Thứ bảy, 16/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giải Nobel Hòa bình năm 2024: sự chọn lựa nhân văn

TS. Lê Anh Tuấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mùa công bố giải Nobel năm 2024 gần khép lại với công bố ngày 11-10-2024 của Ủy ban Nobel ở Na Uy đã bình chọn chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm nay, vinh danh trao cho một tổ chức của những người Nhật Bản sống sót sau vụ thả bom nguyên tử năm 1945 ở Hiroshima và Nagasaki, có tên gọi bằng tiếng Nhật là hibakusha - Tổ chức Nihon Hidankyo. Tôn vinh này do Nihon Hidankyo đã có “những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua lời kể của các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa”.

Hình 2: Ông Toshiyuki Mimaki, Chủ tịch của Tổ chức Nihon Hidankyo hiện nay.

Tổ chức Nihon Hidankyo là tên gọi vắn tắt của Liên minh các Tổ chức Nạn nhân Bom A và Bom H của Nhật Bản (The Japan Confederation of A- and H-Bomb Sufferers Organizations). Biểu tượng của Tổ chức Nihon Hidankyo là hình con chim hạc được xếp theo nghệ thuật xếp giấy Origami Nhật Bản (hình 1). Chủ tịch hiện nay của Nihon Hidankyo là ông Toshiyuki Mimaki, đại diện chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024 (hình 2).

Hình 1: Tiêu đề hình ảnh của Tổ chức Nihon Hidankyo.

Tổ chức Nihon Hidankyo này tập hợp các nạn nhân còn sống sót sau thảm họa Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự kết thúc bằng phi vụ thả hai trái bom nguyên tử (Bom A) xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6-8-1945 và ba ngày sau, ngày 9-8-1945 xuống thành phố Nagasaki. Số nạn nhân thiệt mạng theo con số ước tính, ở Hiroshima là 140.000 người và ở Nagasaki là 74.000 người. Liên tiếp nhiều năm sau đó, số nạn nhân thương tật và di chứng do hậu quả nhiễm phóng xạ lên đến hàng chục ngàn người.

Ngày 10-8-1956, Tổ chức Nihon Hidankyo ra đời, tập hợp các nạn nhân của bom nguyên tử ở Nhật Bản, phần lớn họ đã lớn tuổi, thời gian còn lại của cuộc đời không còn bao nhiêu. Tuy vậy, họ vẫn cùng Nihon Hidankyo hoạt động với mục tiêu gây sức ép buộc Chính phủ Nhật Bản tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân và vận động các chính phủ xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Hơn 68 năm qua, Nihon Hidankyo bền bỉ thu thập hàng ngàn lời kể của nhân chứng, biên tập tài liệu và liên tục kiên trì đi khắp thế giới kêu gọi một cách ôn hòa với thông điệp cần cấp thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Các hoạt động cụ thể của Nihon Hidankyo trong nhiều năm qua, là:

- Vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân và yêu cầu bồi thường của nhà nước;

- Đơn kiến nghị hành động tới Chính phủ Nhật Bản, Liên hiệp quốc và các chính phủ khác;

- Loại bỏ và di dời vũ khí hạt nhân, thiết lập hiệp ước quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân, tổ chức các hội nghị quốc tế, ban hành luật phi hạt nhân và tăng cường các biện pháp hỗ trợ các nạn nhân của bom nguyên tử, hay các hibakusha;

- Nâng cao nhận thức về thực tế của các vụ đánh bom nguyên tử trong nước và quốc tế;

- Nghiên cứu, học tập, xuất bản, triển lãm và tập hợp về thiệt hại do bom nguyên tử;

- Các hoạt động tham vấn và hỗ trợ cho hibakusha.

Mặc dù từ năm 1945 đến nay đã gần 80 năm, không còn một trận ném bom nguyên tử nào xảy ra nhưng số lượng các quốc gia sở hữu bom nguyên tử (Bom A) và bom khinh khí (Bom H) tăng lên đáng ngại và số lượng bom vẫn là nỗi ám ảnh và e sợ kinh hoàng của nhân loại, mặc dù đã có những hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay có các quốc gia, khu vực tuyên bố là vùng phi hạt nhân.

Năm quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh Quốc. Ba quốc gia đã từng thử nghiệm cho nổ thành công bom nguyên tử tự chế tạo là Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên. Các quốc gia đang bị thế giới nghi ngờ có kế hoạch tìm cách chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân là Israel, Iran và Syria. Bốn quốc gia từng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng đã giao nộp lại cho Nga và ký vào cam kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Nam Phi đã hủy bỏ vũ khí hạt nhân và ký vào NPT. Năm quốc gia nằm trong khối NATO là Bỉ, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan không tự sở hữu và sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng đang được Mỹ chia sẻ và quản lý (hình 3).

Hình 3: Bản đồ các quốc gia sở hữu, lưu giữ, đang phát triển và được chia sẻ vũ khí hạt nhân.

Trước đó, năm 2017, một tổ chức mang tên Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân (International Campaign to Abolish Nuclear Weapons, viết tắt là ICAN) cũng đã được giải Nobel Hòa bình “vì công việc của mình để thu hút sự chú ý đến những hậu quả nhân đạo thảm khốc của bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào và những nỗ lực đột phá của họ để đạt được một lệnh cấm vũ khí” liên quan đến Hiệp ước cấm sử dụng vũ khí hạt nhân.

Năm 2024 này, việc Tổ chức Nihon Hidankyo được Ủy ban Hòa bình Na Uy bình chọn danh hiệu Nobel Hòa bình năm 2024 không chỉ vinh danh những người đã bất chấp nỗi đau do các vết bỏng da thịt và chứng ung thư nơi thể xác cùng những ký ức đau thương dai dẳng trong tâm khảm, đã kiên trì mang các nỗ lực kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân. Sự ghi nhận này còn có ý nghĩa nhân văn hơn như những sứ giả vận động chính sách gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới, giúp loài người tăng cường sự nhận thức qua những bằng chứng xác thực theo từng lời kể của các nhân chứng sống, kêu gọi sự tỉnh táo ở các chính phủ và tổ chức quốc tế, khích lệ các dân tộc đoàn kết hơn, để không còn những nạn nhân phải thiệt mạng hay mang thương tích đau đớn do những di chứng của phóng xạ một cách oan ức.

(*) Trường Đại học Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới