Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai cũng có thể làm từ thiện

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Những gì ta làm chỉ cho bản thân sẽ đi theo ta khi ta mất; những gì ta làm cho mọi người và thế giới sẽ tồn tại và bất tử”.

Albert Pike (1809-1891)

Cuối tháng Bảy, báo Thanh Niên đăng một bài nhan đề “Quán cháo lòng “kỳ lạ” ở TPHCM: 25.000 đồng/tô nhưng 5.000 đồng hoặc không tiền cũng ăn được”(1). Bài báo kể về một quán cháo lòng ở quận 12, TPHCM với dòng thông báo: “Cháo lòng, bún lòng cho người khuyết tật, người già, người bán vé số. 5K hoặc không tiền cũng được”. Theo bài báo, sau khi đại dịch lắng xuống, vợ chồng chủ quán quyết định bán tô cháo lòng của họ cho người cơ nhỡ với giá chỉ 5.000 đồng hay hoàn toàn miễn phí, thay vì 25.000 đồng như với người bình thường. Được phóng viên hỏi vì sao có lựa chọn 5.000 đồng mà không miễn phí hoàn toàn, chủ quán trả lời vì có người nghèo ăn miễn phí còn ngại vẫn muốn trả tiền, cho nên quán để cho họ tự chọn lựa.

Nhân viên quán Nụ Cười 2 (170 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM) đang chuẩn bị các suất ăn cho người lao động nghèo. Ảnh: Lê Vũ

Bài báo cho biết vợ chồng chủ quán chẳng phải là người giàu có, nhưng sau khi người chồng bị tai nạn giao thông thập tử nhất sinh cuối cùng may mắn qua khỏi, họ phát nguyện phải làm điều gì đó để trả ơn đời. Đại dịch hoành hành tạm thời qua đi cũng là dịp để họ thực hiện tâm nguyện của mình.

Câu chuyện quán cháo lòng “kỳ lạ” này chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện về lòng hảo tâm của con người cứu giúp đồng loại. Đó cũng là gợi ý để thử bàn về từ thiện trong xã hội – không chỉ người giàu mới có thể làm từ thiện, mà người bình thường hay thu nhập thấp cũng có thể làm được.

Bố thí là một kho tàng phước đức

Trong số các chủ thể nhấn mạnh nhất đến tầm quan trọng của việc cho đi (đối với Phật giáo là “bố thí”, phần nào đó đồng nghĩa với “từ thiện”) có lẽ là các tôn giáo, điển hình là Phật giáo. Theo giáo lý nhà Phật, bố thí là một kho tàng phước đức luôn đi theo người cho từ đời này sang đời khác. Cho đi để giúp người khác cũng là xây dựng hạnh phúc và tiêu trừ đau khổ cho chính mình, giúp mình được người khác thương mến và tâm hồn mình được an vui.

Có lẽ một trong những lý do Phật dạy điều này là vì trong thế giới động vật, đặc biệt là thú ăn thịt (bao gồm cả người), ít có sự san sẻ thức ăn với đồng loại, ngay cả đối với các thành viên trong cùng một bầy. Chúng ta cứ xem các phim tài liệu về động vật săn mồi ắt sẽ nhận ra.

Sự san sẻ hay giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội loài người cho đến nay tốt hơn thiên nhiên hoang dã. Tuy vậy, điều đáng buồn là dù khá phổ biến, điều này chưa đến một cách tự nhiên với tất cả mọi người. Rất nhiều người vẫn còn dửng dưng với từ thiện, bố thí, lãnh cảm ít nhiều với đau khổ của người hàng xóm, người cùng quê, đồng bào hay nhân loại. Tình cảnh đó gần như giống với buổi bình minh loài người, khi một bầy người nguyên thủy không đếm xỉa gì đến số phận của bầy người bên cạnh bởi giữa họ luôn có sự cạnh tranh không khoan nhượng về thức ăn, lãnh thổ.

Của cho không bằng cách cho

Theo lẽ thường, nhiều người cho rằng chỉ những người có của cải dư thừa mới làm chuyện từ thiện hay bố thí. Điều này không hẳn đúng vì chung quanh ta có những người không giàu nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Người viết bài này đã được thấy rất nhiều câu chuyện ấm lòng. Tháng Bảy vừa rồi có câu chuyện liên quan đến một anh shipper (người giao hàng). Theo tường thuật của vnexpress.net, trưa 11-7, shipper Nguyễn Khánh Duy, 25 tuổi, xuống xe giao hàng thì kẻ gian cướp chiếc xe gắn máy lẫn hàng chạy mất(2). Đây là tai họa từ trên trời rơi xuống với Duy vì chiếc xe mua trả góp được một năm là công cụ mưu sinh của vợ chồng anh, chưa kể hàng hóa trị giá hàng chục triệu đồng trên xe phải bồi thường. Số tiền quá lớn so với khả năng của gia đình anh.

Cũng thật bất ngờ với Duy chẳng khác gì lúc bị mất xe, câu chuyện của anh lan truyền trên mạng bởi một trong số các khách hàng quen đã làm động lòng nhiều người và một “chiến dịch” quyên góp diễn ra tức thì. Một ngày sau, ngày 12-7, Duy cám ơn và xin ngưng nhận giúp đỡ vì đã có 85 triệu đồng từ hàng chục nhà hảo tâm, đủ để anh sắm chiếc xe mới, đền bù số hàng bị mất.

Một câu chuyện khác xảy ra vào năm ngoái cũng liên quan đến một shipper. Đang chạy xe trên đường thì Lộc, tên anh shipper, thấy một tờ tiền có mệnh giá khá lớn rơi trên đường(3). Anh vội tạt xe qua làn đường bên để nhặt tờ giấy bạc, quên mất là cú tạt của mình quá bất ngờ đối với người điều khiển chiếc xe hơi phía sau. Dù thắng kịp chiếc xe hơi cũng tông phải Lộc làm anh ngã xuống đường. Anh shipper đứng lên nhận cái sai của mình trước người lái xe hơi với thái độ thành khẩn nhận lỗi.

Thật bất ngờ với Lộc, trước dáng vẻ khắc khổ, chiếc xe gắn máy cũ nát và ánh mắt hối lỗi đầy cam chịu của anh, người lái xe hơi – là chủ một công ty – không những bỏ qua lỗi của anh mà còn tặng thêm ít tiền. Bất ngờ hơn, hai hôm sau ông chủ này tặng một chiếc xe gắn máy của công ty cho Lộc. Vị ấy giải thích mình không bỏ qua việc làm sai trái nhưng thứ lỗi và tặng quà cho Lộc vì anh ấy thành khẩn, và mong rằng đây cũng là một bài học cho người lỡ va chạm trên đường, nên bình tĩnh giải quyết thay vì to tiếng, ăn vạ hay xô xát nhau. Thật là một kết cục có hậu hiếm hoi không những về lòng từ thiện mà còn về thái độ ứng xử!

Triết gia vĩ đại người Hy Lạp Aristotle (384 TCN – 322 TCN) cũng có câu nói nổi tiếng về việc từ thiện như sau: “Bố thí tiền bạc là chuyện dễ ai cũng làm được. Nhưng quyết định cho ai, cho bao nhiêu, cho khi nào và nhằm mục đích gì, cũng như cho như thế nào, lại không phải là chuyện ai cũng làm được. Đó là chuyện không dễ chút nào”.

Không hẹn mà gặp, những ý tưởng này của Aristotle ở phương Tây thậm chí còn xuất hiện sớm hơn ở phương Đông. Đức Phật (624 TCN – 544 TCN) dạy tín đồ rằng khi bố thí, tặng vật phải trong sạch, thích hợp; việc cho tặng phải đúng thời điểm, với sự cẩn thận; luôn luôn sẵn lòng, có sự tin tưởng khi cho và hoan hỷ sau khi cho. Riêng với chuyện đúng thời điểm, Đức Phật lưu ý rằng cần bố thí cho người mới đến xứ ta, người sắp rời khỏi xứ ta, người đau bệnh, và người trong thời đói kém. Nếu nhìn lại những việc làm từ thiện được biết đến trong mùa đại dịch Covid-19, có thể thấy rằng – cũng không hẹn mà gặp – các sự việc đều xảy ra đúng như thế.

Có bao nhiêu nhà giàu làm từ thiện?

Gần 12 năm trước, năm 2012, hai tỉ phú người Mỹ Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsolf, và Warren Buffett, nhà sáng lập quỹ đầu tư Berkshire Hathaway, cùng đến thủ đô Bắc Kinh để nói chuyện với những người giàu nhất Trung Quốc về đề tài mà chúng ta đang đề cập trong bài này: làm từ thiện. Cả Gates và Buffett đã cam kết để lại phần lớn tài sản của mình cho mục đích từ thiện. Không những vậy, họ còn thuyết phục khoảng 40 tỉ phú Mỹ làm như mình, nghĩa là hứa tặng ít nhất phân nửa số tài sản cho các quỹ từ thiện. Nhưng tại sao Gates và Buffett lại thảo luận về đề tài này với giới siêu giàu Trung Quốc?

Ngay từ lúc đó, năm 2012, Trung Quốc đã là quê hương của 64 tỉ phú đô la Mỹ, nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, và gần 500.000 triệu phú đô la Mỹ. Thế nhưng, CNN dẫn một nguồn tin cho rằng năm 2009, 121 nhà từ thiện chính ở Trung Quốc đã tặng số tiền trị giá tổng cộng 277 triệu đô la Mỹ, còn thấp hơn tổng số tiền một gia đình người Mỹ đã trao tặng trong năm đó(4).

Theo statista.com, một trang mạng chuyên về thống kê thị trường và tiêu dùng, năm 2021, số triệu phú đô la Mỹ ở Trung Quốc đã vọt lên hơn 4 triệu người(5). Số triệu phú và tỉ phú tăng lên rất cao, nhưng tiền của họ cho từ thiện liệu có tăng tương ứng?

Còn ở Việt Nam thì sao? Năm ngoái, vietnamnet.vn dẫn nguồn Knight Frank, một công ty tư vấn địa ốc của Anh, nhận định rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có số người siêu giàu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2014-2024(6). Công ty này cho biết năm 2020, Việt Nam có gần 20.000 triệu phú đô la Mỹ, giảm 6% so với năm 2019, đứng thứ tư Đông Nam Á, sau Singapore, Indonesia và Thái Lan.

Số triệu phú đô la Mỹ này của Việt Nam đã đóng góp bao nhiêu cho công việc thiện nguyện trong đại dịch Covid-19? Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời, nhưng hy vọng rằng con số đó không thấp hơn con số thật đã được đóng góp bởi những người Việt Nam còn lại.

————-

(1) https://thanhnien.vn/quan-chao-long-ky-la-o-tp-hcm-25-000-dong-to-nhung-5-000-dong-hoac-khong-tien-cung-an-duoc-post1483269.html

(2) https://vnexpress.net/cong-dong-gop-tien-giup-anh-shipper-bi-cuop-ca-xe-lan-hang-4486901.html

(3) https://vnexpress.net/mon-qua-bat-ngo-cho-anh-shipper-4244824.html

(4) https://edition.cnn.com/2010/WORLD/asiapcf/09/30/china.tycoons.dinner/index.html

(5) https://www.statista.com/statistics/702759/china-number-of-millionaires/

(6) https://vietnamnet.vn/so-trieu-phu-va-sieu-trieu-phu-o-viet-nam-dung-thu-may-dong-nam-a-756516.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Có ba loại người tốt: 1. Người tốt là người phải biết tự lo cho bản thân mình, 2. Người tốt hơn người là biết lo cho mọi người. 3. Người tốt nhất là người không cần phải lo cho ai cả bằng cách chỉ ra phương pháp để mỗi người tự lo cho chính bản thân mình. Loại người thứ 3 không chỉ biết sống tốt mà còn biết sống đúng. Từ người tốt đến người đúng là một khoảng cách lớn. Từ thiện, có nhiều cách hành xử khác nhau, nhưng cũng cần biết cách chuyển hóa từ một cách sống tốt để trở thành một cách sống đúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới