Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

AI có lấy mất việc làm của chúng ta?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

AI có lấy mất việc làm của chúng ta?

Lưu Minh Sang (*) – Trần Đức Thành

(TBKTSG) – Tờ The Guardian đã đăng tải một bài luận được cho là do GPT-3 (công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo văn bản được phát triển bởi OpenAI) chắp bút với tiêu đề “A robot wrote this entire article. Are you scared yet, human?” (tạm dịch: Một robot đã viết nên bài luận này. Loài người, các bạn đã sợ chưa?) (1). Sự kiện này một lần nữa gợi lên những lo ngại về sự phát triển vượt bậc của AI có thể đe dọa đến con người, mà trước mắt là việc làm.

Tổ chức Lao động quốc tế đưa ra dự báo có đến 86% người lao động trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì sự “xâm nhập” của robot trong hai thập niên tới.

AI và những dự báo đáng lo

Được khởi thủy từ những năm 50 của thế kỷ trước, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có hành trình dài tiến hóa vượt bậc. Tham vọng của những dự án nghiên cứu và triển khai AI chưa bao giờ là nhỏ và thử thách chưa bao giờ là ít. Sau nhiều thăng trầm, cho đến hiện nay, AI đã có những bước tiến hóa và càng thể hiện rõ khả năng trí tuệ như con người.

AI đã được ứng dụng vào một loạt lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, kinh doanh, pháp lý, tài chính – ngân hàng, giao thông vận tải, sản xuất, dịch vụ. Dưới dạng robot công nghiệp, AI đang thế chỗ của hàng loạt người lao động để đảm nhận những tác vụ quan trọng trong các nhà máy với năng suất cao và ổn định hơn.

Vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, với lý thuyết tổng quát về việc làm, John Maynard Keynes đã khẳng định rằng sự thay đổi công nghệ sẽ gây ra tình trạng mất việc làm (2). Theo đó, công nghệ sẽ tạo ra hai hiệu ứng đối với thị trường lao động: (1) sự phát triển công nghệ sẽ làm nảy sinh những ngành nghề và việc làm mới, từ đó làm tăng nhu cầu lao động (hiệu ứng năng suất); (2) công nghệ “chiếm chỗ” và trở thành “người lao động thay thế”, đồng nghĩa nhiều người sẽ rời khỏi công việc của mình và thay vào đó là công nghệ (hiệu ứng dịch chuyển).

Sự tác động giữa hiệu ứng năng suất và hiệu ứng dịch chuyển sẽ quyết định đến quy mô mất việc làm và sự gián đoạn xã hội. Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, cũng như sự ra đời của hàng loạt công nghệ trong tiến trình lịch sử, cho thấy, trong ngắn hạn, hiệu ứng dịch chuyển có thể chiếm ưu thế. Nhưng về lâu dài, khi thị trường và xã hội hoàn toàn thích nghi với những cú sốc do máy móc, công nghệ gây ra, hiệu ứng năng suất sẽ chiếm ưu thế, nhiều việc làm mới được tạo ra và hấp thụ lượng lao động bị mất việc làm trước đó, xã hội sẽ thiết lập sự tái cân bằng.

Quan hệ lao động cũng sẽ có sự thay đổi sâu sắc. AI có thể trở thành người quản lý, đồng nghiệp của con người tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy đã có doanh nghiệp ứng dụng AI để quản lý hay tuyển dụng lao động.

Tuy vậy, AI dường như hoàn toàn khác với các công nghệ trước đó, bởi AI được trang bị trí tuệ của con người, có khả năng tự học, tự thích nghi. Cho nên, các nhà nghiên cứu từ Viện toàn cầu McKinsey đã đưa ra ước tính rằng, sự gián đoạn xã hội do AI gây ra đang diễn ra nhanh hơn 10 lần và ở quy mô gấp 300 lần cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, do đó có tác động gấp khoảng 3.000 lần.

Forrester Research, công ty nghiên cứu thị trường của Mỹ cung cấp lời khuyên về tác động tiềm tàng và tiềm ẩn của công nghệ tới khách hàng và công chúng, cho rằng AI sẽ xóa sổ 29% tổng số việc làm tại Mỹ trong khi chỉ tạo ra khoảng 13% việc làm mới vào năm 2030 (3).

Frey và Osborne (2017) đã có tuyên bố nổi tiếng rằng, 47% công việc của Mỹ có nguy cơ bị tự động hóa trong một số năm không xác định, có thể là một hoặc hai thập kỷ tới(4). Điều này giống với công bố của Bowles (2014) khi cho rằng khoảng 54% việc làm ở Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ bị tự động hóa.

Trong quyển sách “Bank 4.0: Banking Everywhere, Never at a Bank”, học giả Brett King – nhà dự báo tài ba trong lĩnh vực ngân hàng – dự báo rằng hơn 30% nhân viên ngân hàng hiện tại sẽ mất việc do AI vào năm 2030.

Các nghiên cứu thực nghiệm và dự báo cũng chỉ ra rằng quá trình phân cực công việc sẽ diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, AI nói riêng và công nghệ nói chung sẽ thế chỗ con người ở những dạng việc làm đòi hỏi trình độ, kỹ năng trung bình, mang tính thường xuyên, lặp đi lặp lại trên quy mô đại trà (những công việc ở giữa thang lương).

Ngược lại, nhóm công việc đòi hỏi trình độ cao, kỹ năng con người, không thường xuyên hay những công việc giản đơn (những công việc ở đầu hoặc cuối thang lương) ít bị tác động hơn do khó công nghệ hóa hoặc việc công nghệ hóa không mang lại hiệu quả kinh tế.

Quan hệ lao động cũng sẽ có sự thay đổi sâu sắc. AI có thể trở thành người quản lý, đồng nghiệp của con người tại các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy đã có doanh nghiệp ứng dụng AI để quản lý hay tuyển dụng lao động.

Bên cạnh những dự báo mang màu sắc bi quan về sự tác động của AI, cũng có những góc nhìn lạc quan. Nhiều người tin rằng AI cũng như những công nghệ trước đó, khi chúng ra đời sẽ dẫn đến hệ quả là hàng loạt công việc biến mất nhưng thay vào đó sẽ là hàng loạt công việc mới.

Nếu vào những năm 2000, chúng ta sẽ khó lòng tin được sẽ có hàng loạt việc làm đang phát sinh trên các thế giới “ảo” – các mạng xã hội. Hay sự xuất hiện của các công nghệ vận hành nền kinh tế chia sẻ đã lấy đi việc làm của nhiều người, nhưng cũng tạo thêm hàng loạt việc làm khác. Vì vậy, những công việc mới do AI tạo ra sẽ là một ẩn số.

Một góc độ khác, AI sẽ là công cụ để con người tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất. Khi đó, con người sẽ có điều kiện để giảm bớt thời gian cho sự mưu sinh, loại bỏ sự đơn điệu trong công việc hàng ngày. Thay vào đó, con người có thời gian tập trung vào các công việc có giá trị cao hơn, ý nghĩa hơn và mang tính “người” hơn. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào trải nghiệm, cảm nhận cá nhân của khách hàng cũng như xây dựng văn hóa doanh nghiệp xoay quanh con người, thúc đẩy những giá trị nhân bản.

Những nguy cơ hiện hữu đối với Việt Nam

Dù tác động của AI ở mức nào thì tự động hóa, công nghệ hóa trong công việc là xu thế không thể đảo ngược. Điều này đòi hỏi lực lượng lao động phải có đủ trình độ và khả năng tự đào tạo để chuyển đổi và thích nghi.

Theo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2018 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tại Việt Nam chỉ chiếm 21,9% và đến quí 4-2019 thì tỷ lệ này là 23,5%. Đồng nghĩa, nguồn nhân lực chưa qua đào tạo chiếm hơn ba phần tư tổng số lao động.

Các chỉ số sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai tại Việt Nam đều đang ở mức thấp. Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố năm 2018, chỉ số về nguồn nhân lực của Việt Nam xếp thứ 70/100, chỉ số thứ hạng về lao động có chuyên môn là 81/100, chỉ số thứ hạng về chất lượng đào tạo nghề là 80/100.

Mặc dù không có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi công nghệ số tại các doanh nghiệp Việt Nam là rõ nét, nhưng chúng tôi cho rằng đây là một xu thế tất yếu. Chính vì vậy, nếu các chỉ số về trình độ người lao động không được cải thiện nhanh chóng thì sẽ tạo nên những sự xáo trộn lớn khi làn sóng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp bắt đầu. Tổ chức Lao động quốc tế đưa ra dự báo có đến 86% người lao động trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc vì sự “xâm nhập” của robot trong hai thập niên tới.

Dù AI chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng việc đưa ra những dự báo không phải để hù dọa nhau hay dành cho tương lai góc nhìn bi quan. Mục đích là nhằm cảnh báo tính cấp bách trong việc tìm hiểu, chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra dưới sự tác động của AI.

Điều này đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp và thậm chí là từng người lao động phải có chiến lược và bắt tay vào công cuộc chuyển đổi để tận dụng sức mạnh của AI cũng như công nghệ mới và thích nghi với bối cảnh mới. Việc nghiên cứu, đánh giá tác động để làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược chuyển đổi, thiết kế lại chính sách xã hội (nhấn mạnh vấn đề phân phối lợi ích và an sinh xã hội) để đảm bảo sự cân bằng về quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động và sự tiến bộ xã hội nói chung là cấp bách và thiết yếu.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM

(1) https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/sep/08/robot-wrote-this-article-gpt-3

(2) https://delong.typepad.com/files/keynes-1937.pdf

(3) https://fortune.com/2019/11/19/artificial-intelligence-will-obliterate-these-jobs-by-2030/

(4) http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0040162516302244

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới