(KTSG Online) - Liệu có ngày nào đó chúng ta không thể phân biệt được giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và con người, hay tệ hơn, trở thành những phiên bản “robot sống” chỉ biết làm theo quy trình mà quên mất tình người ấm áp, những xúc cảm giản đơn mà sâu lắng?
- Hội nghị về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
- Trí tuệ nhân tạo: lằn ranh phân định tồn tại và đào thải
Từ khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện và len lỏi khắp mọi ngõ ngách cuộc sống, bỗng chúng ta nhận ra rằng câu hỏi “ai là ai” giờ đây, còn mang một lớp nghĩa mới: “AI là ai? hay ai là AI?”
Trong cái thế giới hiện đại, nơi mà AI đang chiếm lĩnh từ học hành, làm việc đến giải trí, con người bắt đầu cảm thấy bối rối với sự hiện diện của nó. Trí tuệ nhân tạo giờ đây làm được nhiều điều mà trước đây ta nghĩ chỉ có con người mới làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. Đến mức, không ít người tự hỏi, liệu ai mới là chủ cuộc chơi? Con người tạo ra AI, hay chính AI đang dẫn dắt con người đi theo con đường mà ta không ngờ tới?
Câu hỏi “ai là ai” giờ đây không chỉ đơn thuần hỏi về mối quan hệ giữa người với người. Nó còn là câu hỏi về mối quan hệ giữa con người và công nghệ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà ranh giới giữa con người và máy móc trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.
AI có thể viết văn, sáng tác nhạc, làm thơ, thậm chí dạy học thay thế thầy cô. Nhìn vào tất cả những điều đó, chúng ta chợt giật mình, liệu có ngày nào đó chúng ta không thể phân biệt được giữa AI và con người. Hay tệ hơn, có thể chúng ta trở thành những phiên bản “robot sống,” chỉ biết làm theo lệnh, học theo khuôn mẫu mà quên mất tình người ấm áp, những xúc cảm giản đơn mà sâu lắng?
Một trong những câu chuyện gần đây là việc AI bắt đầu tham gia vào giảng dạy trong các lớp học. Ở đâu đó, đã có những lớp học mà người thầy không còn đứng trên bục giảng, không còn truyền đạt kiến thức qua giọng nói dịu dàng, cũng chẳng còn nụ cười, ánh mắt nghiêm khắc hay cái nhìn đầy cảm thông dành cho học trò. Thay vào đó, là một hệ thống máy móc, thiết bị thông minh, có thể trả lời mọi câu hỏi, giải thích mọi khái niệm mà không mắc một lỗi nhỏ nào. Đối với một số người, điều đó thật tuyệt vời, nhưng chúng ta lại phải suy tư và lo lắng.
Nếu AI có thể dạy học giỏi đến thế, thì liệu chúng ta còn cần thầy cô nữa không? Trong lớp học ấy, chỉ có bọn trẻ và một hệ thống công nghệ, không có tiếng cười, không có những lời động viên từ thầy cô khi chúng gặp khó khăn. Điều chúng ta sợ nhất là khi không còn thầy cô – những người không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn trao gửi sự dạy dỗ từ trái tim đến trái tim. Người thầy không chỉ truyền đạt bài học, mà còn là lòng nhân ái, sự cảm thông.
Có AI dạy, bọn trẻ có thể thông minh hơn, nhưng liệu chúng có trở thành những cỗ máy không hồn, chỉ biết làm đúng theo quy trình, mà quên mất giá trị của sai lầm, của thất bại để trưởng thành? Những lớp học chỉ có màn hình và công nghệ có thể dễ dàng biến chúng thành những "robot sống", biết suy nghĩ mà không biết cảm nhận.
Những ngày gần đây, chúng ta thường nghe nói AI đã có khả năng sáng tác văn chương, thơ ca… Nó có thể mô phỏng những xúc cảm, cảm hứng mà người ta thường nghĩ chỉ có con người mới có. Vậy mà giờ đây, dường như chính chúng ta cũng bị AI cạnh tranh trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Liệu một ngày nào đó, những câu chuyện mà thế hệ đi trước kể lại, những bài thơ mà chúng ta yêu quý từ thuở bé, sẽ bị thay thế bằng những dòng chữ vô cảm, dù cho chúng có hoàn hảo đến mức nào?
Và chúng ta lại tự hỏi, “AI là ai?” và “ai là AI?” Một câu hỏi tưởng như chơi chữ, nhưng lại gợi ra nhiều suy nghĩ hơn thế. AI là công cụ mà chúng ta tạo ra, nhưng giờ đây nó đã bắt đầu định hình cuộc sống của chúng ta theo cách mà có lẽ không ai ngờ tới. Trong khi chúng ta đang sử dụng AI để phát triển và tiến bộ, thì AI cũng đang học từ chúng ta, dần dần hoàn thiện chính nó. Nhưng liệu có lúc nào nó vượt mặt chúng ta và trở thành người quyết định? Chúng ta liệu có bị cuốn vào thế giới công nghệ, mà quên mất cái gốc nhân văn của con người?
Nhìn sâu vào mối quan hệ giữa con người và AI, chúng ta có thể nhận ra rằng sự khác biệt lớn nhất vẫn nằm ở cảm xúc và nhân tính. AI có thể học và làm mọi thứ, nhưng nó không có cảm xúc. Nó không biết yêu thương, không biết trăn trở trước những điều giản dị nhưng sâu sắc của cuộc đời. Và có lẽ, câu hỏi “ai là ai?” sẽ mãi mãi là câu hỏi của con người, vì chỉ có con người mới thực sự cần hỏi và trả lời cho những điều nằm ngoài tầm với của máy móc.
Thế rồi, chúng ta nghĩ về tương lai, về một thế giới nơi công nghệ có thể thay đổi tất cả. Nhưng chúng ta vẫn mong rằng, dù cuộc sống có tiến bộ đến đâu, con người vẫn giữ được phần “người” trong chính mình. Giữ lấy tình yêu, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm mà không một cỗ máy nào có thể thay thế. Bởi rốt cuộc, AI có thể làm được nhiều thứ, nhưng câu hỏi cuối cùng vẫn là "ai sẽ làm chủ cuộc chơi này?". Tôi tin rằng vẫn là chúng ta, những con người biết thương yêu và thấu hiểu.
Nhiều quốc gia đã chính thức cấm học sinh dùng điện thoại thông minh trong giờ học, kể cả giờ ra chơi. Tới đây, chính phủ Úc sẽ ban hành dự luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi tiếp cận với mạng xã hội. Thiên hạ đã bắt đầu nhìn ra những tác hại khôn lường từ thế giới ảo/ thế giới mạng. AI, là một hình thái đỉnh cao khác của thế giới mạng, liệu có cần nằm trong danh mục cấm hay không ? Tôi nghĩ chắc phải có, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Tôi thấy ko phải AI nào cũng ổn. Như Gemini của google chẳng hạn, cho dù nó có thể làm được những điều ko tưởng nhưng nó là do CON NGƯỜI tạo ra, ko thể ko có lỗi nào. Với tôi, AI nó chỉ là một thứ công cụ mà thôi, không thể thay thế con người trong những việc dạy học hay sáng tác nhạc v.v, vì nó có biết cảm xúc là gì đâu. Thế mà có những người coi AI như cả cuộc sống của mình, để rồi đánh mất những thứ và người quan trọng trong cuộc đời mình.
Nhiều nhân vật/ nhiều công ty/ đại công ty… không hiểu vì lý do gì, cố tình hay hữu ý, đang quảng bá quá đà, quá sức cho cuộc chơi AI. Cổ phiếu lĩnh vực này đang lên xuống phập phồng, khiến thiên hạ bắt đầu suy nghĩ về “bong bóng dot.com” từ thập niên những năm 90s. Mọi người hãy tỉnh táo xem chừng, có ai đó đang đứng sau hậu trường để đạo diễn trào lưu này ? Công nghệ để phục vụ cuộc sống, chứ không phải để điều khiển cuộc sống của chúng ta. Nếu quên đi điều này, nhân loại sẽ phải trả giá rất lớn.
Tôi thì không ngại AI nhưng chỉ sợ con người dẫn sẽ bị vô cảm, lạnh lùng, như AI. Cảm ơn tác giả đã làm tôi tĩnh thức!!