Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Ai mua may tôi bán mai đây!”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Ai mua may tôi bán mai đây!”

Huỳnh Kim

(TBKTSG Online)- Sáng nay Mùng Một Tết (25-1), đi thể dục về đã hơn 6 giờ sáng, vẫn thấy hai người bán dưa còn nằm ngủ vùi bên đống dưa hấu ngay ngã tư đường 30/4 – Trần Khánh Dư đối diện khu Vincom Plaza ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ.

Trưa hôm qua, 30 Tết, những cây mai vàng không bán được bên bến Ninh Kiều cũng đã được cẩu lên xe chở về vườn. Chợt nghĩ tới lời rao “Ai mua may tôi bán mai đây!” và câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

“Ai mua may tôi bán mai đây!”
Cẩu mai ế lên xe ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ trưa Ba mươi Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Huỳnh Kim

Tết này ở Cần Thơ, hàng trăm chậu mai vàng dội chợ phải chở về như cảnh chúng tôi chụp được ở bến Ninh Kiều (ảnh trên) hay trước cửa UBND TP Cần Thơ trưa 30 Tết. 

Phần vì giá kêu cao quá, nhiều người yêu mai không mua nổi. Phần vì không biết vì sao trước giao thừa vài bữa tự dưng mai đồng loạt nở sớm. Không kể những cây mai cổ thụ ghi giá vài trăm triệu đến bạc tỷ, nhiều chậu mai bon-sai trước cửa UBND TP Cần Thơ một tuần trước ghi giá 40 triệu đồng thì tới trưa 28 Tết hạ xuống còn... 1 triệu đồng! Những rừng mai vàng rực rỡ ở bến Ninh Kiều, hồ Xáng thổi, Hoàng Văn Thụ... vì thế đã trở thành bối cảnh... chụp ảnh ngày xuân của du khách gần xa. Nhiều người bán mai chỉ biết ngồi chống tay nhìn trời nhìn đất.

Trong khi đó, từ tối 28 đến 30 Tết, những người bán mai nhánh ở ven chợ Xuân Khánh, Ninh Kiều lại đắt hàng. Cũng là mai vàng đã nở lai rai nhưng giá hợp túi tiền người mua bình dân, từ vài chục đến hơn một trăm ngàn một nhánh. Ở đó, tối 29 Tết, tôi thấy có một cô gái cầm nhánh mai giơ cao mời khách chạy xe ngang qua với lời rao là lạ: “Ai mua may tôi bán mai... đây!”.

Cô rao hồn nhiên rồi cười tươi rói, vậy mà mớ mai bó nhánh cao nghệu ở sau lưng cô vừa đem từ Phong Điền ra hồi chiều tối đã bán hết sạch sau vài giờ.

Hai người bán dưa ngủ vùi bên đống dưa ế vào sáng Mùng Một Tết Canh Tý 2020 ở ngã ba đường 30/4 – Trần Khánh Dư (Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Ảnh: Huỳnh Kim

Phải chăng sự may mắn không chỉ đến từ cõi hư vô mà còn đến từ một giá trị và giá cả nhất định? Chưng một nhành mai nở đúng mùng Một Tết, ai cũng thấy đó là niềm vui, may mắn cho cả năm. Người ta chấp nhận “mua” điều may mắn. Và khi người bán hàng nào biết khai thác “đúng điệu” và phù hợp thực tế cuộc sống điều này thì cái câu ông bà ta nói từ hồi xa xưa, giờ vẫn sống động trong nền kinh tế thị trường, “Mua may bán đắt”.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới hình ảnh và bản tin “Người bán đập nát hoa ế” đăng trên VnExpress chiều hôm qua, Ba mươi Tết. Ám ảnh hơn, vào sáng mùng Một Tết này, đọc tiếp trên Facebook của nhà thơ Ngô Vĩnh Nguyên ở Trà Vinh bài thơ ngắn “Những bông hoa bị đòn” đăng kèm một nhành mai vàng nở rộ:

Chợ tết thất thủ chiều ba mươi tết / Những bông hoa ế bị đòn giữa phố / Cây roi người chăm bón đả vào xuân.

Và thật bất ngờ trước hình ảnh giấc ngủ vùi lúc hơn 6 giờ sáng Mùng Một tết này của hai người bán dưa bên đống dưa hấu ế. Bất ngờ vì chưa thấy tết nào ở ngã ba 30/4 –  Trần Khánh Dư, một giao lộ ở trung tâm TP Cần Thơ đối diện khu Vincom Plaza sầm uất, gặp cảnh này. Mấy tết trước, ở đây vẫn có những “núi” dưa hấu nhưng tới chiều Ba mươi là cả người và dưa đều không còn. Tết này, họ ở lại mong bán thêm được trái nào hay trái đó vì những đống dưa vẫn còn đầy kia. Họ đã không được về nhà cúng ông bà đón giao thừa như nhiều nông dân, thương lái khác. Dù dưa hấu của họ chiều hôm qua, họ đã ghi lại giá 8.500 đồng/ký so với 20.000 đồng/ký hồi tuần rồi.

Nhiều người nói năm nay nhờ “thiên thời, địa lợi” nên cây trái, hoa kiểng miền Tây trúng mùa hơn năm ngoái. Chắc là vậy, những rừng mai vàng, núi dưa hấu đỏ tràn ngập phố phường Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam bộ, hòa trong ngàn vạn hương sắc hoa xuân. Chỉ tiếc là, có những món hàng tết bị dội chợ nhiều hơn những tết đã qua. Kéo theo những cảnh đời không có tết.

Ngoài chuyện “cung vượt cầu” do không tính hết theo quy luật thị trường, phải chăng câu chuyện “nhân hòa” giữa người bán và người mua trên cái nền thị trường ấy, năm nay là chưa đẹp?

Ngẫm ra câu chuyện “thuận mua vừa bán” và “mua may bán đắt” của ông bà ta xưa, vẫn sống động quá chừng ở thời nay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới