Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ai là chủ sở hữu tác phẩm khi thuê freelancer?

Ngân Trần(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi xu hướng thuê người làm việc tự do (freelancer) ở các doanh nghiệp phổ biến hơn sau đại dịch Covid-19, vấn đề ai là chủ sở hữu quyền tác giả đối với các sản phẩm do nhân viên của doanh nghiệp thực hiện hay được tạo ra khi thuê freelancer, rất cần xem xét để tránh các tranh chấp không đáng có.

Hiện nay, việc doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ từ lực lượng freelancer, như viết lách, thiết kế, làm trang web hay dịch thuật… đang ngày càng gia tăng. Xu hướng này lại càng phát triển hơn trong và sau đại dịch Covid-19, khi lối làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp bị dịch bệnh làm xáo trộn.

Về phía freelancer, họ chọn công việc này vì có những ưu điểm như có nhiều nguồn thu nhập, hay có thể chủ động sắp xếp được thời gian phù hợp với lịch sinh hoạt cá nhân. Bên doanh nghiệp thuê freelancer thì giảm bớt các quy trình tuyển dụng, chi phí bảo hiểm bắt buộc phải đóng theo pháp luật quy định, cũng như trám chỗ khi lực lượng nhân sự thiếu hụt đột xuất.

Tuy nhiên, một vấn đề không phải chủ doanh nghiệp hay freelancer nào cũng biết: rằng ai là chủ sở hữu đối với tác phẩm là bài viết, logo hay bức hình được sáng tạo (sau đây được gọi là tác phẩm) bởi freelancer? Là freelancer hay doanh nghiệp (người thuê freelancer). Câu trả lời sẽ được gợi mở ngay sau đây.

Nếu tác giả là nhân viên của doanh nghiệp

Thông thường nhân viên và bên doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ tồn tại một mối quan hệ hợp đồng lao động. Ở đó quy định rõ các tác phẩm do nhân viên tạo ra sẽ thuộc về doanh nghiệp bởi vì nhân viên được trả lương và các trang thiết bị để hoàn thành nhiệm vụ đó. Điều này là dễ hiểu và hợp lý cho cả hai bên. Do đó, khi các tác phẩm là các đối tượng được bảo hộ bởi luật quyền tác giả, được tạo ra bởi nhân viên sẽ thuộc về sở hữu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải tất cả quyền đều được chuyển giao. Nguyên tắc cơ bản, khi một tác phẩm được tạo ra, tác giả sẽ sở hữu hai tập quyền chính là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân được hiểu là quyền thuộc về cá nhân tác giả (quyền tinh thần), thông thường không được chuyển giao dưới mọi hình thức nào. Quyền này gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên trên tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm…; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm(1).

Quyền tài sản là quyền được hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ tác phẩm được tạo ra. Có 6 quyền tài sản cơ bản được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam(2), gồm một số quyền tiêu biểu, như Quyền làm tác phẩm phái sinh (tác phẩm được tạo ra từ tác phẩm gốc); Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng…

Theo đó, quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm, đặt tên tác phẩm (là hai trong bốn quyền trong tập quyền của quyền nhân thân) có thể chuyển giao cho doanh nghiệp trong mối quan hệ hợp đồng. Cho phép chuyển quyền sử dụng (nhưng không được chuyển nhượng hoàn toàn quyền sở hữu) đối với quyền đặt tên tác phẩm là một quy định sửa đổi mới được Quốc hội thông qua trong tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, hai quyền còn lại trong tập quyền nhân thân: đứng tên tác phẩm và bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm(3) là không được chuyển giao, dù tồn tại hợp đồng làm việc với doanh nghiệp.

Nghĩa là những tác phẩm khi được tạo ra bởi nhân viên thì doanh nghiệp có thể sử dụng cho mục đích kinh doanh của mình. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải luôn ghi nhận tên tác giả và không được chỉnh sửa, hay cắt xén, làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm khi chưa có sự đồng ý của tác giả, tức nhân viên.

Phán quyết của cuộc chiến pháp lý dài ròng rã hơn mười năm giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị (Phan Thị) là bài học cho các doanh nghiệp về vấn đề này. Năm 2001, họa sĩ Lê Linh đã làm việc với Phan Thị để thực hiện bộ truyện Thần đồng Đất Việt, đặc biệt với bốn hình tượng Tý, Sửu, Dần, Mẹo do ông tạo ra. Năm 2005, Lê Linh không còn làm việc ở Phan Thị và phát hiện trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả có bà Hạnh (Giám đốc Phan Thị) là đồng tác giả. Lê Linh nộp đơn kiện. Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Lê Linh đã thắng, các quyền nhân thân của bốn nhân vật trong truyện mà ông đã sáng tạo đều được ghi nhận thuộc về Lê Linh.

Nếu tác giả là một freelancer được doanh nghiệp thuê

Về bản chất freelancer là chủ sở hữu tác phẩm mà mình sáng tạo ra, trừ khi có sự chuyển giao những quyền tác giả này từ freelancer sang cho người sử dụng lao động. Tương tự, hai loại quyền mà freelancer nắm giữ đối với tác phẩm mà họ tạo ra là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Việc chuyển giao quyền tác giả thường có các dạng sau:

1. Chuyển giao một số quyền(4). Ví dụ: chỉ chuyển giao quyền tài sản ở phạm vi lãnh thổ Việt Nam, để dành chuyển giao quyền tài sản ở Úc cho người khác. Thường thì chuyển giao một số quyền đồng nghĩa với mức phí freelancer được nhận sẽ thấp hơn so với việc chuyển giao tất cả các quyền, do freelancer có thể chuyển giao những quyền còn lại cho bên khác hoặc lãnh thổ khác.

2. Chuyển giao tất cả các quyền, hay còn được gọi là chuyển nhượng (assignment hay all rights transfer). Lưu ý, quyền nhân thân (đứng tên và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) là mặc định không được chuyển giao. Trường hợp này, thông thường bên thuê có được tất cả các quyền về tài sản và các quyền nhân thân mà pháp luật cho phép chuyển giao, tức họ có quyền sử dụng hay thậm chí bán lại cho bên khác nếu muốn. Và mức phí freelancer nhận được sẽ cao cho thỏa thuận này, vì họ đã chấp nhận không giữ bất cứ quyền tài sản nào cho mình.

3. Hợp đồng thuê làm tác phẩm (work made for hire)(5). Loại hợp đồng này được quy định theo pháp luật về quyền tác giả của Mỹ.

Khi freelancer tạo ra một tác phẩm như một phần công việc mà họ được thuê, bên thuê sẽ tự động là chủ sở hữu của tất các quyền có trong quyền tác giả gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Do đó, freelancer cần cân nhắc kỹ trước khi ký loại hợp đồng này.

Thực tế cho thấy, có những tình huống mà việc được thuê là mong muốn của các freelancer, như được một tạp chí rất nổi tiếng thuê viết bài, dù biết mình sẽ mất tất cả các quyền với vai trò là tác giả nhưng đa số các freelancer vẫn chấp nhận. Tuy vậy cần lưu ý là việc chuyển giao toàn bộ quyền nhân thân chưa được chấp nhận theo luật quyền tác giả tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.

Như vậy, về phía freelancer, việc hiểu được các đối tượng quyền tác giả mà mình sở hữu giúp các freelancer có sự chủ động trong việc khai thác các giá trị mà tác phẩm mình tạo ra. Ví dụ: freelancer có thể ghi rõ phạm vi quyền tài sản mà mình muốn chuyển giao theo khu vực địa lý (chỉ chuyển giao quyền công bố và làm tác phẩm phái sinh ở Việt Nam, phân phối và sao chép tại Úc), hay theo mục đích sử dụng của người thuê (chỉ sử dụng cho trang web, như vậy họ có thể chuyển giao quyền tài sản cho mục đích khác như chuyển thể để làm sách hay phim cho người khác).

Một vụ việc tiêu biểu cho vấn đề này là Marco(6), nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp hình cho tạp chí Accent Magazine (Accent). Macro và Accent chỉ có hợp đồng bằng miệng cho 150 đô la mỗi tấm hình. Sau đó Accent cho rằng mình là chủ sở hữu của những tấm hình đó và muốn sử dụng nó cho những mục đích khác nhưng không chấp nhận trả thêm phí thêm cho Macro. Macro đã đâm đơn kiện và cuối cùng đã chiến thắng bên thuê mình là Accent, tuy nhiên rõ ràng anh cũng đã phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc cho vấn đề này.

Về phía doanh nghiệp, việc nắm rõ các nguyên tắc về quyền tác giả sẽ giúp doanh nghiệp xác định được loại hợp đồng mà mình nên ký kết, cũng như phạm vi quyền hạn mà mình được sử dụng tác phẩm sau khi đã có được sự thỏa thuận và thống nhất với các freelancer.

(*) CEO, Maygust Trademark Attorneys, Canberra, Úc

-------------

Nguồn tham khảo:

(1) Điều 19, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022

(2) Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022

(3) Điều 19, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2022

(4), (5) Stephen Fishman, J.D., Working for yourself - Law & Taxes for Independent Contractors, Freelancers & Gig Workers of all Types, Nolo 2022 (12th Edition), trang 378 và 384.

(6) Marco v. Accent Publishing Co., Inc., 969 F.2d 1547 (3d Cir. 1992)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới