Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

AI: Mỹ và Trung Quốc có thể xây dựng tiêu chuẩn chung và hành động cùng nhau?

TS.Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự phát triển của Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển AI trên toàn cầu, bao gồm cả cách sử dụng AI như thế nào và trong bối cảnh nào, cũng như các giá trị mà hệ thống AI phản ánh. Tác động này của Trung Quốc xảy ra vào thời điểm cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc ngày càng tăng. Bản chất lưỡng dụng của AI cũng có nghĩa là việc dẫn đầu về AI sẽ tăng cường không chỉ năng lực dân dụng mà cả năng lực quân sự nên các lo ngại sẽ gồm cả khía cạnh an ninh kinh tế lẫn an ninh quốc gia.

Các quan ngại về AI “vượt rào”

Tất cả các công nghệ mới đều cần có hành lang pháp lý quy định khung khổ hoạt động. Những hành lang này có thể nằm ở mức địa phương (khi chúng mang tính thử nghiệm) hoặc ở mức quốc gia. Ở cấp độ rộng hơn, chúng ta có thể được giới thiệu và áp dụng theo khu vực hoặc trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu.

Với những công nghệ mới như AI hay hệ thống mạng 5G, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ các khung khổ pháp lý của mỗi quốc gia hoặc nhóm quốc gia một khác nhau mà chúng còn chưa được thảo luận ở cấp độ khu vực để áp dụng rộng rãi cho các quốc gia khác khi tiếp nhận những công nghệ như vậy.

Việc thiếu vắng các tiêu chuẩn toàn cầu không những gây ra những chỉ trích liên miên, mà các lệnh cấm đi kèm mang tính trả đũa qua lại giữa các nước phát triển AI chủ chốt sẽ khiến việc đầu tư ứng dụng công nghệ này ở một nước thứ ba trở nên bất trắc hơn bởi lo ngại về các trừng phạt liên đới.

Do vậy, trong từng khía cạnh quan trọng của khung khổ pháp lý liên quan đến AI, cần có các thảo luận và hiệp định mang tính cam kết càng sớm càng tốt. Trong đó, những quy chuẩn toàn cầu về AI cần ưu tiên đạt được sự thống nhất bao gồm:

  • Những quy chuẩn liên quan đến dữ liệu

Dữ liệu là tài nguyên thiết yếu nhất để xây dựng năng lực phân tích của AI. Dựa trên số lượng dữ liệu, các máy huấn luyện sẽ sử dụng thuật toán để phân tích và huấn luyện nhằm đưa ra các quyết định thay con người. Nhưng việc tiếp cận, thu thập và sử dụng dữ liệu hiện nay vẫn chưa có sự đồng thuận giữa các nước chủ chốt.

Dựa trên quan niệm về quyền sở hữu, dữ liệu sẽ được chia thành năm nhóm, bao gồm: (i) dữ liệu cá nhân; (i) dữ liệu giả danh (có thể khôi phục kết nối cá nhân); (iii) dữ liệu ẩn danh (không thể khôi phục kết nối cá nhân); (iv) dữ liệu phi cá nhân (dữ liệu cho sản phẩm và máy móc); (v) dữ liệu có sẵn công khai.

Đối với dữ liệu cá nhân, chúng ta thấy có mô hình lấy quyền riêng tư cá nhân làm trung tâm như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) được áp dụng trong EU, mô hình lấy nhà nước làm trung tâm như của Trung Quốc và mô hình lấy cộng đồng kinh doanh làm trung tâm như của Mỹ. Chính những khác biệt trong thứ tự ưu tiên về đối tượng tiếp cận và sử dụng dữ liệu cá nhân như vậy nên khi chạy đua thành các siêu cường AI, chúng ta thấy thường xuyên có những chỉ trích giữa các quốc gia về việc AI đã bị lạm dụng như thế nào.

Việc thiếu vắng các tiêu chuẩn toàn cầu không những gây ra những chỉ trích liên miên, mà các lệnh cấm đi kèm mang tính trả đũa qua lại giữa các nước phát triển AI chủ chốt sẽ khiến việc đầu tư ứng dụng công nghệ này ở một nước thứ ba trở nên bất trắc hơn bởi lo ngại về các trừng phạt liên đới.

Chẳng hạn, Mỹ thường xuyên quan ngại về việc Trung Quốc sử dụng AI như công cụ để kiểm soát công dân, hạn chế tự do cá nhân và xuất khẩu nền chuyên chế kỹ thuật ra bên ngoài.

Các kỹ thuật AI là công cụ hoàn hảo để tìm ra các mẫu trong lượng dữ liệu khổng lồ mà các nhà kiểm duyệt phải xử lý nếu muốn duy trì sự kiểm soát đối với công dân. Qua đó, họ có thể tạo ra một hệ thống “tín dụng xã hội” để chấm điểm mọi người và quyết định các vấn đề phúc lợi xã hội dựa trên điểm số đó. Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống chấm điểm công dân như vậy.

Các công ty và chính phủ phương Tây không phải là thiên thần khi nói đến việc thu thập dữ liệu và hoạt động gián điệp. Nhưng các công ty phương Tây ít nhất cũng tham gia vào một cuộc tranh luận cởi mở về quyền riêng tư dữ liệu, ý nghĩa đạo đức của việc sử dụng AI hay đường biên giới của chính phủ trong việc ứng dụng AI nhằm kiểm soát công dân.

  • Những tiêu chuẩn về đạo đức và an toàn

Tại Mỹ, những gã khổng lồ công nghệ của Thung lũng Silicon đã cam kết hợp tác để đảm bảo rằng mọi công cụ AI mà họ phát triển đều an toàn. Tất cả các nhà nghiên cứu AI hàng đầu ở phương Tây cũng đã ký một bức thư ngỏ từ năm 2015 kêu gọi cấm chế tạo vũ khí tự động.

Tháng 9-2021, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) ban hành “Quy định về đạo đức đối với AI thế hệ mới”. Các tiêu chuẩn trong văn bản này bao gồm các lĩnh vực như sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm soát và chịu trách nhiệm của con người đối với AI và chống độc quyền liên quan đến AI.

Cũng trong tháng đó, Cục Quản lý Không gian mạng (CAC) ban hành văn bản “Một số ý kiến chỉ đạo về tăng cường quản lý thuật toán tổng hợp của dịch vụ Internet”, tập trung vào việc tăng cường quản trị an ninh của các thuật toán dịch vụ thông tin Internet. Cuối tháng 10-2021, MOST đã ban hành hướng dẫn mang tên “Thông số đạo đức AI thế hệ mới”. Bản hướng dẫn này đưa ra các quy tắc nhấn mạnh quyền của người dùng và kiểm soát dữ liệu đồng thời phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh là kiềm chế các công ty công nghệ lớn.

Đến tháng 3-2022, MOST tiếp tục ban hành “Ý kiến về việc tăng cường quản trị đạo đức trong lĩnh vực khoa học công nghệ” nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đạo đức trong khoa học công nghệ, kiểm soát hiệu quả các rủi ro đạo đức và thúc đẩy lợi ích xã hội.

Nhưng ngoài Trung Quốc ra, cả EU và Mỹ đều chưa có các văn bản cấp độ quốc gia/liên minh về các quy định đạo đức đối với AI. EU đã ban hành một bản dự thảo sơ bộ về các quy tắc liên quan đến AI vào tháng 4-2021, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Đây là một lỗ hổng mà Trung Quốc có thể sử dụng để chỉ trích ngược lại về “tiêu chuẩn kép” của phương Tây trong phát triển AI.

  • Quản lý thuật toán

Văn bản “Một số ý kiến chỉ đạo về tăng cường quản lý thuật toán tổng hợp của dịch vụ Internet” mà CAC công bố vào tháng 9-2021 và bắt đầu có hiệu lực từ 3-2022 là văn bản sớm nhất được Trung Quốc sử dụng làm căn cứ để kiểm duyệt các thuật toán dùng cho AI.

Quy định về thuật toán của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào vai trò đề xuất trong việc phổ biến thông tin của các thuật toán, chính phủ nước này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ AI đảm bảo rằng họ không “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hoặc lợi ích xã hội” và “đưa ra lời giải thích” khi họ làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người dùng.

Đến tháng 8-2022, khi CAC đưa ra gói đăng ký thuật toán chi tiết đầu tiên, các nhà phân tích có cơ sở để đánh giá xem ưu tiên của Chính phủ Trung Quốc là gì. Thông qua hồ sơ bao gồm các thuật toán từ một số công ty nền tảng Internet lớn nhất của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và Bytedance, có thể thấy các hồ sơ này đã được trình bày ở mức mơ hồ và gần như không có chi tiết có ý nghĩa.

Ví dụ, hồ sơ cho tính năng “tìm kiếm nóng” của Weibo mô tả thuật toán là “mức độ phổ biến tìm kiếm, mức độ phổ biến thảo luận và mức độ phổ biến lan truyền” nhân với “hệ số tỷ lệ tương tác”. Đó có thể là một mô tả chính xác, nhưng nó cũng khó đến mức một người không có kiến thức về thuật toán cụ thể này có thể đoán được nó là gì. Nếu đây là toàn bộ thông tin được cung cấp cho các cơ quan quản lý Trung Quốc, sẽ có một vùng xám để họ quyết định cái gì là “tìm kiếm nóng” còn cái gì không phải theo tiêu chí riêng của họ.

Quy định song song trực tiếp nhất để so sánh với Trung Quốc là Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (DSA), một đạo luật yêu cầu tính minh bạch và kiểm toán cao hơn đối với các thuật toán đề xuất.

Một ví dụ tương tự khác để so sánh sự khác biệt giữa Trung Quốc với phương Tây là việc ứng dụng các báo cáo mô hình (model card - một tài liệu ngắn cung cấp thông tin chính về mô hình máy học) trong cộng đồng đạo đức AI. Báo cáo mô hình được giới thiệu lần đầu trong một bài báo của các nhà nghiên cứu tại Google và Đại học Toronto và được quảng cáo là “một bước tiến tới dân chủ hóa có trách nhiệm của máy học”.

Hầu hết các báo cáo mô hình cung cấp thông tin tổng quan đơn giản về dạng đầu vào lý tưởng của mô hình, trực quan hóa một số hạn chế tiềm ẩn và trình bày các chỉ số hiệu suất cơ bản để phản ánh các tác động trong thế giới thực. Tuy nhiên, trong khi báo cáo mô hình có xu hướng nhấn mạnh vào đánh giá hiệu suất, thì cơ quan đăng ký thuật toán của Trung Quốc nhấn mạnh vào đánh giá bảo mật.

Báo cáo mô hình giải quyết các mối lo ngại về sai lệch thuật toán bằng cách so sánh hiệu suất của mô hình khi được sử dụng giữa các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Nhưng cơ quan đăng ký thuật toán của Trung Quốc dành quyền đánh giá các hồ sơ này cho chính phủ nước này với tư cách là trọng tài cuối cùng. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng muốn kiểm duyệt những thuật toán có thể tạo ra.

Baidu, một trong những công ty đầu tiên tung ra mô hình chuyển văn bản thành hình ảnh (text-to-image) của Trung Quốc, đã lọc nội dung nhạy cảm về chính trị. Câu hỏi đặt ra là liệu việc kiểm duyệt nội dung có thể theo kịp khối lượng văn bản, âm thanh, hình ảnh và video khổng lồ được tạo ra từ các mô hình AI hay không.

Giải pháp nào để hợp tác với Trung Quốc cho các tiêu chuẩn AI?

Sau chưa đầy hai năm, đến năm 2020 Viện Công nghệ Massachusetts đã hủy bỏ quan hệ hợp tác dự kiến kéo dài năm năm với gã khổng lồ nhận dạng giọng nói iFlyTek của Trung Quốc do lo ngại về nhân quyền.

Đến năm 2020, những tham vọng lớn đối với phòng thí nghiệm AI của Google ở Bắc Kinh phần lớn đã tan thành mây khói và vào năm 2021, IBM đã đóng cửa một phòng thí nghiệm nghiên cứu đã hoạt động lâu năm ở Bắc Kinh. Mùa xuân năm 2022, Microsoft Research Asia ngừng nhận thực tập sinh từ các trường đại học Trung Quốc có quan hệ sâu sắc với quân đội.

Ở cấp độ vĩ mô, việc cùng đứng tên làm đồng tác giả các tài liệu nghiên cứu AI giữa các tổ chức của Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu đi xuống từ năm 2019. Tháng 9-2022, Mỹ đã cắt đứt dòng công nghệ tiên tiến đến Trung Quốc bằng cách chỉ thị cho Nvidia Corp và Advanced Micro Devices (AMD) ngừng gửi chip AI hàng đầu của họ.

Đến ngày 7-10-2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố chính sách kiểm soát xuất khẩu mới đối với AI sang Trung Quốc. Tất cả đều cho thấy một sự đứt gãy trong hợp tác giữa hai cường quốc AI hàng đầu hiện nay ngày càng hiện rõ.

Nhưng lo ngại lớn nhất là nếu sự đứt gãy kéo dài và ngày càng căng thẳng thì nó khiến việc đầu tư ứng dụng công nghệ này ở một nước thứ ba trở nên bất trắc hơn. Để phối hợp với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác có thể cần tập trung vào một số khía cạnh như:

  • Thiết kế thể chế hợp tác mang tính đa phương

Sự thiếu vắng các thể chế hợp tác AI một phần bắt nguồn từ việc đây là một công nghệ mới nổi, ngay như tiêu chuẩn báo cáo mô hình cũng mới chỉ ra đời từ năm 2019, nhưng hiện nay đã xuất hiện những cơ hội thuận lợi để kêu gọi sự tham gia của Trung Quốc, chẳng hạn như tận dụng khung khổ Diễn đàn Hợp tác về AI (The Forum for Cooperation on Artificial Intelligence - FCAI) hiện gồm bảy nước Úc, Canada, EU, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Anh với các chuyên gia từ các ngành công nghiệp, học viện để khám phá những điểm tương đồng và khác biệt trong chính sách quốc gia về AI, con đường hợp tác quốc tế, hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển AI và xây dựng các tiêu chuẩn AI.

Tuy nhiên, các thể chế hợp tác cần nhấn mạnh một số nguyên tắc nền tảng như bắt nguồn từ các giá trị chung, tôn trọng pháp quyền và công nhận các quyền cơ bản của con người

  • Thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu và phát triển chung về AI và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số

Theo một báo cáo của CSET, 68% số phòng thí nghiệm AI tập trung vào các hoạt động R&D toàn cầu của Amazon, Apple, Facebook, Google, IBM và Microsoft nằm ngoài Mỹ, chủ yếu nằm ở châu Âu, cũng như Israel và Trung Quốc (khoảng 10% tổng số phòng thí nghiệm AI ở mỗi nước). Ở chiều ngược lại, Baidu trong thập kỷ qua đã duy trì một tiền đồn đáng kể cho công ty ở Thung lũng Silicon, một phần là cách làm việc với những tài năng kỹ thuật hàng đầu có trụ sở tại Mỹ.

Những lo ngại về đạo đức, cạnh tranh và địa chính trị về Trung Quốc và sự phát triển của AI đã tăng lên trong những năm gần đây, những mối liên kết này đã được xem xét kỹ lưỡng hơn nhưng nó có thể được tiếp cận lại từ góc độ quản trị rủi ro hoặc thúc đẩy lại việc nghiên cứu và công bố chung cũng như công bố trên mã nguồn mở.

Các nhà nghiên cứu Mỹ là cộng tác viên hàng đầu của các đối tác nghiên cứu và công bố AI tại Úc, Canada, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. Đối với Mỹ và Singapore, Trung Quốc là đối tác hàng đầu khi các đồng tác giả người Trung Quốc đóng góp cho hơn một phần ba tổng số bài báo nghiên cứu về AI của Singapore và xuất hiện trên 15% tổng số ấn phẩm về AI của các đồng nghiệp Mỹ.

Từ năm 2010-2021, số lượng bài báo nghiên cứu về AI bao gồm một tác giả ở cả Trung Quốc và Mỹ đã tăng hơn gấp bốn lần, lên 9.458 bài vào năm 2021. Con số này gấp ba lần số lượng bài báo nghiên cứu từ các đồng tác giả Anh và Mỹ.

Đề xuất các sáng kiến để tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia trong thể chế (ví dụ FCAI) và đối tác thông qua các thỏa thuận cho phép, quy trình lưu trữ dữ liệu chung, đầu tư hợp tác vào các công nghệ nâng cao quyền riêng tư và bằng cách giải quyết các rào cản pháp lý và quy định.

Phát triển tài năng liên quan đến AI bằng cách phân tích các thách thức của thị trường lao động, hài hòa các yêu cầu về kỹ năng và chứng chỉ, đồng thời tăng cường trao đổi nhân tài, đào tạo chung và các sáng kiến phát triển lực lượng lao động kỹ thuật.

Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ công bố số liệu về tuyển sinh sinh viên quốc tế sau đại học cho thấy có 14.680 sinh viên khoa học máy tính (năm 2017) và 16.990 sinh viên khoa học máy tính (năm 2018) đến từ Trung Quốc.

Trong cả hai trường hợp, chỉ có Ấn Độ gửi nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính đến Mỹ hơn. Ở cấp độ tiến sĩ, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng tích lũy người nhận bằng tiến sĩ về khoa học máy tính Mỹ từ năm 2001-2020 với 6.408 người.

Một tín hiệu tốt lành cho hợp tác Mỹ - Trung là năm 2022, Bộ Tư pháp Mỹ đã chấm dứt “Sáng kiến Trung Quốc” - một chương trình nhằm trấn áp hoạt động gián điệp kinh tế và các hình thức chuyển giao công nghệ khác, đặc biệt là trong các trường đại học.

  • Thảo luận ngoại giao thường xuyên và cởi mở về ứng dụng AI trong quốc phòng

Những thảo luận về đạo đức AI không chỉ bó hẹp trong việc xây dựng tiêu chuẩn trong việc chống tin giả (fake news) hay chế tạo vũ khí tự động mà còn cần mở rộng ra cả lĩnh vực chiến tranh tương lai.

Ủy ban An ninh quốc gia về AI Mỹ đã khuyến nghị trong báo cáo cuối cùng vào tháng 3-2021 rằng Bộ Quốc phòng cần tham gia ngoại giao với quân đội Trung Quốc để “thảo luận về tác động của AI đối với sự ổn định của khủng hoảng”. Không chỉ người Mỹ đã viết về sự cần thiết của một cuộc đối thoại ngoại giao về chủ đề này.

Vào năm 2020, Zhou Bo, một đại tá cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đã viết một bài xã luận trên tờ New York Times, trong đó ông lập luận khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tiếp tục phát triển và thu hẹp khoảng cách với Mỹ, cả hai bên gần như chắc chắn sẽ cần đặt ra nhiều quy tắc hơn, không chỉ trong các lĩnh vực như chống cướp biển hoặc cứu trợ thiên tai mà còn liên quan đến khám phá không gian, không gian mạng và AI.

Thời báo hoàn cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài báo bằng tiếng Anh vào tháng 11-2021 với tiêu đề “Trung Quốc kêu gọi điều chỉnh việc sử dụng AI trong quân đội, lần đầu tiên trong lịch sử Liên hiệp quốc, thể hiện trách nhiệm toàn cầu”.

Rõ ràng Trung Quốc tin rằng những lời kêu gọi ngoại giao về AI quân sự là tốt cho danh tiếng toàn cầu của họ. Và đây là cơ hội để các nước khác cùng tham gia với Mỹ, Trung Quốc trao đổi về những thỏa thuận mang tính cam kết trong việc ứng dụng AI cho chiến tranh trong tương lai.

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới