Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ai trả tiền cho thiệt hại do biến đổi khí hậu?

Anh Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Kể từ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc COP 26 ở Glasgow (Anh) đến COP 27 năm nay ở Sharm el-Sheikh (Ai Cập), số lượng thảm họa do khí hậu gây ra đã tăng vọt.

Từ lũ lụt ở Pakistan khiến 1.700 người thiệt mạng, 33 triệu người phải bỏ nhà cửa và thiệt hại hơn 10 tỉ đô la Mỹ, đến trận lụt ở Nigeria với 600 người chết và 1,3 triệu người phải tìm nơi ở mới. Hạn hán làm khô héo mùa màng ở châu Âu, đồng thời khiến hàng triệu người châu Phi đối mặt với nạn đói. Cá chết hàng loạt từ California đến châu Âu và Trung Quốc.

Ở Việt Nam, trước đây, người ta sợ sự tàn phá khủng khiếp nơi các tâm bão, nhưng nay thảm họa chính nằm trong các trận mưa xối xả sau mỗi trận bão, nghĩa là ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng dày đặc hơn, lan rộng hơn.

Các nhà khoa học ngạc nhiên về mức độ tàn phá nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nhưng Liên hiệp quốc cùng lãnh đạo các quốc gia và những nhà hoạch định chính sách thì đối mặt với vấn đề ai sẽ trả tiền cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Những cáo buộc đầy tính giận dữ hiện nay cho rằng các cuộc đàm phán COP hàng năm đã không tạo ra bất cứ thay đổi cần thiết nào, và biến đổi khí hậu thì tấn công một cách tàn nhẫn nơi các quốc gia dễ bị tổn thương nhất mà vốn là những nước ít tạo ra ô nhiễm nhất.

Các nước nghèo và nhiều quốc gia đang phát triển lấy gì để bù đắp cho những thiệt hại khổng lồ do biến đổi khí hậu chung toàn cầu gây ra, trong khi các nước đã công nghiệp hóa vẫn chưa sẵn sàng thực hiện các cam kết tài chính nhằm giữ cho nhiệt độ tăng thêm nơi bầu khí quyển duy trì ở mức trên dưới 1,5 độ Celcius.

Trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo toàn cầu tại COP 27, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói: “Chúng ta đang trên đường cao tốc đến địa ngục khí hậu, với chân vẫn đạp ga”.

Theo ông, vấn đề ở đây là thiếu động lực chính trị, đặc biệt là giữa các nước phát thải lớn, dẫn đến thiếu công cụ giảm phát thải cần thiết. Mà thiếu ý chí thì cũng có nghĩa là thiếu tiền mặt dành cho các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và để các quốc gia này nhận được bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ cuộc khủng hoảng mà họ ít gây ra.

Đó là những khoản tài chính cần thiết để bù đắp cho thiệt hại về người, mùa màng, nhà cửa, việc làm, thậm chí là việc các thành phố bị nhận chìm, và cả những thiệt hại về văn hóa, truyền thống.

Thế giới giàu ô nhiễm bao gồm Mỹ và EU, từ trước đến nay luôn cảnh giác với những gì có thể mở đầu cho những yêu sách và cáo buộc trách nhiệm pháp lý vô tận. Nhưng những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đã quá nghiêm trọng, các quốc gia đã cởi mở hơn trong việc thảo luận về nó.

Mặc dù quyết liệt phản đối cụm từ bồi thường (compensation, reparations), lần đầu tiên khái niệm về việc trả tiền cho các quốc gia vì những tổn thất và thiệt hại (irreversible losses and damages) không thể phục hồi do biến đổi khí hậu được chính thức đưa vào chương trình nghị sự với những cuộc đàm phán.

Các nước giàu, các nước đã công nghiệp hóa và các nước xả thải nhiều nhất đã bỏ lỡ lời hứa chuyển 100 tỉ đô la mỗi năm (kể từ năm 2020) cho các nước đang phát triển để giúp họ cắt giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, những tổn thất và thiệt hại nằm ngoài phạm vi thích ứng của con người. Mực nước biển dâng mỗi năm tàn phá các thành phố và muối biển đầu độc mặt đất phì nhiêu. Nó ảnh hưởng đến nông ngư nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Nhiều người đang mất kế sinh nhai. Một sự thật khó khăn là: các quốc gia giàu càng chậm cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm của họ thì thiệt hại về khí hậu càng tồi tệ hơn và những lời kêu gọi bồi thường sẽ ngày càng lớn hơn, kể cả từ chính công dân của họ.

COP 27 tìm cách hóa giải câu hỏi ám ảnh về bồi thường bằng việc chấp nhận khái niệm trả tiền cho các quốc gia bị tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Khái niệm mới này đang được ủng hộ mạnh mẽ, và ngay trong ngày khai mạc COP 27 (6-11-2022), nhiều quốc gia công nghiệp hóa đã nhanh chóng công bố các khoản tài trợ, trong đó có Đan Mạch, Scotland, Đức, Áo, Ireland, Bỉ, New Zealand; và Anh Quốc cũng sẽ cung cấp 109 triệu đô la Mỹ hỗ trợ nông dân Nigeria bị thiệt hại vì lũ lụt.

Các nước công nghiệp khác chắc chắn sẽ đưa ra các con số cam kết tài chính. Nhưng các quốc gia muốn thụ hưởng các quỹ tài trợ tổn thất và thiệt hại này cần phải xây dựng các dự án cụ thể, minh bạch, nhằm tránh hiện tượng tẩy rửa xanh (greenwashing) vào các dự án không nhắm đến tác động của biến đổi khí hậu.

THAM KHẢO:
*https://news.sky.com/story/cop27-agree-on-climate-action-or-face-a-collective-suicide-pact-un-chiefs-ultimatum-to-world-leaders-12741144
*https://www.reuters.com/business/cop/cop27-which-countries-have-offered-loss-damage-funds-2022-11-08/
*https://www.reuters.com/business/cop/un-experts-cop27-corporate-climate-pledges-rife-with-greenwashing-2022-11-08/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới