(KTSG Online)- Những tiếng kêu của nhiều hiệp hội doanh nghiệp về các quy định liên quan đến kit test của các địa phương và giá kit test “trên trời” bào mòn “sức khỏe” của doanh nghiệp đã được cất lên liên tục từ cuối tháng 7 đến tháng 9 nhưng hầu như các địa phương và các bộ ngành đều phản ứng rất yếu ớt hoặc bỏ mặc doanh nghiệp tự xoay xở với vấn nạn này.
Cuối tháng 7, UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) chủ trì họp với chủ đầu tư các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã về phòng dịch Covid 19. Tại địa bàn có hàng trăm doanh nghiệp của nhiều cụm/khu công nghiệp, lãnh đạo địa phương yêu cầu triển khai test nhanh 100% người lao động, đồng thời gửi danh sách đến Trung tâm y tế để ký hợp đồng.
Các doanh nghiệp phải ký hợp đồng với Trung tâm y tế với giá 238.000 đồng/test và doanh nghiệp tự chi trả chi phí. Với hàng trăm ngàn lao động ở địa bàn và mỗi doanh nghiệp phải chi trả hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi đợt test và test liên tục, doanh nghiệp vốn đã khốn khó vì không thể sản xuất, lại càng khốn khó hơn.
Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp tại Tân Uyên gửi văn bản này về cho Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng với lời nhắn: “Phải sử dụng dịch vụ độc quyền của Nhà nước với năng lực rất hạn chế, không khác gì ép doanh nghiệp tới cùng. Vì chúng tôi có thể tự mua các bộ kit test với giá rẻ hơn rất nhiều”.
Doanh nghiệp gửi cho phóng viên bảng báo giá kit test nhanh của Công ty TNHH EVD dược phẩm và y tế (Hoàng Mai, Hà Nội) được Bộ Y tế cấp phép, tại thời điểm 29-7, có giá 99.750 đồng/bộ kit (đã bao gồm thuế GTGT). Và nếu được phép mua bộ kit test đã được cấp phép, tự thực hiện xét nghiệm tại chỗ thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn được rất nhiều so với việc phải thực hiện test nhanh tại các cơ sở y tế do CDC các địa phương chỉ định và cấp phép. Việc thực hiện tại các cơ sở y tế này đã ngốn chi phí của doanh nghiệp đáng kể, có nơi giá mua kit test tự thực hiện và test tại các cơ sở y tế chênh nhau đến 2,5 lần. Đó là chưa kể tại các tuyến cơ sở nhiều nơi chưa đảm bảo điều kiện an toàn để thực hiện test tập trung đông người, gây rủi ro cho cá nhân và doanh nghiệp khi đi test.
Phân tích như trên không nhằm mục đích khẳng định sự trục lợi của địa phương cụ thể nào, ngoài những vụ việc công khai về “thổi giá” kit test PCR mà C03 (Bộ Công An) đã phát hiện tại CDC Hải Dương bắt tay với Công ty cổ phần Việt Á cuối tuần qua.
Song, vấn đề là không chỉ được phát hiện ở Hải Dương mà còn ở rất nhiều địa phương, suốt từ tháng 7 đến nay, việc doanh nghiệp kêu cứu về giá kit test và điều kiện xét nghiệm dường như không có lời đáp. Nó cũng không dừng ở các kit test PCR mà cứ động đến giá và điều kiện xét nghiệm là người dân và doanh nghiệp lao đao.
Các hiệp hội doanh nghiệp logistics, dệt may… đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Chính phủ từ thời điểm đó đề nghị cho phép doanh nghiệp tự thực hiện test nhanh để đảm bảo an toàn, lưu thông hàng hóa và tiết kiệm chi phí.
Trong văn bản hôm 31-7 mà Ban IV gửi Thủ tướng đã đề xuất cho phép doanh nghiệp thực hiện “selftest- tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” như Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp dụng để giúp xã hội tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ, thậm chí độc quyền tại nhiều địa bàn, đồng thời tránh rủi ro cho người đi xét nghiệm.
Qua rất nhiều cuộc họp, đề xuất này đến ngày 9-9 được Chính phủ chấp thuận và ghi rõ vào Nghị quyết 105 (9-9-2021) về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid 19. Nghị quyết này giao cho Bộ Y tế trong tháng 9 phải ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm và thực hiện việc tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm văn bản của Thủ tướng được ban hành đến hết tháng 9-2021, các doanh nghiệp và người dân vẫn phải chịu mức giá xét nghiệm test nhanh không quá 238.000 đồng/mẫu và test PCR là 734.000 đồng/mẫu như hướng dẫn của Bộ Y tế, mà không có sự thay thế nào khác.
Trong khi đó, đến tháng 9, đã có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, phân phối kit test các loại trên thị trường, với giá rất cạnh tranh. Nếu cạnh tranh về giá mua bán tại các cơ sở y tế được công khai, minh bạch, sẽ không có chuyện Việt Á được độc quyền phân phối ở CDC một số địa phương. Hoặc nếu cho phép doanh nghiệp tự thực hiện test bằng những bộ kit đã được cấp phép lưu hành trên thị trường thì mỗi doanh nghiệp đã đỡ được hàng trăm triệu đồng chi phí.
Quay trở lại câu chuyện thời sự nóng hổi là việc “lại quả” 30 tỉ đồng từ mua kit test tại CDC Hải Dương mà Bộ Công An đang điều tra, bắt tạm giam nhà cung cấp và quan chức y tế địa phương, dư luận lại có quyền đặt câu hỏi: Với hàng triệu kit test mỗi tháng tại các địa phương, từ kít test nhanh đến kít test PCR, doanh nghiệp và người dân đã bị quan chức và nhà phân phối gian lận, nhập nhằng mất bao nhiêu tiền?
Và ai sẽ “trả” lại cho người dân, doanh nghiệp những sự mất mát có giá trị hàng ngàn tỉ đồng đó, trong điều kiện chống dịch đã kiệt quệ cả thể chất và túi tiền.
Giả sử (nhưng never) có trả lại hết đi nữa cũng không thể khôi phục sự mất mát lòng tin quá lớn trong dư luận. Thật đáng buồn.
Bộ Y tế không thể vô can trong vụ này. Vì trên cổng thông tin điện tử của bộ treo giá test nhanh không quá 238 ngàn, PCR không quá 730 ngàn. Các cơ sở y tế cứ bám vào đó móc túi DN, người dân. Nếu ngay từ đầu, đấu thầu công khai, trên cơ sở tham khảo mặt bằng giá thế giới thì đâu có vụ án hôm nay. Hàng ngàn tỉ của DN và người dân bị chiếm đoạt trong lúc khó khăn do đại dịch.
Vấn đề không chỉ là tiền. Sau những vụ việc lùm xùm gần đây, thế giới sẽ nhìn chúng ta với một cặp mắt hoàn toàn khác. Một Việt Nam đáng mến và đáng khâm phục bây giờ sẽ ra sao ?
Theo Bộ Y tế, tất cả đều đúng quy trình và minh bạch. Bộ không làm gì sai, chỉ hướng dẫn mua kit Việt Á và thúc đẩy test càng nhiều càng tốt để chống dịch.