Thứ Ba, 26/09/2023, 18:31
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Ai phải kê khai tài sản?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai phải kê khai tài sản?

Minh Đức

Ai phải kê khai tài sản?
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

(TBKTSG Online) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 26-10 nhận định, các cơ quan nhà nước chưa kiểm soát tốt được tài sản, thu nhập của người dân. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong dự án Luật phòng, chống tham nhũng là chưa phù hợp thực tiễn.

Kê khai tài sản chỉ là hình thức

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ngày 26-10 đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước quốc hội Tờ trình dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ông Tranh cho biết, hiện đang có hai luồng ý kiến về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 48).

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên (xem box).

Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo quy định hiện hành
a) Cán bộ từ Phó trưởng phòng của Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;

c) Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Những người có chức vụ, quyền hạn theo Khoản 3, Điều 1 Luật hiện hành

Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó).

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo Khoản 3, Điều 1 Luật hiện hành (xem box).

Quan điểm của Chính phủ cho rằng đối tượng kê khai theo loại ý kiến thứ hai là quá rộng, không có tính khả thi. “Qua tổng kết 5 năm triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất”, ông Tranh nhấn mạnh.

Chính phủ đề nghị trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, tránh tính hình thức. Vì vậy, Dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, trong báo cáo thẩm tra dự luật, cũng cho rằng, qua kết quả giám sát, khảo sát của UBTP cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Theo ông Hiện, ở Việt Nam, các cơ quan nhà nước chưa kiểm soát tốt được tài sản, thu nhập của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng.

Do đó, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải trên cơ sở và phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý, kiểm soát hiện nay của Nhà nước ta thì mới bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trên thực tế.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập như quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành.

Trách nhiệm người đứng đầu

Ông Hiện cho biết, qua thẩm tra Báo cáo phòng, chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ cũng như qua công tác giám sát, khảo sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại một số địa phương cho thấy, việc thực hiện các quy định về xử lý trách nhiệm đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm, cụ thể là quy định chưa rõ về khái niệm người đứng đầu. Ông Hiện dẫn chứng: "Khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng hay Bộ trưởng?". Tương tự như vậy ở địa phương khi có một hành vi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu là ai?.

Hơn nữa, ngay trong luật cũng có những quy định "triệt tiêu" nhau. Chẳng hạn, “người đứng đầu" phải phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan mình. Nhưng “thủ trưởng cơ quan quản lý có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng”.

Như vậy, trên thực tế, nếu thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan mình thì lại càng phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ cho rằng, những vấn đề như trên cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, quy định rõ và cụ thể hơn để góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập như hiện nay.

Thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị

Tờ trình của Chính phủ cho biết, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: “Ở Trung ương, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban”, vì vậy Dự thảo Luật đã không quy định về Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do Đảng quy định; đồng thời, công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng. Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bỏ các quy định về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với việc sửa đổi này của Chính phủ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới