Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Alibaba.com muốn thu hút 10.000 doanh nghiệp Việt trong 5 năm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Alibaba.com muốn thu hút 10.000 doanh nghiệp Việt trong 5 năm

Khôi Nguyên

(TBKTSG Online) – “Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng tới có 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên sàn giao dịch Alibaba.com đến từ Việt Nam”. Đây là lời chia sẻ của ông Zhang Kuo, Tổng giám đốc Alibaba.com, qua đó thể hiện tham vọng mở rộng của sàn thương mại điện tử toàn cầu B2B tại thị trường 100 triệu dân.

Alibaba.com muốn thu hút 10.000 doanh nghiệp Việt trong 5 năm
Zhang Kuo, Tổng giám đốc Alibaba.com, tại một sự kiện ở TPHCM cuối tháng 10 vừa qua. Ảnh: Alibaba.com

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về câu chuyện xung quanh việc doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com này còn có sự góp mặt của ông John Caplan, Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn Alibaba.

TBKTSG Online: Chào ông, Alibaba.com đã chính thức vào thị trường Việt Nam chưa hay hoạt động thông qua việc hợp tác với các đối tác tại Việt Nam?

Ông Zhang Kuo: Chúng tôi đã chính thức vào thị trường Việt Nam cách đây 10 năm, bắt đầu từ 2009. Doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp qua thương mại điện tử (B2B) cần thời gian để tìm hiểu, nhận biết thị trường và quá trình người dân quen dần với Internet tại Việt Nam cũng cần thời gian. Năm 2009, chúng tôi đã có đối tác tại Việt Nam – OSB và mối quan hệ đối tác của Alibaba.com – OSB đã kéo dài 10 năm.

Chúng tôi có rất nhiều khách hàng và đã xây dựng mạng lưới khách hàng tại Việt Nam vì chúng tôi nhận thấy nhu cầu lớn trên thế giới đối với các mặt hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy nguồn cung tại Việt Nam rất lớn. Các nhà sản xuất tại Việt Nam rất mạnh và tỉ lệ sử dụng Internet tại Việt Nam cũng rất lớn. Với những yếu tố trên, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào mạng lưới người bán người mua toàn cầu của Alibaba.com

Ông đánh giá về thị trường thương mại điện tử B2B của Việt Nam ra sao so với các quốc gia ở Đông Nam Á?

– Ông Zhang Kuo: Theo quan điểm của chúng tôi, Việt Nam có thế mạnh rất độc đáo với số dân hơn 90 triệu và 60% người dân sử dụng Internet.

Thứ hai, hệ thống sản xuất tại Việt Nam rất mạnh. Bên cạnh đó, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và nguồn vốn FDI vào Việt Nam rất lớn, đồng thời Việt Nam đang có ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp SME. Các doanh nghiệp SME tại Việt Nam đang bắt đầu năng động trong hệ thống mua bán thương mại điện tử quốc tế. Đó là lý do vì sao Alibaba.com đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam có những giá trị rất độc đáo trong các ngành như dệt may, nội thất, F&B vì Việt Nam rất mạnh về các mảng liên quan đến nông nghiệp. Những mặt hàng này thế giới đang có nhu cầu rất lớn. Chúng tôi thấy rất nhiều khách hàng từ châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia khác đang tìm kiếm và muốn mua các mặt hàng này từ Việt Nam.

Vì sao Alibaba.com lại tập trung vào các ngành như dệt may, nội thất và F&B?

Ông Zhang Kuo: Ba ngành trên đúng là các ngành mũi nhọn của thị trường Việt Nam nhưng chúng tôi cũng không chỉ tập trung vào ba ngành này, còn rất nhiều các ngành tiềm năng khác. Có thể lấy ví dụ nữ doanh nhân Trần Bảo Ngọc của doanh nghiệp M.I.I.N, chuyên về các sản phẩm nối mi. Chị Bảo Ngọc rất giỏi trong lĩnh vưc này. Các thiết kế sản phẩm rất độc đáo. Chị cũng rất giỏi về marketing trên Internet. Chị Ngọc có nhiều đối tác và khách hàng từ Hàn Quốc và trên khắp thế giới.

Có rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân trẻ hoạt động trong các lĩnh vực cần đến sự sáng tạo tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, chúng tôi hướng tới có 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên sàn giao dịch Alibaba.com đến từ Việt Nam.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì để tận dụng được cơ hội xuất khẩu trực tuyến trên Alibaba.com?

– Ông John Caplan: Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tạo được tài khoản hoạt động tích cực, hiệu quả trên sàn thương mại điện tử.

Thứ hai là cần tương tác nhanh chóng với khách hàng. Cuối cùng là phải thiết lập hiệu quả hệ thống quản lý giao tiếp khách hàng sẵn có trên nền tảng Alibaba.com. Những người bán thành công luôn sử dụng công cụ này để giao tiếp với khách hàng.

Ông John Caplan, Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn Alibaba, tại một sự kiện tại TP HCM cuối tháng 10. Ảnh: Alibaba.com

Theo ông, có phải vì giá rẻ có phải là yếu tố quyết định đến giao thương trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới?

Ông Zhang Kuo: Trong mọi sàn thương mại điện tử, giá luôn là một trong những yếu tố quan trọng. Khi chúng ta nói đến giao dịch B2B thương mại điện tử, giá vẫn là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả. Giá hợp lý, chất lượng tốt là những gì mà đối tác cần.

Ví dụ đối với các mặt hàng chăm sóc trẻ em, khách hàng cần các sản phẩm chất lượng cao, an toàn với tiêu chuẩn chất lượng nhất định và phần cuối cùng mới đến giá. Và trong một số lĩnh vực nhất định, giá cả là một trong những lợi thế đối với các doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, còn những yếu tố khác như việc người bán có phản hồi nhanh, chuyên nghiệp, mô tả sản phẩm, dịch vụ một cách hệ thống hay không, giao hàng có đúng hẹn không, thanh toán ra sao. Tất cả những điều đó sẽ giúp doanh nghiệp bán hàng tốt hơn. Trên sàn thương mại điện tử B2B, có rất nhiều yếu tố, không chỉ là giá.

Alibaba.com gặp khó khăn gì khi làm việc với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?

– Ông Zhang Kuo: Không phải khó khăn đối với Alibaba.com, mà chúng tôi tập trung vào giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để thành trong trên lĩnh vực thương mại điện tử. Vấn đề quan trọng nhất đó là làm sao để có nguồn nhân lực có tính thích nghi cao, hiểu rõ thị trường mua và bán xuyên biên giới, đáp ứng được môi trường làm việc kỹ thuật số. Cũng chính vì vậy Alibaba.com đang cung cấp hệ thống đào tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Alibaba.com hỗ trợ các doanh nghiệp Việt như thế nào?

– Ông Zhang Kuo: Đến 2019, Alibaba.com có 5 đại lý ủy quyền ở Việt Nam và họ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam triển khai việc bán hàng trên Alibaba.com như mở toài khoản, tiếp cận khách hàng, quảng cáo kỹ thuật số, phân tích số liệu. Người bán cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu trên Alibaba.com vì hàng ngày trên Alibaba.com có hàng triệu khách hàng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định, phân khúc khách hàng nào mà bạn đang nhắm tới.

Khi giao tiếp với khách hàng, người bán phải hiểu được các số liệu, dữ liệu cho giao dịch và các phản hồi.
Người bán cũng cần biết thông tin sản phẩm đã đủ để miêu tả năng lực, thế mạnh của sản phẩm chưa; cách phản hồi của người bán đã đủ chuyên nghiệp để người mua tin tưởng chưa.

Bên cạnh đó là thời gian chuyển hàng. Tất cả các yếu tố trên quyết định thành công của doanh nghiệp SME. Do đó, chúng tôi hỗ trợ khi doanh nghiệp SME cần và đó là điều chúng tôi cần làm.

Chúng tôi có hệ thống thanh toán làm việc với các ngân hàng địa phương và hệ thống logistics ở Việt Nam kết nối trong hệ sinh thái để doanh nghiệp SME Việt Nam có thể tiếp cận với các dịch vụ của Alibaba.com dễ dàng hơn. Đó là những điều chúng tôi cần làm.

Chi phí hậu cần (logistics) ở Việt Nam vẫn còn cao. Alibaba.com làm gì để khắc phục điều này?

– Ông Zhang Kuo: Chúng tôi đang tiến hành từng bước để giải quyết vấn đề này, bắt đầu từ việc làm marketing số, giao dịch trên mạng, thanh toán quốc tế, rồi đến các dịch vụ hậu cần. Cách chúng tôi thường làm hay nhất là tổ chức và kết hợp với mạng lưới dịch vụ hậu cần.

Nếu hàng hóa của một doanh nghiệp không chất đầy được một container, thì hàng hóa của nhiều doanh nghiệp sẽ chất đầy container đó. Chúng tôi gọi đó là LCL- sự kết hợp của nhiều dịch vụ cùng một lúc và chúng tôi có thể thương thảo để có giá tốt nhất cho các doanh nghiệp. Alibaba.com cũng đưa ra giải pháp số hóa, giúp cho những quá trình này trở nên dễ tiếp cận hơn trên toàn hệ thống.

Xin cảm ơn ông!

Thương mại điện tử bùng nổ doanh số theo mùa lễ hội

Alibaba lập kỷ lục doanh số 38,4 tỉ đô la trong ngày Độc thân

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới