Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ai bán ‘điện’ hôn?

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong danh mục buộc phải kiểm kê phát thải khí nhà kính hai năm một lần cho giai đoạn 2025-2026, được Thủ tướng ban hành hồi tháng 8 năm nay có 2.166 cơ sở sản xuất phải kiểm kê. Trong đó, đa phần là những doanh nghiệp sử dụng năng lượng hàng năm trên 1.000 tấn TOE (tấn dầu DO quy đổi).

Nếu các nhà máy có phát thải lớn như sắt thép, xi măng, hóa chất... muốn giảm phát thải, giảm tiêu thụ năng lượng để không còn nằm trong danh mục kiểm kê thì buộc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh như thay đổi công nghệ, trồng cây xanh, trồng rừng… và đặc biệt là sử dụng năng lượng tái tạo. Có điều, nếu lắp đặt pin điện mặt trời cho toàn bộ nhà xưởng thì cũng chỉ giúp những nhà máy này giảm một lượng nhỏ TOE tiêu thụ! Phương án khả thi của nhiều nhà máy tại Việt Nam cũng như trên thế giới là ký hợp đồng mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Phương án này cũng được những nơi dùng nhiều năng lượng nhưng không mua năng lượng tái tạo trực tiếp vì giá cả không hợp lý hoặc doanh nghiệp không có nhà máy Việt Nam nhưng lại có nhu cầu trung hòa carbon, để chứng minh là có giảm phát thải. Những công ty này sẽ tìm giải pháp là mua Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC - Renewable Energy Certificate), mỗi chứng chỉ đại diện cho 1 megawatt giờ (MWh) năng lượng.

Với các nhà máy điện gió, điện mặt trời, nếu đủ tiêu chuẩn phát hành REC thì cứ sản xuất 1.000 MWh mỗi năm, nơi đó sẽ có 1.000 REC. Chứng chỉ này có thể bán lại cho những công ty cần mua để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính.

Giả sử, một nhà máy đang dùng 1.000 MWh điện mỗi năm thì sẽ cần mua 1.000 REC để trong bảng kiểm kê phát thải khí nhà kính, phần dùng điện được ghi nhận là sử dụng năng lượng tái tạo, không phát thải carbon. Trong nhà máy sản xuất có nhiều hạng mục gây phát thải, khoản bù đắp vừa nêu không được tính vào những hạng mục này.

Cũng như tín chỉ carbon, REC được mua bán xuyên biên giới. REC sẽ khuyến khích các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch tham gia mua để phục vụ giảm phát thải, trung hòa carbon. REC cũng góp phần kích thích đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải chung cho quốc gia.

Theo một tài liệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), được công bố vào năm ngoái, đến năm 2022, Việt Nam đã có 166 dự án năng lượng tái tạo đăng ký chứng chỉ REC. Trong đó, có 80 nhà máy thủy điện, 81 dự án điện mặt trời, 5 dự án điện gió. Tổng công suất lắp đặt của các dự án này lên tới 3.400 MW, tức lớn gấp 8,5 lần so với Nhà máy thủy điện Trị An.

Tính từ năm 2014, kể từ khi chứng chỉ REC có đăng ký, xác nhận và phát hành tại Việt Nam, USAID nhận định, ở Việt Nam, thị trường REC đang sôi động và phát triển. Theo đó, từ vài trăm ngàn REC trước năm 2018; đến năm 2019 và 2020 mỗi năm, thị trường có trên 1 triệu REC; năm 2021 tăng vọt lên đến 3 triệu REC và 2022 là 1,7 triệu REC.

Việc đăng ký và phát hành REC cũng dễ dàng hơn so với tín chỉ carbon, bởi chỉ cần có hợp đồng bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và có hóa đơn thanh toán hàng năm của tập đoàn này.

Một doanh nghiệp tư vấn kiêm mua bán REC ở Hà Nội cho biết, REC tại Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức 0,4 đến 1 đô la Mỹ/REC, thấp hơn nhiều so với bán tín chỉ carbon từ năng lượng tái tạo, hiện chừng 1,5 đến 3 đô la/tín chỉ carbon.

Khách hàng của REC tại Việt Nam là ai? Doanh nhân trên nói với người viết, các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia là những doanh nghiệp tiên phong tìm mua REC bởi cần phải đáp những tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững từ công ty mẹ ở nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dùng nhiều năng lượng cũng là khách hàng lớn của REC. Cùng với đó là nhiều người mua đến từ Singapore, Thái Lan; phần lớn những khách hàng này là người "mua đi bán lại”.

Với thị trường sôi động như thế này, rất có thể các nhà máy năng lượng tái tạo rồi đây sẽ rao “ai mua điện hôn?” khi Chính phủ cho phép khách hàng dùng nhiều điện có thể ký hợp đồng mua trực tiếp từ các nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo; rồi cũng sẽ có nhiều nhà máy là khách hàng sử dụng điện lớn cũng sẽ rao “ai bán điện hôn?”... "Điện" ở đây chính là chứng chỉ năng lượng tái tạo REC.

2 BÌNH LUẬN

  1. Giá REC thấp quá, dưới 1 USD thì 1 năm, Việt Nam sản xuất điện mặt trời đạt 2,12 tỷ kWh, điện gió đạt 1,84 tỷ kWh, giả định phát hành REC toàn bộ, bán REC chỉ 4 triệu USD, tức 100 tỷ đồng, đủ tiền trà nước cho nhân viên các dự án năng lượng tái tạo. Chưa kích thích lắm. Giá 5 USD mới chuẩn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới