Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

ACB: Đừng quá lo ngại vì bị hạ bậc tín nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

ACB: Đừng quá lo ngại vì bị hạ bậc tín nhiệm

Thủy Triều ghi

Ông L‎ý Xuân Hải. Ảnh: T.Triều

(TBKTSG Online) – Ngày 31-8, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch đã đánh tụt hạng tín nhiệm của Vietcombank và ACB, hai ngân hàng cổ phần hàng đầu của Việt Nam, do tăng trưởng tín dụng quá nóng. Ông L‎ý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, đã có buổi gặp mặt báo chí hôm 3-9 bày tỏ những quan điểm của ngân hàng này về báo cáo trên.

Ông nhận định gì sau khi có thông tin Fitch hạ bậc tín nhiệm của ACB?

– Ông Lý Xuân Hải: Cách đây khoảng 1 tháng, Fitch đã hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ bởi 3 l‎ý do cơ bản: thâm hụt ngân sách cao, sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài tăng lên trong khi nguồn cung vốn yếu đi, và dự trữ ngoại hối giảm.

“Tính đến 31-8, lợi nhuận của ACB là 1.814 tỉ đồng sau khi đã trích toàn bộ dự phòng theo quy định. Dư nợ cho vay là 79.500 tỉ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2009, và nợ xấu thấp hơn 0,4% tổng dư nợ”, ông Lý Xuân Hải nói.

Cần nhận thức một quy luật rằng định mức tín nhiệm của một doanh nghiệp không thể nào cao hơn định mức tín nhiệm của một quốc gia, nơi doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, Vietcombank và ACB – hai doanh nghiệp có định mức tín nhiệm tương đương với quốc gia, không phải là ngoại lệ.

Vì vậy, sau khi nhận được thông tin Fitch hạ bậc tín nhiệm tín dụng dài hạn của Việt Nam, chúng tôi đã dự báo trước các ngân hàng Việt Nam sẽ bị đánh tụt hạng và không bất ngờ với thông tin Fitch hạ định mức tín nhiệm của ACB và Vietcombank. Tuy nhiên, l‎ý do để họ hạ bậc tín nhiệm của ACB thì có rất nhiều vấn đề cần bàn thêm.

Fitch cho rằng ACB đã tăng trưởng tín dụng quá cao trong thời gian qua và có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

– Fitch đánh giá mức tín nhiệm của ACB dựa vào những thông tin công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà thiếu các thông tin chi tiết, do họ không đề nghị ACB cung cấp thông tin phục vụ thẩm định chi tiết. Vì vậy, họ không thấy hết được chất lượng hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và của ACB nói riêng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Việt Nam nói chung trong 5 năm qua là cao (34%/năm), ACB tăng bình quân 55% trong thời gian đó. Đối với một nền kinh tế tăng trưởng nhanh (7,5-8%/năm) và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại hơn là thị trường chứng khoán thì điều này là bình thường nếu so sánh với các nước khác dựa trên tổng tài sản tài chính của quốc gia/GDP.

Tỷ lệ tăng trưởng phần trăm của ACB cao nhưng số tuyệt đối lại không cao. Năm 2010, sau 8 tháng, tăng trưởng tín dụng tuyệt đối của ACB với trên 280 chi nhánh và phòng giao dịch là 17.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 60 tỉ đồng/chi nhánh-phòng giao dịch, là con số nhỏ. Chưa kế thị phần tín dụng của ACB còn rất nhỏ (khoảng 4%) nên việc tăng trưởng cho vay nhanh không phải là quá bất thường.

Fitch e ngại tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến thanh khoản của ACB. Đây có lẽ là sự lo xa hơi quá. ACB luôn là ngân hàng có thanh khoản cao, hiện tỷ lệ cho vay/huy động của ACB là 56%. Tôi không biết Fitch lấy con số 74% trong báo cáo của họ ở đâu. Họ cũng e ngại tín dụng bằng ngoại tệ của ACB cao sẽ dẫn đến rủi ro nếu lạm phát tăng cao và tỷ giá bất ổn, nhưng họ không biết rằng ACB cho vay ngoại tệ chủ yếu đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ hoặc khách hàng đã có các biện pháp bảo hiểm, nên rủi ro này hầu như là không có.

Còn về chất lượng tín dụng của ACB, năm 2009-2010 tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB không phải là cao nhất. Các năm 2006-2008, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB còn cao hơn nhiều, có năm đến 100%, nhưng trải qua biến động khủng hoảng tài chính, tỷ lệ mất (trích dự phòng và không thu lại được) tương đương 0%, nợ quá hạn không tăng sau đó. Đây là minh chứng cho chất lượng tín dụng của ACB trong thời gian qua.

Như vậy, theo ông, những đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế là không cần quan tâm?

– Việc các tổ chức định mức tín nhiệm như Fitch, Moody’s, S&P nâng hay hạ mức tín nhiệm là chuyện bình thường. Không nên vì được nâng hạng mà chủ quan hoặc bị hạ bậc thì quá lo ngại. Đó là các tổ chức lớn và có ảnh hưởng nhiều đến giới đầu tư nhưng họ chỉ là những tổ chức tư vấn và chịu trách nhiệm rất hữu hạn với các báo cáo của mình.

Đặc biệt, mỗi báo cáo là quan niệm riêng của một cá nhân phân tích, nên yếu tố chủ quan rất cao, nhất là trong điều kiện họ thiếu thông tin và phải phân tích từ xa. Trong quá khứ, nhiều ngân hàng sắp bị phá sản vẫn được các tổ chức này đánh giá tín nhiệm AA, AA-. Do đó, rất cần thận trọng khi đọc và hiểu các báo cáo của họ.

Tất nhiên, chúng ta phải lắng nghe, nhất là các tổ chức lớn như Fitch vì ảnh hưởng của họ rất lớn, để điều chỉnh cách công bố thông tin và tiếp xúc với họ thường xuyên hơn. Nhưng rõ ràng các ngân hàng Việt Nam và hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày nay vững và mạnh hơn nhiều so với cách đây 5 năm. Việc hạ định mức tín nhiệm, vì vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người gửi tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới