(KTSG) - Sau Sài Gòn - vở kịch đã chinh phục liên hoan sân khấu quốc tế Avignon 2017, rồi khán giả của cả nước Pháp, và chuyến lưu diễn đến Việt Nam 2018 - biên kịch - đạo diễn mang hai dòng máu Pháp - Việt Caroline Guiela Nguyễn tiếp tục gây tiếng vang với vở Huynh đệ (Fraternité), mới ra mắt cuối năm 2021 ở nhà hát quốc gia Odéon, Paris.
Nếu Sài Gòn tập hợp mười một diễn viên Pháp và Việt, mỗi người nói tiếng mẹ đẻ của mình, diễn viên Việt kiều thì nói cùng lúc Pháp lẫn Việt ngữ với giọng đặc thù, thì với Huynh đệ, Caroline Guiela đưa lên sân khấu mười lăm nhân vật nói đủ thứ tiếng: Pháp, Anh, Việt, Ảrập, Tamoul nhưng cuối cùng vẫn vượt qua rào cản ngôn từ.
Huynh đệ còn chủ tâm - thực ra tiếp tục một xu hướng - phục vụ hai đối tượng thiểu số là khán giả khiếm thính và khiếm thị trong hai buổi riêng biệt. Với đối tượng thứ nhất, nhà hát Odéon sử dụng kỹ thuật tương đối đơn giản là phụ đề Pháp ngữ toàn bộ lời thoại và âm thanh. Với đối tượng thứ hai kỹ thuật phức tạp hơn là audio description (AD), tức “nghe mô tả”. Những năm gần đây, phương pháp AD đã bắt đầu được thế giới áp dụng cho sân khấu, điện ảnh; đang phát triển đến các chương trình truyền hình, video trực tuyến. Bên cạnh đối thoại và âm thanh nguyên tác, AD mô tả bằng lời thuyết minh những gì diễn ra trên sân khấu hay màn ảnh, bao gồm hành động, cử chỉ, biểu cảm nhân vật, cảnh quan, cảnh trí, trang phục… để khán giả khiếm thị có thể hình dung vở diễn hay bộ phim một cách sinh động nhất.
Trong điện ảnh, phải đến năm 1988 mới xuất hiện bộ phim Mỹ đầu tiên “nghe mô tả” là Tucker: The man and his dream của Francis Ford Coppola. Tại Liên hoan Cannes 2017, nữ đạo diễn Nhật Bản Noami Kawase giới thiệu phim Hikari (Hửng sáng), có câu chuyện xoay quanh nhân vật nữ Misako làm nghề thuyết minh phim theo phương pháp AD; qua đó khán giả nhận ra rằng mô tả phim cho người khiếm thị không phải nghiệp vụ thuần túy kỹ thuật, mà là hoạt động mang tính nghệ thuật rất cao, bởi như Kawase nhấn mạnh, là sự “đánh thức trí tưởng tượng và khơi gợi cảm xúc” ở người chỉ nghe chứ không nhìn được.
Do chỉ có thể đặt thuyết minh vào những khoảng thời gian không có thoại, vấn đề của phương pháp AD là chọn lựa mô tả cái gì, không mô tả cái gì mà vẫn truyền đủ thông điệp của phim, ý tưởng của đạo diễn. Và bởi vì cảm nhận một tác phẩm, hiểu một tác giả không thể không có phần chủ quan, nên thuyết minh AD luôn chỉ là phiên bản của bộ phim. Mặt khác, mô tả phim còn là cách cung cấp các nhân tố thiết yếu, cho phép người khiếm thị cùng lúc chìm ngâm trong thế giới của tác giả và dung tưởng của chính mình.
Trường đoạn mở đầu Hikari cho thấy một buổi chiếu phim AD với Misako và một số khán giả khiếm thị được mời đến góp ý về lời thuyết minh của cô. Có khán giả nhận xét mô tả của Misako không đủ chi tiết để có thể hình dung nhân vật, tình cảm của họ; nhưng cũng có nhận xét cô nói nhiều quá, không để cho khán giả còn không gian tưởng tượng. Gay gắt hơn, có ý kiến phê phán đó là mô tả của người sáng mắt, không đặt mình ở vị trí người mù. Những phê bình ấy không khiến Misako sờn dạ bởi cô tin điện ảnh là nghệ thuật, tin chắc nó có khả năng chuyển hóa những đốm tối thành đốm sáng của cuộc sống. Bởi điện ảnh là hửng sáng - Hikari.
Đó là chuyện phim, trong thực tế người viết bài này từng chứng kiến tình huống tương tự ở bảo tàng danh họa Claude Monet thuộc làng Giverny nước Pháp: Trong lúc nữ hướng dẫn viên thao thao mô tả tranh cho nhóm nhỏ khách khiếm thị, một người trong số họ lên tiếng phản đối, yêu cầu cô bớt chi li để họ có không gian tưởng tượng. Ai nghe cũng đồng tình, thậm chí giật mình. Không gian tưởng tượng, không gian suy tưởng luôn là thứ “giang sơn” cần được bảo vệ, khai phá trong các xã hội phát triển.
Ai cũng có suy tưởng. Đúng nhưng chưa đầy đủ. Vấn đề là suy tưởng chuyện gì, như thế nào, hậu quả ra sao ? Nếu không nhất tâm hoặc định tâm thì dễ suy tưởng lan man, kể cả bị stress nặng, kéo theo những câu chuyện thương tâm, đau lòng. Giống như netizen VN, nhiều khi “rảnh quá” nên bàn chuyện lung tung. Ví dụ, riêng việc VTV thay đổi phát thanh viên thời sự không thôi thì dân mạng đã đồn đoán đủ thứ, vô bổ, thay vì chú trọng vào việc nâng cao nội dung/ chất lượng tin tức thì lại xoáy vào chuyện “làm đẹp/ làm dáng/ làm điệu”… Chả giải quyết được gì !
Thế giới vụ của Đài BBC/ CNN… có đội ngũ phát thanh viên đa dạng, đủ sắc màu. Da trắng, da đen, da vàng, già cả, trẻ trung, mập mạp, ốm gầy, kể cả người khuyết tật… cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình. Không cần hào nhoáng, vẽ vời, nhưng lúc nào họ cũng là hãng truyền thông có tư duy, uy tín và năng lực hàng đầu thế giới.