Ai có quyền tham gia ban soạn thảo luật?
Hồng Ngọc
(TBKTSG Online) - Chỉ sáu ngày sau khi Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ký quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai thuộc bộ này, bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup, một thành viên trong danh sách soạn thảo nói trên đã xin rút.
Xem chi tiết quyết định thành lập ban soạn thảo luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại đây
Việc một cá nhân đang làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tham gia ban soạn thảo luật đất đai đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Chiều 20-8, báo chí cho biết bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup, đã rút khỏi nhóm chuyên gia soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Báo chí dẫn lời Vingroup cho rằng bà Lâm chỉ tham gia với tư cách cá nhân, không báo cáo tập đoàn này.
“Vingroup tuyệt đối không tham gia vào việc xây dựng soạn thảo các dự luật hay các vấn đề chính sách. Bản thân bà Lâm khi thấy vì cá nhân mình gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến công ty nên đã làm đơn xin rút khỏi vụ này ngay trong sáng nay”, đại diện Vingroup được dẫn lời cho biết.
Trong quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã viện dẫn 2 văn bản quan trọng là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại điều 26 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về thành lập và hoạt động của Ban soạn thảo quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Ban soạn thảo trong các trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì soạn thảo: a) Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật”.
Điều 53 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì thành phần Ban soạn thảo “1. Ban soạn thảo gồm Trưởng ban là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và thành viên khác là đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học. Đối với Bạn soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình thì thành phần Ban soạn thảo phải có các thành viên là đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ. Ban soạn thảo phải có ít nhất là chín người.
2. Thành viên Ban soạn thảo là chuyên gia, nhà khoa học phải là người am hiểu các vấn đề chuyên môn liên quan đến dự án, dự thảo và có điều kiện tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban soạn thảo”.
Như vậy trong các quy định của pháp luật về xây dựng, soạn thảo luật không hề đề cập đến các cá nhân đang công tác tại doanh nghiệp, công ty hay cơ quan tổ chức mà chỉ nói đó là những chuyên gia, nhà khoa học am hiểu các vấn đề chuyên môn.
Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup trong ban soạn thảo nói trên thuộc phụ lục III của quyết định, thuộc danh sách nhóm chuyên gia.
Như vậy việc cá nhân đang làm việc cho doanh nghiệp có được tham gia nhóm soạn thảo văn bản hay không thì cả 2 văn bản quan trọng về soạn thảo luật lại không thấy đề cập.
![]() |
Theo bạn, cá nhân đang làm việc cho doanh nghiệp tham gia soạn thảo luật có đảm bảo khách quan hay không, liệu có tình trạng xung đột lợi ích hay không? Xin để lại ý kiến bình luận bên dưới.