướp hoa đạt 3.800 tấn, trị giá 8 triệu đô la, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 6,5% về trị giá. Đáng chú ý, trà oolong đạt 1.300 tấn, trị giá 3,8 triệu đô la, tăng 102% về lượng và tăng 107% về trị giá so với năm 2022. Trà Việt Nam đã xuất khẩu vào được hầu hết các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Theo báo cáo của tổ chức The Brainy Inside và Linkedin, thị trường trà thế giới năm 2023 có giá trị khoảng 71,2 tỉ đô la, tăng khoảng 19,2 tỉ đô la so với năm 2022 với 52 tỉ đô la. Cả hai tổ chức đều nhận định thị trường trà thế giới sẽ tăng đều, với tốc độ khoảng 5,3-7,2% từ năm 2023-2033. Như vậy, thị trường trà thế giới dự kiến sẽ đạt khoảng 104,2 tỉ đô la vào năm 2032, và 117,8 tỉ đô la vào năm 2033.

Chế biến sâu - giá trị lớn

Dẫn câu chuyện “tứ đại danh trà” gồm: bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà sản xuất từ cây trà shan tuyết cổ thụ sinh trưởng ở Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Từ một búp trà shan tuyết cổ thụ có thể làm ra bốn loại trà quý khác nhau. Và chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán những búp trà khô mà bán cả một câu chuyện. Ngày nay, người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Thế nên, ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng. Đây cũng là cách để nâng cao giá trị cây trà Việt Nam”.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, ngành trà cần phải đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm trà sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị lớn và đa dạng hóa sản phẩm trà chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần 7P (thương hiệu Song Hỷ Trà), nói: “Thương hiệu riêng của các doanh nghiệp xuất khẩu trà đặc sản Việt Nam ra nước ngoài còn rất ít. Trong các chuyến đi quảng bá trà và văn hóa trà Việt Nam trong khuôn khổ Ngày Việt Nam ở nước ngoài cùng Vụ Ngoại giao văn hóa (Bộ Ngoại giao) và UNESCO, chúng tôi được tiếp cận với kiều bào và khách hàng ở các nước sở tại. Khách hàng đánh giá cao chất lượng sản phẩm và bao bì. Hiện tại chúng tôi đã cung cấp cho các nhà bán lẻ tại địa phương như ở Trung Quốc, Ý và Canada nhưng số lượng vẫn còn hạn chế”.

Qua nghiên cứu thị trường, ông Tuấn nhận thấy khách hàng rất quan tâm đến bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm. Chính vì vậy, Song Hỷ Trà đã đưa thêm thông tin hữu ích này vào thông tin về sản phẩm, bên cạnh vùng nguyên liệu, cách chế biến, đạt tiêu chuẩn hữu cơ…

Theo ông Tuấn, để có thương hiệu trà Việt Nam được bán tại thị trường nước ngoài, cần phải kiên trì và có chiến lược lâu dài để tiếp cận khách hàng mới với những thói quen tiêu dùng khác và tìm kiếm đối tác phân phối. Để phát huy hơn nữa những giá trị của trà Việt Nam, cần một giải pháp tổng thể từ việc duy trì, phát triển những vùng nguyên liệu quý giá. Tuyển chọn những vùng nguyên liệu để phân hạng bảo tồn, để làm vùng nguyên liệu cho ra những sản phẩm trà đặc sản.

Cần gìn giữ, hồi sinh và sáng tạo những danh trà gắn với thương hiệu quốc gia. Cần sớm hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho các vùng trà. Những việc làm đó sẽ khuyến khích người dân quan tâm chăm sóc cây trà, tạo thêm giá trị cho cây trà từ đó cải thiện đời sống của người làm trà.

Hiện nay, ở Việt Nam, ước tính có khoảng hơn 2 triệu người có sinh kế từ cây trà. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 120.000 héc ta diện tích trồng trà. Với 257 doanh nghiệp chế biến trà quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220.000 lao động, sản xuất ra gần 200.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Hiện số nhà máy chế biến trà được trang bị đồng bộ máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%; số nhà máy có công nghệ chế biến tạm đạt yêu cầu kỹ thuật là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến trà là 20%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu phát triển ngành trà bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng trà của Việt Nam đạt từ 135.000-140.000 héc ta; phấn đấu đến năm 2025 diện tích trà được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.

T.H

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới