Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Alibaba đặt cược vào xe điện thông minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Alibaba đặt cược vào xe điện thông minh

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin hãng Apple đang đàm phán với nhiều đối tác tiềm năng về kế hoạch hợp tác sản xuất xe điện mang thương hiệu của Apple. Nhưng tại Trung Quốc, các tập đoàn công nghệ bao gồm Alibaba đã nhanh chân đầu tư vào xe điện thông minh để đón đầu cơ hội khi xu hướng phổ cập xe năng lượng xanh trở thành điều tất yếu.

Alibaba đặt cược vào xe điện thông minh
Mẫu xe điện sedan thương hiệu IM của startup xe điện Zhiji, một liên doanh giữa Tập đoàn Alibaba, hãng xe lớn nhất Trung Quốc SAIC và Tập đoàn Shanghai Zhangjiang. Ảnh: SAIC Motor

Công ty liên doanh của Alibaba ra mắt xe điện

Hôm 13-1, công ty khởi nghiệp (startup) xe điện Zhiji, một liên doanh giữa tập đoàn Alibaba, hãng xe lớn nhất Trung Quốc SAIC Motor và Tập đoàn Shanghai Zhangjiang, cho biết sẽ ra mắt hai mẫu xe điện thông minh bao gồm mẫu sedan thương hiệu IM (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Intelligence in Motion). Zhiji được thành lập vào cuối năm ngoái với SAIC là cổ đông lớn nhất nắm 54% cổ phần, trong khi đó, Alibaba và Shanghai Zhangjiang mỗi bên nắm 18% cổ phần.

Mẫu xe này có thể tự tìm chỗ đậu ở bãi xe và được trang bị các chức năng của điện thoại thông minh (smartphone) như chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Zhiji sẽ bắt đầu nhận đơn hàng đặt mua trước xe sedan IM vào tháng 4 tới tại một cuộc triển ô tô hàng năm ở Thượng Hải. Ngoài ra, Zhiji  cũng nhắm đến kế hoạch tung một mẫu xe điện SUV (thể thao đa dụng) ra thị trường vào năm 2022.

Mẫu xe sedan IM sử dụng pin thể rắn (soild-state battery) của Công ty Contemporary Amperex Technology, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất Trung Quốc và các chip bán dẫn từ hãng Nvidia (Mỹ). Công nghệ pin thể rắn cho phép xe có thể vận hành tối đa 1.000 km và sạc không dây.

“Mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp SAIC bổ sung thêm các dòng xe cao cấp vào danh mục sản phẩm nhờ danh tiếng của Alibaba,” Ivan Su, nhà phân tích của Công ty dịch vụ tài chính Morningstar, nhận định. 

Ông cho rằng trình độ chuyên môn của Alibaba trong lĩnh vực phân tích khách hàng và các kênh phân phối của tập đoàn sẽ giúp tăng doanh số cho Zhiji.

Alibaba, hiện là nhà đầu tư lớn ở hãng xe điện Xpeng Motors của Trung Quốc, đang gia tăng đặt cược vào tương lai của xe thông minh giữa lúc giới đầu tư đang đẩy giá cổ phiếu của hãng xe điện Tesla và các đối thủ xe điện Trung Quốc tăng vọt.

Các lãnh đạo của Foxconn (Đài Loan) công bố thỏa thuận thành lập liên doanh lắp ráp xe điện với hãng xe Geely hôm 13-1. Ảnh: Nikkei Asian Review

Baidu cũng nhảy vào sản xuất xe điện

Hồi đầu tuần nay, hãng công nghệ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, thông báo đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với hãng xe Geely, có trụ sở ở thành phố Hàng Châu, để thành lập một công ty xe điện hoạt động độc lập. Kế hoach của hai bên là Geely sẽ thiết kế và sản xuất xe điện, còn Baidu sẽ cung cấp công nghệ.

“Trung Quốc đã trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới và chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng đang đòi hỏi thế hệ xe mới, thông minh hơn”, Giám đốc điều hành Baidu, Robin Li, nói. Tháng 11 năm ngoái, một liên doanh của hãng gọi xe Didi Chuxing và hãng xe BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc,  ra mắt một mẫu xe thuần điện D1 dành cho tài xế công nghệ. Hai bên đặt mục tiêu sản xuất một triệu xe điện D1 vào năm 2025.

Hỗ trợ cho cuộc đổ xô đầu tư xe điện này là mục tiêu của Bắc Kinh đưa xe điện chiếm 20% tổng doanh số xe mới vào năm 2025. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết doanh số xe năng lượng mới, bao gồm xe điện, xe lai điện và xe chạy bằng pin nhiêu liệu hydro ở Trung Quốc, tăng 11% lên 1,36 triệu xe trong năm 2020 dù tổng doanh số bán xe của Trung Quốc giảm 2%, về mức 25,3 triệu chiếc.

“Các công ty công nghệ nắm trong tay dữ liệu người dùng khổng lồ, bao gồm nơi họ thường đến ăn uống, mua hàng hóa, đi chơi...Một lĩnh vực mà hiện tại vẫn còn được xem là ‘hộp đen’ đối với các công ty công nghệ là chúng ta thường làm gì khi đang lái xe.

Nếu nắm bắt được dữ liệu này và kết hợp với dữ liệu họ đã có, họ có thể dự báo nhu cầu của chúng ta và phát triển các dịch vụ và sản phẩm mà họ biết chúng ta sẽ cần”, Le Tu, Giám đốc Công ty Sino Auto Insights, ở Bắc Kinh, nói.

Foxconn thành lập liên doanh lắp ráp xe điện

Các nhà sản xuất gia công trong lĩnh vực công nghệ như Foxconn (Đài Loan) cũng đang lấn sân vào ngành công nghiệp xe điện với hy vọng tìm kiếm khu vực tăng trưởng mới, nơi mà họ có thể tận dụng thế mạnh lắp ráp các thiết bị.

Hôm 13-1, Tập đoàn Foxconn thông báo thành lập liên doanh với hãng xe Geely để lắp ráp xe điện cho các hãng xe khác. Liên doanh này cũng sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ xe điện cho các hãng xe. Chủ tịch Foxconn, Young Liu nói: “Geely và Foxconn có thể bổ sung cho nhau và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Sự hợp tác này không chỉ phù hợp với chiến lược chuyển đổi doanh nghiêp của Foxconn mà còn mang lại sự thay đổi lớn cho ngành công nghiệp ô tô”.

Daniel Li, Giám đốc điều hành  Geely, nhận định sự hiện diện khắp toàn cầu của Foxconn và trình độ công nghệ thông tin của tập đoàn này sẽ đóng vai trò quan trọng, mang tính biểu tượng trong cuộc chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô.

Thông báo trên được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Foxconn tuyên bố sẽ hợp tác với hãng xe điện Byton (Trung Quốc) để sản xuất mẫu xe điện đầu tiên của Byton vào quí 1-2022.

Các động thái lấn sân vào mảng xe điện của Alibaba và Foxconn cho thấy tham vọng ngày càng lớn của các tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Á trong ngành công nghiệp ô tô khi họ chạy đua hợp tác với các hãng xe để đẩy nhanh tốc độ gia nhập thị trường, cạnh tranh với đối thủ Tesla, hãng xe điện lớn nhất thế giới.


Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới