Tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới Airbus đã tái khẳng định cam kết hiện diện tại Việt Nam sau khi đã có mặt tại đây 30 năm, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với lĩnh vực hàng không.
Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của Airbus Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn là thị trường trọng điểm của Airbus trong các lĩnh vực máy bay thương mại, quốc phòng, hàng không vũ trụ và máy bay trực thăng.
Máy bay thương mại Airbus hiện là trụ cột trong đội tàu bay của các hãng hàng không trong nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Hiện các hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác 216 tàu bay Airbus và còn 95 tàu đang chờ giao.
Đến nay, Airbus đã bán hơn 250 máy bay chở khách cho các hãng hàng không và các công ty cho thuê tại Việt Nam. Khách hàng của hãng gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet và Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã đặt mua dòng máy bay một lối đi A320 bán chạy nhất thế giới, máy bay thân rộng A330 được ưa chuộng về sự linh hoạt và máy bay A350 XWB tầm xa mới.
Dòng máy bay A320 là trụ cột trong đội tàu bay một lối đi tại Việt Nam và đang được Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietjet, Vietnam Airlines, và Vietravel Airlines khai thác. Trong khi đó, các máy bay thân rộng A330 và A350 đã giúp nâng cao vị thế và sự hiện diện của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế.
Điều này được thể hiện qua việc Vietnam Airlines mới đây đã thực hiện thành công chuyến bay thẳng kết nối TP.HCM và San Francisco bằng máy bay A350-900. Bên cạnh đó Vietjet cũng lựa chọn 3 máy bay A330-300 cho đội bay thân rộng mới khi hãng mở thêm các đường bay quốc tế mới.
Airbus cho biết đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam, nơi ngày càng có nhiều công ty công nghiệp hàng không trong nước cung cấp linh kiện cho các máy bay thương mại dòng A320, A330 và A350.
Bà Hoàng Tri Mai dẫn chứng một số dự án hợp tác lâu dài của Airbus bao gồm Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP.HCM là nhà cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350. Cũng như Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
Bà Tri Mai cũng đề cập đến thỏa thuận vừa được ký kết vào tháng 11 giữa Airbus và công ty công nghệ thông tin FPT Software có tên là Skywise App Editor Partnership. Theo thỏa thuận, FPT Software sẽ triển khai các giải pháp mới trên nền tảng dữ liệu hàng không mở Skywise của Airbus nhằm đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực hàng không.
Hiện nay, các chương trình hợp tác công nghiệp của Airbus tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động có tay nghề cao tại Việt Nam thông qua các đối tác trong nước. Con số này đã tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm qua, đưa Việt Nam trở thành đối tác công nghiệp quan trọng của Airbus ở Đông Nam Á.
Bà Tri Mai nói: “ Airbus nhận thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển quan hệ đối tác tại Việt Nam cũng như trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không trong nước phát triển. Airbus đang tích cực nghiên cứu khả năng giao thêm các gói công việc cho các công ty trong nước thực hiện.”
Airbus gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực máy bay trực thăng, quốc phòng và hàng không vũ trụ tại Việt Nam
Trong lĩnh vực máy bay trực thăng, VNH South, một trong những công ty cung cấp dịch vụ trực thăng hàng đầu ở Đông Nam Á, hiện đang khai thác đội bay bao gồm các trực thăng AS332 L2, H155 và H225. Hiện nay có hơn 10 máy bay trực thăng của Airbus đang được khai thác tại Việt Nam, chủ yếu phục vụ ngành dầu khí và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Trong khi đó, trong lĩnh vực vận tải quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang khai thác 3 máy bay cánh quạt hạng nhẹ NC212i phục vụ hoạt động vận chuyển và cứu trợ y tế. Đội tàu bay này bổ sung cho đội 3 chiếc Airbus C295 hạng trung phục vụ hoạt động vận tải cùa lực lượng không quân. Cảnh sát biển Việt Nam cũng đang khai thác máy bay C212-400 phục vụ hoạt động tuần tra, giám sát bờ biển và các nhiệm vụ thực thi pháp luật khác.
Airbus đã phát triển, sản xuất và phóng lên quỹ đạo VNREDSat-1, vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam. VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo vào tháng 5-2013, đánh dấu việc Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ. Hệ thống vệ tinh cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và theo dõi tình hình thiên tai.
Bà Tri Mai cho biết, Airbus cũng sẽ tham gia sâu rộng hơn trong các dự án thuộc lĩnh vực không gian tại Việt Nam. Tháng trước, Airbus cùng với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) đã ký Ý định thư về việc hợp tác triển khai vệ tinh Quan sát Trái Đất. Trong khuôn khổ chương trình VNREDSat-2, Airbus sẽ làm việc với VAST để xác định giải pháp cho hệ thống Quan sát Trái Đất của Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả việc chuyển giao chương trình công nghệ.
Bà Tri Mai cũng nhấn mạnh cam kết của Airbus trong việc hỗ trợ các nghiên cứu hàng không tại Việt Nam.
“Airbus tự hào được hợp tác với các học viện hàng không của Pháp để thành lập Khoa kỹ thuật Hàng không tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Khoa này hiện đang đào tạo để cấp bằng cử nhân khoa học trong hoạt động bảo trì và kỹ thuật hàng không và bằng thạc sĩ khoa học trong vận hành vận tải hàng không quốc tế. Airbus đang mong chờ buổi lễ tốt nghiệp đầu tiên diễn ra vào đầu năm sau,” bà Mai nói.
Vẫn theo nữ Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam, Airbus được xây dựng dựa trên sự hợp tác quốc tế. Đó là một phần trong DNA của Airbus nên mong muốn Việt Nam là một phần của câu chuyện đó. Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp hàng không. Airbus sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác tại Việt Nam trong những năm tới.
Hoạt động 30 năm của Airbus tại Việt Nam
Ông Jean-Michel Caldagues, nguyên Tổng Giám đốc Airbus Việt Nam là một trong những người góp phần vào kết quả của mối quan hệ giữa Airbus với Việt Nam. Ông Jean-Michel Caldagues cho biết, mối quan hệ giữa Airbus với Việt Nam bắt đầu hơn 30 năm trước, khi máy bay trực thăng Puma đầu tiên được đưa vào khai thác vào năm 1986. Năm 1991, máy bay thân rộng A310 là máy bay thương mại Airbus đầu tiên được đưa vào khai thác tại Việt Nam. Kể từ đó, Việt Nam đã trở thành khách hàng quan trọng của Airbus đối với dòng sản phẩm máy bay chở khách, quân sự, máy bay trực thăng và thiết bị không gian.
Hãng sản xuất máy bay châu Âu này đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam, khi ngày càng có nhiều các công ty hàng không trong nước cung cấp các linh kiện cho các máy bay thương mại Airbus gồm dòng máy bay A320, A330, A350 XWB và A380. Airbus đồng thời cung cấp các dịch vụ đào tạo bay và bảo trì tại Việt Nam, hợp tác với các cơ quan chính phủ để nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát không lưu trong nước, đồng thời hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật để phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam.
Airbus đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1991 với đội bay A310 mà Vietnam Airlines thuê lại từ công ty Regionair, có trụ sở tại Singapore. Cuối năm 1993, Vietnam Airlines nhận chiếc A320 đầu tiên trong số 7 chiếc (lắp đặt 150 ghế) mà hãng đã ký với Air France theo hợp đồng thuê máy bay cùng với tổ lái.
Hoạt động khai thác máy bay A320 đầu tiên đem đến cho Vietnam Airlines cơ hội trải nghiệm thực tế độ tin cậy của đội bay này, sự ưa chuộng của hành khách và lợi ích kinh tế mà đội bay một lối đi hiện đại nhất thế giới mang lại. Đội bay này đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá việc mua máy bay tiếp theo của hãng hàng không. Và cuối cùng dẫn đến quyết định chọn A320 là đội bay tiên phong phục vụ các đường bay trong khu vực của hãng hàng không này.
Chiếc máy bay A320 mới đầu tiên của Vietnam Airlines được bàn giao vào tháng 7-1996 theo hợp đồng cho thuê. Sau đó Vietnam Airlines đã đặt đơn đặt hàng trực tiếp đầu tiên với Airbus mua 5 chiếc Airbus A321 vào tháng 10-2002 và sau đó đặt mua thêm 10 chiếc A321 vào tháng 12-2004.
Tháng 12-2007 đánh dấu một bước ngoặt mới của Airbus tại Việt Nam khi Vietnam Airlines ký hợp đồng mua 10 chiếc máy bay thân rộng A350 XWB mới và 10 chiếc A321. Đồng thời, Công ty cổ phần cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) cũng công bố đặt mua 10 chiếc A321 cho Vietnam Airlines thuê lại.
Đội bay của Vietnam Airlines hiện tại gồm 84 máy bay Airbus mà hãng sở hữu hoặc thuê lại, bao gồm 50 chiếc A321ceo, 20 chiếc A321neo, và 14 chiếc A350-900
Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines (trước đây là Jetstar Pacific), liên doanh giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas của Australia, trở thành nhà khai thác máy bay Airbus mới tại Việt Nam vào năm 2008. Tháng 9-2016, hãng đã ký hợp đồng trực tiếp đầu tiên với Airbus đặt mua 10 máy bay A320ceo. Đội bay của Pacific Airlines hiện tại gồm 17 máy bay A320ceo.
Tháng 12-2011, hãng hàng không giá rẻ Vietjet bắt đầu khai thác đội bay gồm toàn bộ máy bay A320. Kể từ đó, hãng hàng không đang phát triển nhanh đã mở rộng mạng bay đến các điểm đến trong nước và quốc tế, đồng thời mở chi nhánh tại Bangkok ở thị trường Thái Lan.
Tháng 2-2014, Vietjet đặt mua 63 máy bay dòng A320. Hãng cũng đặt mua thêm 6 chiếc A321ceo tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2015. Sau thời điểm này Vietjet đã đặt mua thêm nhiều đợt máy bay của Airbus. Đội bay của Vietjet hiện tại gồm 91 máy bay Airbus, gồm 28 chiếc A320ceo, 44 chiếc A321ceo, và 19 chiếc A321neo.
Tháng 11-2021, Vietjet và Airbus ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp 184 máy bay, phát triển đội tàu bay thân rộng mới và bàn giao 3 máy bay thân rộng A330.
Một hãng hàng không khác là Bamboo Airways cũng đã sử dụng một chiếc máy bay A320ceo thuê lại khi bắt đầu hoạt động vào tháng 1-2019. Đội bay của Bamboo Airways hiện tại gồm 21 máy bay Airbus gồm 1 chiếc A319ceo, 6 chiếc A320ceo, 6 chiếc A320neo, 3 chiếc A321ceo và 5 chiếc A321neo.
Vietravel Airlines là hãng hàng không bắt đầu hoạt động vào đầu tháng 1-2021 với một chiếc máy bay A321ceo thuê lại. Đội bay của hãng hiện tại gồm 3 máy bay A321ceo.