Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một thí nghiệm miễn học phí trường y

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Giả sử một trường đại học y nổi tiếng bỗng quyết định miễn học phí cho tất cả sinh viên, ắt hẳn mọi người sẽ nghĩ đây là cơ hội theo học ngành y tốn kém cho sinh viên con nhà nghèo, đồng thời miễn học phí cũng tạo điều kiện để sinh viên theo đuổi các chuyên ngành y ít được ưa chuộng do sau này kiếm ít tiền hơn như bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thực tế trái ngược hẳn với suy đoán này.

Ảnh: AGF

Cách đây sáu năm, trường Y Grossman thuộc Đại học New York ở Manhattan tuyên bố sẽ miễn học phí cho tất cả sinh viên, một phần là nhờ khoản hiến tặng 100 triệu đô la của vợ chồng Kenneth Langone, tỉ phú đồng sáng lập Home Depot. Lúc đó ông này phát biểu rằng nhờ không mắc nợ tiền học, sẽ có nhiều bác sĩ chọn các khoa thu nhập thấp như khoa nhi. Trường Grossman cũng kỳ vọng việc miễn học phí sẽ tạo ra sự đa dạng của các thế hệ sinh viên tương lai.

Sáu năm sau, nhiều sinh viên hưởng lợi nhờ không còn gánh nặng học phí, nhưng so với kỳ vọng của Langone và nhà trường, các mục đích khi miễn học phí đã không đạt được. Tỷ lệ sinh viên chọn ngành chăm sóc ban đầu năm 2024 giống năm 2017; vị trí các bệnh viện sinh viên chọn để làm nội trú, yếu tố quyết định các ngành họ sẽ theo đuổi sau này, cũng không thay đổi. Và mặc dù đơn xin tuyển sinh từ các sinh viên thiểu số tăng 102% sau khi nhà trường không còn thu học phí, số lượng sinh viên da đen lại giảm nhẹ vào những năm sau đó. Điều đáng ngạc nhiên nhất là sau khi miễn học phí, sinh viên vào học lại thuộc diện giàu có hơn trước. Tỷ lệ sinh viên nhập học thuộc diện gia đình khó khăn giảm từ 12% năm 2017 xuống còn 3% vào năm 2019.

Hiện nay, ngày càng có nhiều trường y không còn thu học phí nhờ các khoản hiến tặng. Đầu năm nay, vợ của tỉ phú David Gottesman tặng trường Y Albert Einstein 1 tỉ đô la, nhờ vậy trường sẽ không còn thu học phí nữa. Đến tháng 7, tỉ phú Michael Bloomberg tặng 1 tỉ đô la cho Đại học Johns Hopkins, nhờ vậy sinh viên từ các gia đình có thu nhập dưới 300.000 đô la/năm sẽ được miễn tiền học. Gia đình Langone năm ngoái tặng thêm 200 triệu đô la cho trường Y Long Island cũng thuộc Đại học New York để trường này thí điểm miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên. Các khoản hiến tặng này đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên theo ngành y, nhưng các nhà kinh tế cho rằng chúng không giúp tạo ra sự bình đẳng giữa các sinh viên trong lĩnh vực chăm sóc y tế.

Hiện nay ngành y ở Mỹ gặp vấn đề về tính đa dạng; tính đến năm 2022 chỉ có 6% bác sĩ là người da đen và 7% là người gốc Mỹ La tinh. Sinh viên ít chọn ngành chăm sóc sức khỏe ban đầu, kể cả làm bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình, bác sĩ sản phụ khoa vì thích các ngành sau này dễ kiếm tiền hơn. Theo ước tính nước Mỹ sẽ thiếu chừng 86.000 bác sĩ chăm sóc ban đầu vào năm 2036; vấn đề càng đặc biệt gay gắt ở vùng nghèo như nông thôn. Trong khi đó nợ của sinh viên y khoa tăng mạnh từ mức bình quân 147.000 đô la/người vào năm 2000 lên 235.000 đô la vào năm 2024.

Miễn học phí lại không giải quyết mâu thuẫn này vì nhiều lý do. Đầu tiên dù nợ tiền học là lớn nhưng khả năng có thu nhập tốt cũng rất cao; ngay cả bác sĩ có mức thu nhập vào loại thấp cũng sẽ tạo ra chừng 6 triệu đô la thu nhập suốt đời. Cho nên gánh nặng học phí không phải là yếu tố quyết định trong việc chọn chuyên ngành. Một bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu có thu nhập chừng 200.000 đô la/năm so với mức 500.000 đô la/năm của các bác sĩ chuyên ngành.

Thứ hai, các trường miễn học phí thường nằm ở các thành phố lớn; sinh viên tốt nghiệp các trường này không có lý do gì chọn đi hành nghề ở các vùng nghèo hay nông thôn. Quan trọng hơn cả, việc nhà trường không thu học phí xem ra làm cho các sinh viên nhà nghèo, sinh viên thiểu số càng khó lọt chân vào trường hơn trước. Chẳng hạn vào năm học ngay sau việc miễn học phí được công bố ở Đại học New York, số lượng sinh viên đăng ký tuyển sinh tăng thêm 47%. Do chỉ tiêu tuyển sinh không tăng tương ứng, các sinh viên cạnh tranh nhiều hơn để được nhận vào học. Từ đó sinh viên con nhà có thu nhập cao có lợi thế hơn sinh viên nhà nghèo do họ có điều kiện để luyện thi, thuê gia sư hay có trải nghiệm phong phú hơn. Đó là lý do vì sao sau một số năm miễn học phí, sinh viên dường như giàu hơn trước.

Có lẽ dựa vào kinh nghiệm của các trường đi trước, các khoản hiến tặng trong tương lai sẽ nhắm tới việc tạo ra các học bổng đặc biệt để hỗ trợ các đối tượng sinh viên cụ thể thay vì miễn học phí chung cho mọi người. Thậm chí dùng tiền hiến tặng để mở thêm trường y mới, tăng cường số lớp hay các khóa đào tạo bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ có hiệu ứng tốt hơn một tuyên bố chung không thu học phí nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới