(KTSG Online) - Trong thời gian tới, cơ quan chức năng Việt Nam và Lào sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng hai nước; hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới.
- Tăng cường quản lý hoạt động thương mại qua biên giới
- Nếu hàng Việt muốn thắng trong thương mại điện tử xuyên biên giới…
TTXVN đưa tin, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký quyết định số 1247 ban hành kế hoạch thực hiện bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Mục đích của kế hoạch là tạo thuận lợi trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương biên giới Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền của Lào; góp phần thúc đẩy hạ tầng thương mại biên giới hai bên; tạo cơ sở cho các tỉnh biên giới Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh biên giới của Lào.
Theo đó, hai bên sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới phù hợp với tiềm năng của các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Bên cạnh đó là hỗ trợ thương nhân kinh doanh đưa hàng hóa vào chuỗi phân phối dưới hình thức thương mại biên giới. Việt Nam - Lào sẽ cùng thúc đẩy phát triển các loại hình hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn.
Kế hoạch cũng có nội dung là rà soát các loại hình hạ tầng thương mại biên giới cần nâng cấp, cải tạo và danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư xây dựng. Cơ quan đầu mối trao đổi thống nhất với phía Lào danh mục hạ tầng thương mại biên giới cần ưu tiên xây dựng phù hợp quy hoạch của mỗi địa phương biên giới theo từng giai đoạn.
Hai bên trao đổi, thống nhất các hoạt động tổ chức và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại biên giới ở khu vực biên giới hai bên, định kỳ ít nhất 1 lần 1 năm. Cùng với đó là khuyến khích các hoạt động thương nhân Việt Nam và Lào tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy định hiện hành.
Việt Nam - Lào cũng sẽ tăng trao đổi thông tin, đào tạo, phát triển nguồn lực cho các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển đội ngũ thương nhân đầu tư, kinh doanh tại khu vực biên giới. Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào là cơ quan đầu mối hai bên.