Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

AirAsia ra mắt siêu ứng dụng để chống chọi khủng hoảng Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

AirAsia ra mắt siêu ứng dụng để chống chọi khủng hoảng Covid

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Tập đoàn hàng không AirAsia (Malaysia) chuẩn bị ra mắt một siêu ứng dụng để cung cấp các dịch vụ như thương mại điện tử, giao đồ ăn, hàng hóa và thanh toán di động cho khách hàng nhằm bù đắp phần nào tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với mảng kinh doanh hàng không của tập đoàn này.

AirAsia ra mắt siêu ứng dụng để chống chọi khủng hoảng Covid
Giám đốc điều hành AirAsia Group, Tony Fernandes, giới thiệu nền tảng siêu ứng dụng AirAsia Digital tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 24-9. Ảnh: Malay Mail

Siêu ứng dụng phục vụ khách hàng ở Đông Nam Á

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia hôm 24-9, Giám đốc điều hành AirAsia Group, Tony Fernandes, cho biết "siêu ứng dụng" này là một nền tảng số hóa được quản lý bởi một công ty con, có tên gọi AirAsia Digital. Nền tảng này sẽ kết hợp tất cả tài sản số hóa hiện nay của AirAsia, từ thanh toán di động, giao đồ ăn, mua sắm trực tuyến cho đến đặt phòng khách sạn, vé máy bay... vào một điểm đến.

Nền tảng siêu ứng dụng của AirAsia sẽ chính thức được triển khai ở các nước Đông Nam Á bắt đầu từ ngày 8-10 thông qua trang web AirAsia.com và một ứng dụng di động của AirAsia.
Ông Tony Fernandes nói: “Trong vài năm nữa, mọi người sẽ biết rằng chúng tôi không chỉ bán vé máy bay”.

AirAsia đặt mục tiêu xây dựng một siêu ứng dụng từ năm 2018 nhưng kế hoạch này giờ đây tăng tốc do tình hình đại dịch Covid-19 và siêu ứng dụng này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn thu mới cho AirAsia sau khi mảng hàng không của tập đoàn này bị tác động nặng nề do tác động của dịch bệnh.
Ông nói: “Chúng tôi không muốn chỉ có một nguồn thu nhập từ hàng không và các bạn cũng thấy ràng các công ty số hóa được hưởng lợi từ đại dịch Covid-19 trong khi đó, các hãng hàng không như chúng tôi chịu tổn thương nghiêm trọng”.

Trong quí 2 năm nay, AirAsia lỗ 238 triệu đô la Mỹ khi các nước vẫn đóng cửa biên giới khiến hầu hết máy bay của AirAsia nằm đất trong nhiều tháng. Hồi tháng 4, các nhà sáng lập của AirAsia cho biết sẽ không nhận lương trong thời kỳ dịch bệnh và các nhân viên chấp nhận giảm lương từ 15-75%. Hồi tháng 6, AirAsia cho biết sẽ sa thải 30% nhân sự.

Chủ tịch AirAsia, Kamarudin Meranun, cho biết siêu ứng dụng sẽ không bù đắp nổi tổn thất doanh thu ở mảng hàng không của AirAsia nhưng sẽ cung cấp một vùng đệm đủ để cho AirAsia tiếp tục tồn tại. 

Ngoài đặt phòng khách sạn và vé máy bay, kể cả từ các hãng hàng không khác, các tính năng khác trong siêu ứng dụng của AirAsia còn bao gồm dịch vụ thanh toán di động BigPay, dịch vụ logistics, giao hàng và thương mại điện tử Teleport, dịch vụ giao đồ ăn từ chuỗi nhà hàng nhượng quyền Santan, dịch vụ bảo hiểm du lịch TuneProtect, chương trình điểm thưởng dành cho khách hàng thân thiết Big Loyalty... Thực ra, tất cả các dịch vụ này đã có từ trước đó nhưng đa phần hoạt động độc lập dưới sự quản lý của nhiều công ty con khác nhau.

Ông Tony Fernandes nói siêu ứng dụng của AirAsia sẵn sàng tiếp nhận các dịch vụ mới từ các đối tác bên ngoài. Trong tương lai, trang web và ứng dụng di động của AirAsia sẽ bao gồm cả các dịch vụ y tế và các sản phẩm tài chính.
Về mảng kinh doanh cốt lõi hàng không, ông cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng AirAsia chắc chắn sẽ phục hồi. Chúng tôi chỉ chờ các biên giới được mở cửa. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ diễn ra sớm”.

Hướng đi đúng đắn

Giới phân tích đánh giá rằng động thái tập hợp các tài sản số hóa vào nền tảng AirAsia Digital là một hướng đi đúng đắn của AirAsia nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập, thay vì chỉ dựa vào mảng kinh doanh hàng không truyền thống trong một môi trường đầy thách thức.

Trong một báo cáo gửi cho khách hàng, các nhà nghiên cứu ở Công ty MIDF Investment (Malaysia), nhận định: “Động thái này khẳng định quyết tâm của ban lãnh đạo AirAsia trong việc đa dạng hóa các nguồn thu nhập cốt lõi trong khi vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh và kiến thức chuyên môn trong mảng du lịch”.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng mảng kinh doanh dịch vụ số hóa của AirAsia sẽ mất nhiều năm mới có kết quả.
Michael Araneta, Trợ lý Phó chủ tịch của Công ty IDC Financial Insights, nhận định các công ty như AirAsia có thể thành công với siêu ứng dụng bằng cách tận dụng nền tảnh khách hàng hiện tại và các nguồn tài nguyên công nghệ có sẵn.

Ông Michael Araneta nói: “AirAsia đã phát triển dịch vụ đời sống bấy lâu nay và đã chi tiêu đáng kể để phát triển công nghệ. Công ty này có thể không phải đầu tư thêm nhiều để đưa các dịch vụ số hóa của họ vào một siêu ứng dụng”.
Ông cho rằng người dùng siêu ứng dụng của AirAsia sẽ được hưởng lợi nhờ sử dụng điểm thưởng từ chương trình khách hàng thân thiết để được giảm giá vé máy bay và các dịch vụ khác. Một siêu ứng dụng sẽ thành công nếu tận dụng lợi thế từ lượng dữ liệu khổng lồ theo thời gian thực và các đối tác để cung cấp các lợi ích cho khách hàng.

Song mảng kinh doanh mới cùa AirAsia sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hai siêu ứng dụng Grab và Gojek, vốn đã chi tiêu nhiều tỉ đô la để mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á. Hai công ty này cũng đang đàm phán sáp nhập, mà nếu thành công, sẽ tạo ra một sự độc quyền ở mảng gọi xe và giao đồ ăn tại khu vực này.

Grab đang được định giá 14 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó, mức định giá của Gojek là gần 10 tỉ đô la. AirAsia, đang niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Malaysia, chỉ có mức vốn hóa thị trường 624 triệu đô la.
Tony Fernandes thừa nhận: “Chúng tôi còn lâu mới bằng được như Grab hay Gojek nhưng AirAsia không có ý định thống lĩnh thị trường của một nước mà cung cấp một sản phẩm cho cả ASEAN”.

AirAsia hy vọng tạo ra sự khác biệt bằng cách tận dụng dữ liệu mà tập đoàn này thu được từ hàng triệu hành khách và nhấn mạnh sức hấp dẫn của các dịch vụ xuyên biên giới mà tập đoàn này đang cung cấp cho các du khách khắp Asean.
Fernandes cho biết mục đích của AirAsia là cung cấp một siêu ứng dụng phục vụ khách hàng ở khu vự Đông Nam Á nhằm bổ sung cho các dịch vụ của Grab và Go-Jek hơn là trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hai công ty này.

Theo Malay Mail, Bangkok Post, Borneo Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới