(KTSG) - Một trong những vấn đề vẫn còn gây tranh cãi trong Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh nhằm thay thế Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp và đình chỉ học tập có thời hạn. Liệu việc tách trẻ em ra khỏi trường học này có đạt được hiệu quả như ý muốn hay không?
- Công an TPHCM sẽ làm thẻ căn cước cho học sinh tại trường học
- TPHCM lập 12 tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch sởi tại trường học
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (Dự thảo) nhằm thay thế Thông tư 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông đang có hiệu lực hiện nay. Dự thảo có một số điểm mới tích cực, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với tư duy giáo dục hiện đại so với Thông tư 08/TT. Tuy vậy, một trong những vấn đề vẫn còn gây tranh cãi trong Dự thảo chính là hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp và đình chỉ học tập có thời hạn. Nghĩa là, sẽ tồn tại hình thức phạt theo đó trẻ em sẽ bị tách ra khỏi môi trường học tập tập thể thông thường trong thời gian tối đa một năm.
Liệu việc tách con trẻ ra khỏi trường học có đạt được hiệu quả như mong muốn?
Trước khi đánh giá tính hiệu quả của hình thức kỷ luật, chúng ta cần xác định được mục tiêu của việc kỷ luật là gì. Khoản 1 điều 9 của Dự thảo ghi nhận việc xử lý kỷ luật học sinh nhằm:
“Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nội quy, quy định, quy chế của nhà trường, quy định của pháp luật; giáo dục, giúp đỡ để học sinh tự giác điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ”.
Như vậy, bên cạnh mục đích “phạt” để răn đe, kỷ luật còn nhằm giáo dục, rèn luyện cho học sinh. Tuy nhiên, liệu áp dụng hình thức kỷ luật mang tính cách ly học sinh ra khỏi lớp học có đạt được hiệu quả đó? Theo tác giả, có vẻ biện pháp kỷ luật đình chỉ hay tạm dừng học tập không đạt được cả hai mục tiêu trên.
Thứ nhất, công bằng mà nói mục tiêu răn đe có thể đạt được một kết quả nhất định nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Bởi lẽ, theo quy định của Dự thảo, chỉ những học sinh phạm những lỗi lầm nghiêm trọng hoặc tái phạm mới phải chịu hình thức xử lý này. Nghĩa là, hình thức xử phạt trên gần như chỉ rơi vào những học sinh cá biệt. Vì thế, việc phạt để răn đe đại đa số các em học sinh bình thường khác có vẻ không cần thiết lắm.
Tất nhiên, người ta cũng có thể coi “đuổi học” như là một hình thức trừng phạt học sinh, để người vi phạm biết sợ mà không dám tái phạm nữa. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều em bị kỷ luật với hình thức này lại thường là những em không thích đi học. Vì vậy, bị cấm đi học hóa ra không phải là hình thức kỷ luật mà lại là một “phần thưởng” cho chính các em.
Thứ hai, tạm dừng hay đình chỉ học tập gần như không thể đạt được mục tiêu giáo dục, giúp đỡ các em tự tu dưỡng nhân cách, nếu không muốn nói là ngược lại. Trên thực tế, những học sinh cá biệt bị kỷ luật bằng hình thức này thường là những em hoặc là không thích đi học hoặc là gặp vấn đề về tâm lý. Đối với cả hai trường hợp trên, cấm các em không tham gia vào hoạt động học tập bình thường trên lớp lại là lợi bất cập hại. Bởi lẽ, gần như các nhà tâm lý học đều thống nhất rằng, trong số các yếu tố tác động đến sự hình thành nhân cách của con người, yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng.
Chúng ta có lẽ đã quá quen với điển tích “Mạnh Mẫu dạy con” kể về câu chuyện mẹ của đức Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để tìm môi trường tốt cho con. Trong câu chuyện trên, Mạnh Mẫu cuối cùng chọn nơi định cư chính là gần trường học, bởi lẽ bà cho rằng trường học mới là nơi phù hợp giúp con mình phát triển một nhân cách tốt. Chắc không có nhiều người phản đối rằng, đối với trẻ em, một trong những môi trường lý tưởng nhất, thích hợp nhất để rèn luyện chính là trường học. Khi chúng ta tách một đứa trẻ ra khỏi môi trường này thì liệu có một môi trường nào tốt hơn cho chúng?
Nếu trường lớp, thầy cô thất bại trong việc giáo dục một đứa trẻ thì liệu có nơi nào, có ai phù hợp hơn để dạy đứa trẻ ấy? Sẽ có lập luận rằng gia đình sẽ đảm đương công việc này. Tuy nhiên, vai trò của gia đình dù là rất quan trọng cũng không thể thay thế cho vai trò của nhà trường. Nếu gia đình có khả năng cáng đáng được mọi công việc liên quan đến giáo dục trẻ, thì hiển nhiên thế giới này chẳng cần có trường lớp để làm gì.
Xét về trách nhiệm, nếu trẻ sai, ngoài gia đình thì thầy cô phải là những người có trách nhiệm dạy dỗ, uốn nắn chứ không thể là ai khác. Chúng càng sai trái, càng khó dạy thì càng cần phải được sống trong môi trường giáo dục, được dạy bởi thầy cô chứ không phải ngược lại.
Những nghiên cứu ở Mỹ gần đây cho thấy, hình thức đình chỉ học không đạt được hiệu quả như mong đợi mà trái lại, có thể dẫn đến những hệ lụy lớn hơn cho xã hội như tỷ lệ học sinh bỏ học tăng, các em có cảm giác bị kỳ thị, kiến thức bị tụt lại so với các bạn nên gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập môi trường học đường. Ngoài ra, các em dễ vướng vào các tệ nạn xã hội như ma túy, bạo lực(1). Ở Việt Nam, một số giáo viên cũng bày tỏ quan ngại về sự kém hiệu quả và những hậu quả tiêu cực mà hình thức kỷ luật này mang lại(2).
Tác giả từng có một kỷ niệm khó quên về một bạn học cùng lớp phổ thông bị đình chỉ học một năm vì tham gia đánh nhau. Hậu quả là bạn đã bỏ học hẳn và chính thức trở thành một “đứa trẻ của đường phố”. Đây hẳn là một sự thất bại cay đắng của bất kỳ nền giáo dục nào, cũng là thất bại của chính người lớn chúng ta.
Tách trẻ em ra khỏi trường học: biện pháp thiếu tính nhân văn
Trong các xã hội ở giai đoạn lịch sử trước đây, các hình thức xử phạt chỉ nhằm mục tiêu trừng phạt và thông qua đó răn đe những thành viên còn lại trong xã hội để người ta sợ mà không thực hiện hành vi sai trái đó nữa.
Trong xã hội văn minh ngày nay, mục đích trừng phạt hành vi vi phạm không còn là mục tiêu duy nhất hay chủ yếu. Các hình thức xử phạt (kể cả hình phạt) ở Việt Nam ngày nay không dừng lại ở mục tiêu trừng phạt mà chủ yếu hướng đến một mục đích khác, văn minh hơn, là giáo dục tư tưởng, rèn giũa nhân cách, giúp những chú “cừu đen” có nhận thức đúng đắn hơn và tự tu sửa bản thân mình để có hành vi phù hợp với chuẩn mực của xã hội.
Đặc biệt trong môi trường giáo dục, nhất là giáo dục trẻ em, các hình thức xử phạt trong học đường nên đảm bảo tính nhân văn, nghĩa là ưu tiên mục tiêu giáo dục hơn là trừng phạt. Chẳng phải mục tiêu giáo dục trước tiên là giáo dục sao? Chúng ta mong trẻ con được đến trường, không phải là tách chúng ra khỏi môi trường học đường. Trẻ em được hiểu là những cá thể chưa trưởng thành về cả thể chất lẫn tinh thần, chưa có khả năng nhận thức hoàn thiện để tự điều chỉnh hành vi của mình, do đó chúng chưa có khả năng chịu trách nhiệm đầy đủ cho những lỗi lầm của bản thân. Việc phạt nên hiểu rằng là để giáo dục, không phải đơn thuần là trừng trị.
Hơn nữa, việc “trừng trị” một đứa trẻ bằng cách không cho chúng đến lớp, dù là tạm thời, thật sự vừa thiếu hiệu quả lại thiếu tính nhân văn. Có hai tình huống xảy ra. Như đã đề cập, nếu học sinh bị kỷ luật không thích đi học, hình thức xử phạt này sẽ vô hình trung trở thành “phần thưởng”, hiệu quả răn đe không đạt được. Ngược lại, nếu học sinh đó lại ham học thì rõ ràng việc bị cấm đến trường như là một sự trừng phạt thực sự rất thiếu nhân văn. Nếu trẻ lầm lỗi, chúng ta có thể phạt trẻ lao động, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, thậm chí đọc và học nhiều hơn, chứ không phải cấm trẻ đến trường, dù chỉ là vài ngày hay vài buổi. Quyền đến trường là quyền chính đáng của trẻ, cần được tôn trọng.
Các biện pháp giáo dục tích cực: cần ưu tiên áp dụng
Một ưu điểm trong Dự thảo là quy định biện pháp giáo dục tích cực như một biện pháp độc lập hoặc bổ trợ cho các hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, tác giả cho rằng chúng ta cần mạnh dạn tiến xa hơn nữa.
Hệ thống giáo dục hiện đại ngày nay nên nghiên cứu và ưu tiên áp dụng các mô hình giáo dục tích cực thay thế cho hình thức đình chỉ học tập. Một học sinh lầm lỗi cần có được sự tư vấn, giáo dục khuyên bảo, buộc tham gia lao động công ích trong khuôn viên trường lớp, tham gia các hoạt động xã hội và học tập ngoài giờ có sự giám sát của gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương. Có thể cảnh cáo hay khiển trách nhưng không nên tách các em ra khỏi học đường.
Hiện tại một số mô hình như Positive Behavioral Interventions and Supports (PBIS), Restorative Justice in Schools hay can thiệp hành vi dựa trên tư vấn đang được áp dụng ở một số nền giáo dục với nhiều cấp độ khác nhau và đạt được những kết quả tích cực. Chúng ta nên nghiên cứu và học hỏi từ các mô hình đã có này. Tất nhiên, các nghiên cứu cần được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc và thấu đáo, tạo ra những mô hình phù hợp với điều kiện giáo dục Việt Nam, để chúng có thể hoạt động một cách hiệu quả, tránh hình thức, nửa vời.
(*) Giảng dạy môn Luật Sở hữu trí tuệ, khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.
(1) Có thể xem thêm thông tin ở một số nguồn được liệt kê tại https://ies.ed.gov/ncee/rel/Products/Region/central/Ask-AxemREL/20004#:~:text=Researchers%20have%20documented%20that%20suspensions,involved%20in%20the%20legal%20system.
(2) Phan Tuyết, Băn khoăn về hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp với học sinh, Báo Giáo dục Việt Nam,
https://giaoduc.net.vn/ban-khoan-ve-hinh-thuc-ky-luat-tam-dung-hoc-tap-tren-lop-voi-hoc-sinh-post244361.gd