(KTSG Online) - Tập đoàn Alibaba, có trụ sở ở Hàng Châu, Trung Quốc, bất ngờ báo lỗ gần 3 tỉ đô la Mỹ trong quí 3, với doanh thu gần như dậm chân tại chỗ do các biện pháp kiểm soát Covid-19 cứng rắn của Trung Quốc tiếp tục làm suy yếu tâm lý người tiêu dùng.
- Bộ Công Thương mở ‘gian hàng Việt Nam’ trên Alibaba
- Alibaba đối mặt thách thức khi thế hệ TikTok bắt đầu mua sắm qua video ngắn
Hôm 17-11, Alibaba, công ty điều hành các nền tảng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, Tmall và Taobao, đồng thời điều hành nhiều mảng động kinh doanh khác từ logistics đến dịch vụ đám mây, đã báo cáo mức lỗ ròng 20,6 tỉ nhân dân tệ (2,9 tỉ đô la Mỹ) so với dự đoán lợi nhuận ở mức gần tương đương của giới phân tích.
Nguyên nhân lỗ phần lớn là do đà suy giảm trên thị trường của một loạt khoản đầu tư của Alibaba ở các công ty niêm yết khác từ hãng gọi xe Didi Global (Trung Quốc) cho đến GoTo Group của Indonesia.
Doanh thu của Alibaba trong quí vừa kết thúc vào cuối tháng 9 chỉ tăng nhẹ 3%, lên mức 207,2 tỉ nhân dân tệ (29 tỉ đô la Mỹ) sau khi doanh số mảng điện toán đám mây, từng là động lực doanh thu lớn nhất của công ty, ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất từ trước đến nay.
Alibaba cho biết doanh thu từ thương mại điện tử nội địa giảm trong quí 3, chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng yếu hơn, sự bùng phát trở lại của Covid-19 và các hạn chế liên quan, cũng như sự cạnh tranh của các đối thủ.
Trong khi đó, doanh thu tổng thể có cải thiện nhẹ nhờ công ty nâng cao hiệu quả hoạt động và mở rộng các hoạt động kinh doanh dịch vụ và logistics.
Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang nói: “Chúng tôi đã đạt được kết quả vững chắc trong quí vừa qua bất chấp những thách thức về môi trường vĩ mô. Sức tiêu dùng yếu cùng sự bùng phát trở lại của Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều lĩnh vực”.
Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group, công ty liên kết của Alibaba và là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thống trị ở Trung Quốc, báo cáo lợi nhuận ròng trong quí 2 giảm đến 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 7,72 tỉ nhân dân tệ.
Trong một dấu hiệu cho thấy khó khăn, Alibaba dường như đã sa thải một lượng nhân viên đáng kể, với tổng nhân sự trong quí 3 giảm hơn 1.700 người so với quí 2. Trong quí trước, Alibaba cũng đã sa thải gần 10.000 nhân viên.
Tình hình kinh doanh trong quí hiện tại của Alibaba vẫn ảm đạm. Trong tháng này, lần đầu tiên sau 14 năm, Alibaba không tiết lộ doanh số bán hàng đầy đủ trong lễ hội mua sắm Ngày độc thân (11-11). Công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc chỉ nói rằng doanh số của sự kiện này ngang bằng với năm ngoái. Điều này có nghĩa là doanh số bán hàng Ngày độc thân của Alibaba trong năm nay tăng trưởng thấp chưa từng thấy.
Daniel Zhang cảnh báo về tình trạng gián đoạn giao hàng do các đợt bùng phát Covid-19 có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong quí hiện tại. Ông nói: “Điều này tác động đáng kể đến khả năng hoàn thành đơn hàng đúng hạn của những người bán hàng trên các nền tảng của Alibaba”.
Alibaba cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ JD.com, Pinduoduo và một loạt nền tảng thương mại điện tử phát sóng trực tiếp mới nổi như Douyin của ByteDance và Kuaishou Beijing Kuaishou Technology.
Số lượng người bán hàng tham gia sự kiện lễ hội mua sắm Ngày độc thân từ ngày 31-10 đến ngày 11-11 trên Douyin, phiên bản Tiktok của Trung Quốc, tăng khoảng 86% so với năm trước. Ngân hàng Jefferies ước tính số lượng người mua trên nền tảng chia sẻ video Kuaishou trong sự kiện này tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Shawn Yang, Giám đốc điều hành Blue Lotus Capital, nhận định sự trỗi dậy của nền tảng video ngắn Douyin đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Alibaba. Ông nói: “Douyin đã trở thành một nền tảng xây dựng thương hiệu quan trọng nên rất nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh lớn bắt đầu phân bổ ngân sách cho nền tảng này”.
Từng là công ty giá trị nhất ở Trung Quốc, Alibaba đã mất khoảng 600 tỉ đô la Mỹ vốn hóa thị trường kể từ khi Bắc Kinh tiến hành cuộc chấn chỉnh sâu rộng đối với khu vực tư nhân gần hai năm trước. Bắc Kinh đã buộc Tập đoàn tài chính Ant Group, nơi Alibaba nắm giữ 33% cổ phần, phải hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới vào năm 2020. Tiếp đó, giới chức trách đã đưa ra các cải cách nhằm chia nhỏ mô hình kinh doanh của Alibaba.
Năm ngoái, Alibaba đã nộp khoản tiền phạt chống độc quyền kỷ lục 2,8 tỉ đô la Mỹ và cam kết ngừng hành vi buộc người bán hàng trên các nền tảng của công ty tránh xa các nền tảng thương mại điện tử đối thủ.
Giới phân tích nhận định việc tối ưu hóa chi phí, đặc biệt là tại mảng kinh doanh bán lẻ thực phẩm và các mảng kinh doanh ở nước ngoài, có khả năng thúc đẩy biên lợi nhuận của Alibaba trong thời điểm hiện tại. Nhưng về lâu dài, Alibaba vẫn cần tìm ra giải pháp để cạnh tranh hiệu quả hơn.
Đối mặt với tình trạng tăng trưởng bán lẻ trì trệ trong nước, Alibaba đã hồi sinh hoạt động mở rộng ra bên ngoài vốn đã chậm lại trong những năm gần đây trước sự cạnh tranh từ Amazon.com và Sea Ltd., công ty mẹ của Shopee.
Dựa trên thành công ở Đông Nam Á, Lazada, công ty con của Alibaba, đang chuẩn bị thực hiện bước thâm nhập đầu tiên vào thị trường châu Âu.
Alibaba đang tập trung vào việc củng cố lợi nhuận khi chính sách zero Covid và các biện pháp chống độc quyền trong chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ vào năm ngoái đã kìm hãm tăng trưởng của công ty. Alibaba cho biết sẽ tăng thêm 15 tỉ đô la Mỹ cho chương trình mua cổ phiếu quỹ và kéo dài chương trình này đến năm 2025. Trong chương trình mua cổ phiếu quỹ trị giá 25 tỉ đô la Mỹ hiện tại, Alibaba đã giải ngân gần 18 tỉ đô la Mỹ, tính đến hôm 16-11.
Washington đã bổ sung Alibaba vào danh sách các công ty đối mặt với việc bị loại khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ do vấn đề kiểm toán. Dù các quan chức kiểm toán Mỹ đã hoàn thành vòng kiểm tra tại chỗ đầu tiên đối với các công ty Trung Quốc bao gồm cả Alibaba trong tháng này, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có vượt qua cuộc sát hạch này hay không.
Theo Bloomberg, Reuters, Financial Times