Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Loại bỏ chi phí bất hợp lý cũng là chống lãng phí

Mục Đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Theo quy định mới trong Luật Đường bộ 2024, các chủ xe vận tải tư nhân sẽ được quyền tự đăng ký hành nghề thay vì bắt buộc phải tham gia các hợp tác xã vận tải. Chỉ một thay đổi nhỏ này đã giúp giới chủ xe trên toàn quốc tiết kiệm được khoản tiền lên đến trăm tỉ đồng mỗi năm.

Trước đây, theo Luật Đường bộ 2008, chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã mới được phép kinh doanh các loại xe chở khách và xe tải, cá nhân và hộ kinh doanh cá thể không được kinh doanh các loại hình này.

Năm 2016, người viết bài đã mua một ô tô con năm chỗ và tận dụng công suất rảnh rỗi khi xe không chạy bằng cách cho thuê xe chạy dịch vụ taxi công nghệ Uber, thời điểm đó đang thịnh hành ở Việt Nam. Để được đăng ký hoạt động dịch vụ, phía Uber kiểm soát rất chặt chẽ hồ sơ từ thông tin tài xế như bằng lái, lý lịch tư pháp đến xe, bao gồm giấy đăng ký xe, đăng kiểm cho xe kinh doanh và phải đầy đủ hai loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm thân vỏ xe.

Thế nhưng, chừng đó giấy tờ vẫn chưa đủ nếu xe không đăng ký vào một hợp tác xã vận tải và chủ xe phải đóng phí xã viên là khoảng 1 triệu đồng/năm tại thời điểm đó. Một người bà con của tác giả là chủ hộ kinh doanh cá thể vật tư nông nghiệp ở Tiền Giang có đội xe tải lớn nhỏ gần chục chiếc cũng phải “vào hợp tác xã” để xe được lưu hành. Mỗi năm, số tiền phải bỏ ra cũng hơn chục triệu cho đội xe này để được hoạt động đúng luật.

Trong giai đoạn đó, nguồn thu của các hợp tác xã vận tải ngoài lệ phí thu của xã viên còn có thêm khoản tiền hoa hồng làm đại lý cung cấp các dịch vụ liên quan như gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), bán các loại bảo hiểm cho ô tô. Một dịch vụ khác của hợp tác xã là tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ, tất nhiên là có thu phí. Tuy nhiên, tất cả những việc này các chủ xe đều có thể dễ dàng tự làm với chi phí được chiết khấu trực tiếp có khi còn thấp hơn mức thu của hợp tác xã.

Trên danh nghĩa, hợp tác xã vận tải ngoài giúp chủ xe cá nhân về thủ tục pháp lý để xe đủ điều kiện kinh doanh vận tải thì còn có vai trò phổ biến chính sách mới, báo cáo chi tiết cho sở giao thông vận tải địa phương. Trên thực tế, các chủ xe cá nhân và hộ kinh doanh cá thể vào hợp tác xã chỉ để có giấy tờ chứng nhận theo quy định để không bị phạt. Suốt mấy năm làm “xã viên”, người viết bài chỉ được hợp tác xã liên hệ đúng một lần mỗi năm nhắc đóng tiền gia hạn mà thôi. Ngoài quyền lợi “không bị phạt”, xã viên sẽ được nhận phù hiệu vận tải, giấy chứng nhận, bảng in chữ “tính mạng con người là trên hết”.

Luật Đường bộ 2024 đã có thay đổi quan trọng, không phân biệt giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hay hộ cá thể mà chỉ quy định chung, kinh doanh vận tải là phải đảm bảo có đủ trang bị an toàn theo quy định(1).

Quy định này đã cởi trói cho hàng triệu chủ xe khỏi ràng buộc bất hợp lý vào các hợp tác xã mang nặng tính hình thức. Trong bối cảnh cách quản lý xe của ngành công an đã thay đổi mạnh, xe kinh doanh chuyển sang sử dụng bảng số màu vàng, thiết nghĩ ngành giao thông vận tải cũng cần thay đổi tương tự.

Để đáp ứng xu thế chuyển đổi số, ngành giao thông vận tải cần tính đến việc quản lý xe kinh doanh vận tải hoàn toàn bằng công nghệ thay vì dựa trên phù hiệu, giấy in như hiện tại. Chẳng hạn, khi bỏ đi vài chục triệu tờ giấy in phù hiệu, khẩu hiệu không có tác dụng thực chất, mỗi năm toàn xã hội đã tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài “Chống lãng phí”(2) có viết: “Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước”.

Nói đúng ra, không chỉ riêng ngành giao thông vận tải mà các ngành khác cũng cần rà soát các quy định, thủ tục để thay đổi, như bỏ bớt các quy định bất hợp lý để giúp người dân tiết kiệm vì tạo ra chi phí không hợp lý cũng chính là lãng phí.

(1) https://vovgiaothong.vn/newsaudio/chay-taxi-xe-khach-khong-can-vao-hop-tac-xa-tai-xe-ung-ho-d41376.html

(2) https://tuoitre.vn/bai-viet-chong-lang-phi-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20241013162205227.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Rất khó để định nghĩa chi phí hợp lý/ bất hợp lý. Chi luôn đi kèm với phí. Có thể là học phí/ lãng phí. Đây là thông điệp đời sống thực tế, nếu không muốn nói là quy luật. Câu chuyện này rất thường tình, diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc. Vấn đề là thành quả cuối cùng như thế nào ? Tàu hỏa cao tốc Shinkansen Nhật Bản, Nhà hát con sò Sydney (Úc), lưới điện cao áp 500KV ở ta… là những ví dụ rất điển hình. Các công trình này hầu hết vượt dự toán, người điều hành buộc phải từ chức, thậm chí bị trừng phạt… Nhưng hiệu quả đến bây giờ, trải qua hàng chục năm, đã được chứng minh ngoài mong đợi. Vậy nên, để có được cái gọi là chi phí hợp lý, nhiều khi phải chấp nhận cái bất hợp lý ?

  2. Tránh nhìn nhận vấn đề phiến diện. Vì lý do loại trừ chi phí “bất hợp lý”, hàng loạt gói thầu xây dựng rơi vào tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bỏ thầu dưới giá thành, không phản ánh đúng chi phí thực tế khách quan. Do vậy càng làm thì càng lỗ, càng kém chất lượng. Có nguy cơ rất cao biến thành “làm càn” … Trả lại tên cho em, tôn trọng những gì là sự thực, bản chất vấn đề. Đó là việc cần kíp và nên làm ngay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới