(KTSG) - Những ngày gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện cơn sốt tạo ảnh cá nhân nhưng lại mang đậm phong cách của những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như “Vùng đất linh hồn” (Spirited Away) hay “Hàng xóm của tôi là Totoro” (My Neighbor Totoro). Tác giả của những hình ảnh này không ai khác chính là... ChatGPT...
- Từ sách giả, đến vai trò của luật về bản quyền
- Bối rối giữa quyền tiếp cận thông tin của cổ đông và nhu cầu bảo mật của công ty
Người dùng chương trình trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) này chỉ việc tải ảnh của mình lên và ra lệnh cho chatbot chuyển nó sang hình ảnh mang phong cách Studio Ghibli là có được những bức ảnh đẹp, như được nghệ sĩ Hayao Miyazaki tận tay vẽ ra. Với ChatGPT, phong cách đặc trưng của Studio Ghibli sẽ không còn là đặc trưng nữa, khi ai cũng có thể dễ dàng tạo ra những hình ảnh phong cách tương tự, chỉ với một cú nhấp chuột đơn giản.
Nhiều mô hình AI tạo sinh đang ngày càng được cải thiện để dễ dàng “bắt chước” những phong cách nghệ thuật đã tồn tại để tạo ra các hình ảnh mới một cách vô cùng nhanh chóng và hiệu quả. Giới nghệ sĩ sáng tạo lo lắng trước hiện tượng này, vì AI rõ ràng đang tạo ra một mối đe dọa với sáng tạo cá nhân, khi các “tác phẩm” AI vừa có thể cạnh tranh với các nghệ sĩ trên thị trường nghệ thuật, vừa đặt ra nguy cơ giảm sút giá trị sáng tạo cá nhân.
Từ hai năm trở lại đây, các vụ tranh chấp liên quan tới sáng tạo của AI ngày càng nhiều, đặc biệt ở những quốc gia phát triển công nghệ và có ngành công nghiệp giải trí khổng lồ, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Đức... Đầu năm 2025, 12 đơn kiện OpenAI và Microsoft vì vi phạm quyền tác giả, từ các tác giả nổi tiếng như John Grisham và George R.R. Martin hay từ tờ báo The New York Times đã được tập hợp lại để xét xử trước Tòa án New York (Mỹ). Ở Pháp, vào tháng 3 năm nay, nhiều tổ chức đại diện cho các tác giả, nghệ sĩ đã đệ đơn kiện Công ty Meta trước Tòa án Paris, yêu cầu Meta đền bù thiệt hại cho việc sử dụng các tác phẩm bảo hộ mà không xin phép, cũng như Meta phải dừng việc sử dụng tác phẩm nói trên để đào tạo AI.
Về phía các công ty chủ sở hữu các chương trình AI tạo sinh, không ngạc nhiên gì khi các ông lớn công nghệ này đang tích cực vận động hành lang để xây dựng một khuôn khổ pháp lý mềm dẻo, có lợi cho việc phát triển AI, như thúc đẩy việc công nhận ngoại lệ sử dụng hợp lý (fair use) để có thể sử dụng tác phẩm bảo hộ một cách tự do nhằm đào tạo AI. Xu hướng đặt nhu cầu phát triển công nghệ lên trên lợi ích tác giả và lợi ích công chúng hiện đang xuất hiện trong dự thảo luật của nhiều quốc gia và vấp phải sự phản đối của cộng đồng nghệ sĩ sáng tạo.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đã ra luật về AI nhấn mạnh nghĩa vụ minh bạch áp dụng đối với các công ty công nghệ trong việc sử dụng tác phẩm bảo hộ. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, việc sử dụng này vẫn còn là một “vùng vô luật” trong luật, vì các quốc gia chưa thông qua quy định pháp lý cụ thể để áp dụng trong trường hợp này.
Ngược lại, có thể nhận ra một xu hướng khác đang dần trở nên rõ nét ở nhiều quốc gia, đó là việc sản phẩm do AI tạo sinh tạo ra không được công nhận là tác phẩm được luật bản quyền bảo hộ, trừ trường hợp tác phẩm đó có sự can thiệp đáng kể từ tác giả con người. Gần đây, hai quyết định của tòa án ở hai quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới góp phần khẳng định xu hướng này.
Ngày 18-3-2025, trong vụ kiện Thaler/Perlmutter, Tòa án thành phố Columbia ở Mỹ đã khẳng định lại quyết định của Cục Bản quyền Mỹ bác bỏ đơn đăng ký bảo hộ tác phẩm do AI tạo sinh tạo ra. Đứng đơn kiện là ông Stephen Thaler - người đã tạo ra chương trình AI tạo sinh mang tên Creativity Machine. Chương trình AI này tạo ra hình ảnh được đặt tên là “A recent Entrance to Paradise” (tạm dịch: “Lối vào thiên đường”) và được ông Thaler đăng ký bản quyền tại cục Bản quyền Mỹ với tên tác giả là “Creativity Machine” và tên ông ở vị trí “chủ sở hữu”. Cục Bản quyền Mỹ đã từ chối đơn đăng ký bảo hộ, với lý do rằng AI không thể được coi là “tác giả” của tác phẩm được bảo hộ. Không đồng ý với quyết định này của Cục Bản quyền, ông Thaler đã khởi kiện lên Tòa án thành phố Columbia.
Theo ông, hình ảnh nói trên là một tác phẩm “work-made-for-hire” (tác phẩm thực hiện theo đơn đặt hàng) và quyền tác giả được chuyển nhượng sang cho ông với tư cách là “chủ sở hữu” của chương trình AI tạo sinh Creativity Machine. Tuy nhiên, không ngạc nhiên gì khi Tòa án thành phố Columbia đã bác bỏ đơn kiện của ông và khẳng định lại quyết định của Cục Bản quyền. Theo tòa án, ông Thaler không thể khởi kiện quyết định của Cục Bản quyền vì hình ảnh “A recent Entrance to Paradise” không phải là tác phẩm được bảo hộ, và vì thế chương trình AI tạo sinh không có quyền tác giả nào cả để có thể chuyển nhượng qua cho ông Thaler.
Điều thú vị trong quyết định nói trên của Tòa án thành phố Columbia là các thẩm phán đã đưa ra một lập luận khá đặc biệt để loại trừ khả năng đăng ký bảo hộ cho các tác phẩm do AI tạo sinh tạo ra. Theo các thẩm phán này, luật về quyền tác giả dựa trên nguyên tắc bảo hộ lợi ích công chúng chứ không phải là lợi ích của tác giả. Chính vì thế, luật quy định rằng tác giả phải là con người, chứ không phải là một... bộ máy.
Ở Trung Quốc, một quyết định tương tự cũng được Tòa án thành phố Tô Châu đưa ra vào ngày 18-4-2025. Theo tòa án này, thiết kế mang tên “Phantom Wing Transparent Art Chair” (tạm dịch: “Ghế nghệ thuật hình đôi cánh trong suốt”) là do AI tạo sinh Midjourney tạo ra nhờ vào lệnh prompt (yêu cầu) của nghệ sĩ người Trung Quốc Feng Moumou. Vì AI không được coi là tác giả theo luật bản quyền Trung Quốc, nên việc Công ty Dongshan sử dụng thiết kế nói trên để sản xuất và khai thác thương mại sản phẩm ghế không thể được coi là hành vi vi phạm quyền tác giả của Feng Moumou.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trước đó, vào năm 2024, một tòa án khác của Trung Quốc, Tòa án tỉnh Giang Tô, đã công nhận hình ảnh do AI tạo ra là “tác phẩm nghệ thuật” được bảo vệ theo luật bản quyền của Trung Quốc, nhưng trên cơ sở có tồn tại “đầu tư trí tuệ” của nhà sáng tạo con người trong việc lựa chọn prompt, thiết lập các thông số, thiết kế cách trình bày... khi sử dụng phần mềm AI Stable Diffusion.
Nhìn chung, có thể nói khuynh hướng hiện nay của các quốc gia là không bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm do AI tạo ra, trừ trường hợp tác giả con người có đóng góp đáng kể trong việc tạo ra tác phẩm đó. Đây có thể nói là giải pháp mềm dẻo và phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Theo khuynh hướng này thì “gánh nặng” sẽ đặt trên vai các thẩm phán - người sẽ phải quyết định ở mức độ nào thì tác phẩm được coi là kết quả của sự hợp tác giữa AI và tác giả con người.