(KTSG) - Nước chủ nhà xem như hòa vốn. Nhà tổ chức sự kiện thu được nhiều tiền hơn, nhưng lại lo lắng về tương lai ít khán giả của Olympic. Các thương hiệu Trung Quốc được xem là thắng lớn khi thể hiện khả năng tài chính và sức mạnh sản xuất của công xưởng thế giới.
- Hòa nhịp Olympic Paris 2024 cùng Vietcombank thông qua chuỗi hoạt động dành cho khách hàng
- Paris mùa hè này
Thế vận hội mùa hè Paris 2024 diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8 và nước Pháp đã chi khoảng 8,9 tỉ euro (9,7 tỉ đô la Mỹ). Đây sẽ là kỳ Thế vận hội mùa hè ít tốn kém hơn hẳn so với ba kỳ liền trước tại Tokyo, Rio và London. Nước chủ nhà dự kiến sẽ thu được 7,3-12,1 tỉ đô la Mỹ cho thủ đô Paris và vùng Ile de France, nhưng trải dài trong giai đoạn 2018-2034.
Bản quyền phát sóng truyền hình thường chiếm khoảng 60% doanh thu của nhà tổ chức - Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Nhưng tại Paris 2024, IOC thu được 3,3 tỉ đô la Mỹ tiền bản quyền phát sóng truyền hình và phát trực tuyến trên Internet, tăng 6% so với Tokyo 2020. Theo hãng Nghiên cứu thị trường Ampere Analysis, IOC gần như đã đạt được mục tiêu 1,34 tỉ đô la Mỹ doanh thu tài trợ trước lễ khai mạc, tăng 60% so với kỳ Olympic trước.
Ngày càng ít người xem truyền hình trực tiếp Olympic
Los Angeles 1984 được đánh dấu là bước khởi đầu của làn sóng thương mại hóa Thế vận hội. Kể từ đó, doanh thu từ bản quyền phát sóng truyền hình của IOC đã tăng 10 lần. Nền tảng của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh có thể bị đe dọa, nếu lượng người xem các sự kiện trực tiếp trên tivi tiếp tục giảm.
Thói quen sử dụng mạng xã hội đã phủ bóng đen lên tương lai của các kỳ Olympic khi ngày càng nhiều người - đặc biệt là giới trẻ - đã chuyển sang xem các chương trình thể thao trong các clip ngắn trên mạng xã hội.
Lượng người xem truyền hình toàn cầu của Thế vận hội đã giảm mạnh. Tổ chức vào năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tokyo 2020 chỉ thu hút 3,05 tỉ người xem trên thế giới qua màn hình tivi và Internet. Con số này giảm 5% so với kỳ Olympic 2016 tổ chức ở Rio de Janeiro và đến 15% so với Olympic 2012 ở London, theo IOC.
Khảo sát của Viện Gallup công bố hôm 25-7 cho thấy Paris 2024 “có thể không được người xem Mỹ đánh giá cao hơn” so với Olympic mùa hè 2020 và Olympic mùa đông 2022, vốn có ít người xem do ảnh hưởng của Covid-19. Gallup nói 30% số người được hỏi cho biết “sẽ không xem”, 34% cho biết “sẽ không xem nhiều” và 35% nói “sẽ xem một số chương trình”. Con số này giảm nhiều so với tỷ lệ 48% sẽ xem một môn thể thao nào đó của kỳ Rio 2016.
Còn Quỹ Thể thao Sasakawa ở Nhật Bản cho biết hơn 90% số người được hỏi trong các nhóm tuổi từ 20-70 thường xuyên xem thể thao trên tivi vào năm 2006. Đến năm 2022, con số này giảm xuống còn 61% ở độ tuổi 20 và 71% trong những nhóm độ tuổi từ 30.
Tuy vậy, các đoạn clip ngắn về Tokyo 2020 lại được xem đến 28 tỉ lần trên Internet, so với 11,6 tỉ lần ở Rio 2016 và 1,9 tỉ lần ở London 2012. Người hâm mộ không còn theo dõi Olympic trên tivi nữa vì có thể xem những khoảnh khắc thú vị trên mạng.
Việc phát sóng miễn phí gây áp lực tài chính đáng kể cho các kênh truyền hình. Theo Hiệp hội Phát thanh thương mại Nhật Bản, việc phát sóng ba kỳ Olympic mùa hè vừa qua đã làm các đài thâm hụt tài chính do phí bản quyền và chi phí sản xuất cao. Triển vọng cho Thế vận hội mùa hè Paris 2024 có vẻ ảm đạm đối với các đài truyền hình Nhật Bản bởi nhiều yếu tố, như chênh lệch múi giờ hay sự mất giá của đồng yen, có thể ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo.
Sân chơi của các thương hiệu Trung Quốc
Mùa hè 2024 tại kinh đô ánh sáng tiếp tục là sân chơi khổng lồ của các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục trên cả hai lĩnh vực, tài trợ và cung cấp hàng hóa. Tiền tài trợ tại Paris 2024 tăng mạnh là do IOC đã giành được các hợp đồng lớn trước đó với Airbnb của Mỹ, Alibaba và Mengniu Dairy của Trung Quốc. Các doanh nghiệp đại lục đứng thứ ba về tài trợ cho Paris 2024.
Vượt qua Amazon, Google và Microsoft, Alibaba là đối tác cung cấp độc quyền dịch vụ Cloud cho streaming tại Thế vận hội Paris. Hành trình trở thành đối tác về Cloud và chuyển đổi số với IOC của Alibaba bắt đầu vào năm 2017, với hợp đồng tài trợ trong 12 năm trị giá 800 triệu đô la Mỹ. Mengniu Dairy và Coca-Cola đã cùng ký hợp đồng tài trợ 3 tỉ đô la Mỹ trong 12 năm cho IOC từ năm 2019.
Thiết bị và sản phẩm của các công ty Trung Quốc sẽ được sử dụng ở nhiều địa điểm và cuộc thi khác nhau của Paris 2024. Tạp chí L’Express của Pháp chỉ ra 90% linh vật của Thế vận hội Paris 2024 được sản xuất tại Trung Quốc. Các mặt hàng lưu niệm, như nón, áo, khăn quàng, đồ chơi, bút, vòng đeo tay và sổ tay bày bán ở các cửa hàng tại Paris đều đến từ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đã nhận được đơn hàng từ nửa cuối năm 2023, theo Tân Hoa Xã. Đồng phục của vận động viên, quan chức đến các vật dụng ở Làng Olympic đều được sản xuất ở Chiết Giang, Trung Quốc.
TaiShan Sports là một trong những nhà cung cấp thiết bị chính tại Paris 2024. Tại sự kiện này, TaiShan nói họ sẽ thầu toàn bộ thiết bị các môn đấu vật, xe đạp, taekwondo, thể dục dụng cụ, điền kinh... Sonic Composite Technology là hãng duy nhất được IOC chọn cung cấp dụng cụ, thiết bị cho môn lướt ván buồm ở Paris mùa hè này. Tổng giám đốc Yan Zaixing nói rằng Sonic “không có đối thủ” khi xét về chất lượng của vật liệu mới và quy trình sản xuất.
He Wenyi, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết xu hướng các công ty Trung Quốc ngày càng tài trợ nhiều hơn tại các sự kiện thể thao quốc tế lớn phù hợp với “sự phát triển mạnh mẽ và đổi mới mọi mặt của các ngành công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc”.
“Chúng tôi vẫn là công xưởng của thế giới”
Chi phí nhân công tăng và môi trường địa chính trị bất ổn, đặc biệt là khi đối đầu thương mại và công nghệ Mỹ - Trung không thuyên giảm, khiến nhiều nhà sản xuất di dời bớt năng lực sang Ấn Độ hay một vài nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có những thế mạnh riêng và hấp lực đáng kể khi xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện trong nhiều thập niên qua.
Paul Tai, Giám đốc khu vực của hãng sản xuất và cung cấp giải pháp bán lẻ toàn cầu Mainetti Group, giải thích rằng người tổ chức những sự kiện có quy mô khổng lồ như Olympic Paris 2024 sẽ không có nhiều thời gian để hoàn thành đủ các đơn hàng.
“Không nhiều nơi có khả năng làm được điều đó, đặc biệt là trong thời gian ngắn và đòi hỏi chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn”, Tai nói với South China Morning Post. Ông cũng lưu ý ưu thế của các cụm công nghiệp Trung Quốc khi các đơn vị này có thể đáp ứng mọi yêu cầu sản xuất, với các nguyên vật liệu khác nhau. “Trong tương lai, các ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ leo cao hơn trong thang chuỗi giá trị bằng cách ứng dụng nhiều hơn nữa trí thông minh nhân tạo (AI) và tự động hóa trong quy trình sản xuất.
Còn Phó giáo sư Fan Di thuộc khoa thời trang - dệt may tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho rằng dù Ấn Độ và ASEAN trở thành những công xưởng mới, thì những nơi này vẫn chậm hơn Trung Quốc trong việc xây dựng các hệ thống được công nhận trên toàn cầu. Qiu Dongxiao, trưởng khoa kinh tế Đại học Lĩnh Nam tại Hồng Kông, tin rằng năng lực sản xuất, quy mô ngành logistics Trung Quốc rất lớn. Các nước trong khu vực khó thay thế được Trung Quốc trong vai trò nhà cung cấp chính cho Olympic Los Angeles 2028.
“Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực sản xuất tiên tiến, nhưng không có nghĩa là các ngành sản xuất cấp thấp đều sẽ dịch chuyển ra bên ngoài. Họ vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng ở cả hai thái cực mà các nước khác khó đuổi kịp”, theo lời Stephen Olson, nghiên cứu viên cấp cao tại Diễn đàn Thái Bình Dương và là giảng viên thỉnh giảnh tại Viện Yeutter ở Nebraska, Mỹ.
Nguồn: SCMP, IOC, ICB365, Nikkei Asia, Sports Business Journal, Global Times, China Daily