Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Temu, Shein và thách thức pháp lý đối với quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Lưu Minh Sang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trước Temu thì Shein - một nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới chuyên về sản phẩm thời trang, đã “làm mưa làm gió” tại nhiều quốc gia trong lĩnh vực thời trang nhanh. Temu được cho là đã tái hiện quy trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng tới người tiêu dùng giống với mô hình của Shein.

Ngoài ra, nhiều công ty TMĐT khác của Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường của các quốc gia bằng cách mô phỏng chiến lược kinh doanh của Shein và Temu...

Temu, Shein - hình thái mới của TMĐT xuyên biên giới

Theo dữ liệu của Statista, Temu là ứng dụng mua sắm được người dùng tải xuống nhiều nhất thế giới trong năm 2023 với gần 338 triệu lượt tải xuống trên các cửa hàng ứng dụng Apple và Google.

Với chiến lược định giá sản phẩm thấp và chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, Temu đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tại nhiều quốc gia mà nó hiện diện. Lý do khiến Temu có thể đặt giá sản phẩm thấp là vì tính đặc thù của mô hình kinh doanh. Theo đó, Temu kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà cung cấp hàng hóa và xử lý việc giao hàng. Đồng thời, Temu nắm toàn quyền trong việc quyết định giá hàng hóa. Các nhà cung cấp chỉ cung cấp sản phẩm dựa trên mức giá mà họ đã thỏa thuận với Temu.

Do đó, để một nhà sản xuất có thể cung cấp hàng cho Temu, họ phải đáp ứng được các điều kiện về sản phẩm và giá cả mà Temu đưa ra. Để duy trì khả năng cạnh tranh về giá siêu thấp của Temu, các nhà cung cấp phải luôn giữ chất lượng sản phẩm ở mức chấp nhận được và có chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, Temu có mức chi phí vận hành thấp. Điều này kết hợp với lợi thế từ chi phí sản xuất và lao động giá thấp ở Trung Quốc đã giúp Temu giữ giá sản phẩm ở mức thấp.

Thực ra, Temu không phải là đại diện tiên phong và duy nhất cho mô hình loại này. Trước Temu thì Shein - một nền tảng TMĐT xuyên biên giới chuyên về sản phẩm thời trang, đã “làm mưa làm gió” tại nhiều quốc gia trong lĩnh vực thời trang nhanh. Temu được cho là đã tái hiện quy trình sản xuất và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng tới người tiêu dùng giống với mô hình của Shein. Ngoài ra, nhiều công ty TMĐT khác của Trung Quốc, cả lâu đời lẫn mới nổi, đều đang tìm cách thâm nhập thị trường của các quốc gia bằng cách mô phỏng chiến lược kinh doanh của Shein và Temu.

Việc thu thuế đối với hàng TMĐT nhập khẩu là một thách thức về lập pháp lẫn hành chính. Chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa TMĐT xuyên biên giới có thể trở thành một lỗ hổng để các công ty TMĐT xuyên biên giới tận dụng nhằm có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng hóa nội địa hay hàng hóa nhập khẩu khác.

Ở góc độ tích cực, sự xuất hiện của những công ty TMĐT xuyên biên giới với mô hình kinh doanh mới giúp gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá thành của hàng hóa. Người tiêu dùng được cung cấp thêm sự lựa chọn mua sắm hàng hóa từ nhiều nơi trên thế giới và hưởng lợi từ cuộc đua giảm giá với giả định rằng chất lượng hàng hóa là tương đương.

Bên cạnh đó, các công ty mới gia nhập thị trường thường phải thực hiện các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ để tạo dựng thị phần. Điều này, vô hình trung, thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo và cũng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp ngành hậu cần, vận chuyển.

Tuy nhiên, sự bành trướng quá nhanh theo cách của Shein, Temu hay những nền tảng tương tự đang tạo nên nhiều lo ngại đối với nhà chức trách cũng như các doanh nghiệp nội địa trước hình thái mới của TMĐT xuyên biên giới. Cấu trúc thị trường TMĐT nói riêng và thị trường hàng hóa nội địa nói chung có thể bị phá vỡ bởi chiến lược cạnh tranh về giá siêu thấp đến từ những sàn TMĐT dạng này. Do đó, cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia đang đứng trước một loạt thách thức pháp lý cần được giải quyết để đảm bảo rằng các công ty loại này hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và bảo vệ được doanh nghiệp trong nước và người tiêu dùng.

Thách thức pháp lý

Thực tiễn kinh doanh của Shein, Temu hay các nền tảng TMĐT xuyên biên giới theo mô hình tương tự vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia. Thời gian qua, cáo buộc từ phía nhà chức trách tại nhiều quốc gia lẫn khiếu nại, khiếu kiện từ người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến hàng hóa lẫn mô hình kinh doanh đã xuất hiện. Qua đó, một số vấn đề pháp lý đã được nêu bật lên, bao gồm: (i) tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; (ii) quyền sở hữu trí tuệ; (iii) quyền riêng tư và dữ liệu người dùng; (iv) thuế; (v) cạnh tranh công bằng.

Phần lớn các sản phẩm được bán trên các sàn TMĐT loại này đều không có thương hiệu và giá thành thấp. Các nhà cung cấp của Temu chủ yếu là các nhà sản xuất sản phẩm, có khả năng duy trì chất lượng và giá thành thấp mà không cần đến thương hiệu hoặc tiếp thị. Sự thiếu liên kết với các thương hiệu lớn đã làm dấy lên lo ngại về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm, cùng với các cáo buộc vi phạm bản quyền.

Qua các cuộc điều tra, CBC Marketplace và Health Canada đều có kết luận nghi ngờ một số loại quần áo mua từ sàn TMĐT Shein chứa hàm lượng cao các hóa chất tiềm ẩn nguy hiểm. Nhóm Greenpeace cũng công bố một nghiên cứu cáo buộc rằng nhiều hóa chất sử dụng trong sản phẩm của Shein vượt quá mức cho phép của các quy định EU.

Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, đã bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động của Temu có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng khi không cung cấp đủ thông tin về người bán và sử dụng các chiến thuật có khả năng thao túng quyết định mua sắm của khách hàng.

Ngoài ra, các nền tảng TMĐT này cũng đang phải đối diện với các cáo buộc về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo Wall Street Journal, vào năm 2022, Shein đã phải đối mặt với hơn 50 vụ kiện liên bang trong ba năm qua với các cáo buộc vi phạm nhãn hiệu hoặc bản quyền. Điều đáng nói, chính Shein lại đệ đơn kiện Temu về vấn đề vi phạm bản quyền, sao chép thiết kế của các sản phẩm và bán hàng giả.

Do đó, các cơ quan quản lý phải theo dõi chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm bán trên các sàn TMĐT này, chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn bắt buộc. Theo đó, tất cả chuỗi cung ứng từ quy trình sản xuất đến khâu giao hàng cuối cùng cho người tiêu dùng cần được cung cấp thông tin và kiểm soát để chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng.

Một trong những vấn đề đáng lưu tâm khác là quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Các vụ kiện tập thể của người tiêu dùng với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của sàn TMĐT loại này đã được khởi xướng tại Mỹ và châu Âu. Tại hai vụ kiện tập thể tại ở New York và Illinois (Mỹ), nguyên đơn cáo buộc rằng ứng dụng TMĐT được thiết kế để cài đặt phần mềm gián điệp và mã độc trên điện thoại của người dùng nhằm thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm bằng cách theo dõi hoạt động của họ trên các trang web bên thứ ba. Phần mềm độc hại này cho phép ứng dụng vượt qua các quyền bảo mật của người dùng, truy cập vào tin nhắn cá nhân, thay đổi cài đặt, xem dữ liệu từ các ứng dụng khác và ngăn chặn việc gỡ cài đặt.

Vào năm 2022, chính quyền bang New York đã phạt chủ sở hữu của Shein 1,9 triệu đô la Mỹ do xử lý không đúng thông tin thẻ tín dụng và các thông tin cá nhân khác của người dùng sau một cuộc điều tra liên quan đến việc làm lộ, lọt dữ liệu của 39 triệu tài khoản, bao gồm 800.000 người dùng tại New York, do tấn công mạng. EU cũng đã yêu cầu Temu cung cấp thông tin để thẩm định tính tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng.

Thêm vào đó, việc thu thuế đối với hàng TMĐT nhập khẩu là một thách thức về lập pháp lẫn hành chính. Chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa TMĐT xuyên biên giới có thể trở thành một lỗ hổng để các công ty này tận dụng nhằm có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng hóa nội địa hay hàng hóa nhập khẩu khác. Đồng thời, các quy tắc cạnh tranh công bằng theo pháp luật cạnh tranh cũng cần được rà soát và cập nhật để phù hợp với bối cảnh TMĐT xuyên biên giới có nhiều sự thay đổi như hiện nay.

Suy cho cùng, sự xuất hiện của Temu, Shein hay những nền tảng tương tự chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến hệ sinh thái TMĐT quốc gia cũng như toàn cầu. Điều này không hoàn toàn là xấu và không cần phải cấm đoán cực đoan. Ngược lại, sự hiện diện của các công ty này trên thị trường như một lời cảnh báo cho nhà chức trách lẫn doanh nghiệp về việc không ngừng đổi mới và yêu cầu phải ứng phó trước các thách thức từ sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Sự cân bằng giữa đổi mới và quản lý là rất mong manh, nhưng điều này rất cần thiết để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp, tính toàn vẹn thị trường nói chung và lợi ích đặc thù của TMĐT nói riêng.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới