Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ai quyết định dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nhà nước?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ai quyết định dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nhà nước?

Lan Nhi

(TBKTS Online) – Nhiều dự án đầu tư lớn của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc quyền quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) bị tắc trong suốt một năm qua đã có hướng phân quyền quyết định đầu tư. Theo đó, CMSC không giữ quyền quyết định đầu tư các dự án lớn của doanh nghiệp mà phân về nhiều “địa chỉ”.

Ai quyết định dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nhà nước?
Trong thời gian gần đây, nhiều dự án lớn của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… không thể triển khai vì không có cấp nào ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư để thực hiện dự án. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc đầu tư hàng loạt dự án lớn bị đình trệ

Cách đây gần một năm, hơn 10 tập đoàn, tổng công ty đã nộp hồ sơ cho CMSC – nơi chịu trách nhiệm đại diện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư, kinh doanh có mức vốn dưới 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều quy định của pháp luật như Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đều không có hoặc chưa cho phép mô hình CMSC ra các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Do đó, nhiều dự án lớn của Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… không thể triển khai vì không có cấp nào ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư để thực hiện dự án.

Đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã trình lên Chính phủ báo cáo nêu lên những thực trạng chồng chéo của các quy định pháp luật, sự thiếu vắng các quy định pháp luật cho mô hình hoạt động của CMSC trong các Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Sau đó, Bộ KH-ĐT đề xuất hàng loạt giải pháp để tìm lối ra cho các thủ tục pháp lý nhằm gỡ vướng cho các dự án lớn.

Địa chỉ phê duyệt các dự án ngàn tỉ đồng

Dựa trên đề xuất của Bộ KHĐT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 75/CP (ngày 21-5-2020) để xử lý hàng loạt những khó khăn này. Nghị quyết này cho phép các dự án đầu tư xây dựng nhóm A (dự án an ninh quốc phòng, dự án thủy lợi, dầu khí, có mức vốn từ 600 tỉ đồng trở lên…) doanh nghiệp được phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh nhưng lại thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trở lên như các dự án đường dây truyền tải điện của EVN, các dự án của VEC… thì Bộ KHĐT tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Trước đây, dự án dạng này (ví dụ như dự án đường ống cấp nước Sông Đà qua tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội thì nhà đầu tư xin ý kiến các địa phương rồi xin phê duyệt tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở – PV).

Riêng các dự án có giá trị lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu hoặc vượt mức vốn dự án nhóm B theo quy định Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty báo cáo CMSC xem xét, phê duyệt với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Còn Hội đồng thành viên doanh nghiệp ra quyết định đầu tư. Đối với các dự án có giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu và không quá mức vốn của dự án nhóm B (từ 30-600 tỉ đồng) thì hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty ra quyết định đầu tư theo quy định.

Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư công, Nghị quyết 75 xác định các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách. Như vậy, các dự án hạ tầng đường cao tốc của VEC, dự án xây mới nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất… sẽ do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Các dự án này hình thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với các dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, CMSC sẽ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo quy định.

Với văn bản mới này của Thủ tướng, các dự án đầu tư vốn hàng ngàn tỉ đồng của tập đoàn, tổng công ty đã biết được đường đi của nơi phê duyệt dự án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp vẫn phải sửa để định vị đúng pháp luật hơn mô hình của CMSC.

Mời xem thêm:

Sự rút lui của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước có giúp các dự án ngàn tỉ hết "tắc nghẽn"?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới