Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Alibaba: Lợi nhuận giảm, bộ máy phình to

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Alibaba: Lợi nhuận giảm, bộ máy phình to

Chánh Tài

Alibaba: Lợi nhuận giảm, bộ máy phình to
Trụ sở của Alibaba ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

(TBKTSG Online) – Đế chế của tập đoàn Alibaba đang phình to khi người khổng lồ thương mại điện tử này đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực bán hàng trực tiếp (offline) cũng như các mảng kinh doanh mới khác. Giới đầu tư đang lo ngại việc vung tiền ồ ạt có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Alibaba.

Theo tờ The New York Times, hôm 3-5, Alibaba thông báo đạt mức doanh thu 61,9 tỉ nhân dân tệ trong trong quí 4 của năm tài chính 2017 (kết thúc vào ngày 31-3-2018), tăng 61% so với cách đây một năm, song lợi nhuận ròng chỉ đạt 7,56 tỉ nhân dân tệ, tức giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của Alibaba giảm trong vòng một năm rưỡi qua. Điểm xấu hơn trong kết quả kinh doanh của Alibaba là biên lợi nhuận hoạt động giảm xuống còn 15% so với mức 25% cách đây một năm.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Một trong những lý do khiến lợi nhuận suy giảm là do tập đoàn này đầu tư ồ ạt vào các mảng kinh doanh bên ngoài mảng thương mại điện tử cốt lõi, bao gồm điện toán đám mây và các cửa hàng bán hàng trực tiếp trong một nỗ lực nhằm xây dựng chiến lược “Bán lẻ mới” (New Retail), tức mô hình bán lẻ đa kênh giúp kết nối nối liền mạch trải nghiệm mua hàng ở kênh trực tuyến (online) và kênh trực tiếp (offline).

Các mảng kinh doanh mới trên là một phần trong kế hoạch khuếch trương đế chế của Alibaba để hướng đến mục tiêu trở thành một công ty thiên về dịch vụ công nghệ giống như Google trong bối cảnh mảng kinh doanh cốt lõi thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong thời gian tới.

Song giới đầu tư lo ngại chi phí mở rộng đầu tư sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của Alibaba. Vốn hóa thị trường của Alibaba đã giảm 61 tỉ đô la Mỹ kể từ khi cổ phiếu của tập đoàn này lập đỉnh vào tháng 1-2018 và điều này cho thấy giới đầu tư không hài lòng về cách vung tiền chi tiêu ồ ạt của Alibaba.

Đối với Alibaba, con đường để trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh các dịch vụ trực tuyến lớn nhất toàn cầu sẽ không bằng phẳng và rất tốn kém.

Hồi tháng 3, Alibaba đã rót thêm 2 tỉ đô la Mỹ vào công ty thương mại điện tử Lazada, nâng số cổ phần nắm giữa tại Lazada lên 83% trong nỗ lực quyết đấu với Amazon tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Trung Quốc, Alibaba vung tiền đầu tư vào các mảng kinh doanh giải trí và dịch vụ điện toán đám mây, vốn đang chịu thua lỗ. Công ty kho vận Cainiao và nền tảng phát video trực tuyến Youku, nơi Alibaba nắm cổ phần kiểm soát, vẫn đang kinh doanh thua lỗ.

Hồi tháng 4, Alibaba thông báo sẽ mua lại toàn bộ cổ phần từ các cổ đông của nền tảng đồ ăn trực tuyến Ele.me (Trung Quốc) trong một thương vụ định giá Ele.me lên đến 9,5 tỉ đô la Mỹ. Năm 2016, Alibaba đã chi 1,25 tỉ đô để nắm giữ 43% cổ phần của Ele.me.

Động thái này nhằm nâng cao sức cạnh tranh với nền tảng giao đồ ăn trực tuyến Meituan Dianping đang được Tencent hậu thuẫn tài chính.

Tham vọng bành trướng mảng bán lẻ

Alibaba đang mở rộng sự hiện diện nhanh chóng trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp để thu thập dữ liệu về thói quen và sở thích mua sắm của khách hàng. Chuỗi siêu thị thực phẩm tươi của Alibaba đang quản lý 43 siêu thị trên khắp Trung Quốc và phần lớn mới được khai trương trong bốn tháng đầu năm nay.

Khách hàng có thể đến các siêu thị Hema để tận tay chọn mua thực phẩm bằng cách dùng điện thoại quét các mã vạch trên sản phẩm và thanh toán bằng ví điện tử Alipay của Alibaba. Họ cũng có thể mua thực phẩm tươi chẳng hạn như hải sản rồi yêu cầu bộ phận nhà bếp của siêu thị chế biến để ăn ngay tại chỗ.

Ngoài ra, khách hàng có thể tải ứng dụng Hema để đặt mua hàng trực tuyến từ siêu thị Hema gần nhất. Mỗi siêu thị Hema sẽ trở thành một trung tâm xử lý các đơn đặt hàng online và giao hàng chỉ trong vòng 30 phút.

Ngoài mảng thực phẩm tươi, Alibaba cũng đầu tư vào một chuỗi siêu thị bán hàng điện tử, một chuỗi siêu thi nội thất và một chuỗi cửa hàng bách hóa.

Tuy nhiên, so với việc cung cấp các nền tảng trực tuyến cho các doanh nghiệp bán hàng, việc điều hành các cửa hàng và siêu thị trong thế giới thực rất tốn kém và phức tạp.

Ban lãnh đạo Alibaba có rất ít sự lựa chọn ngoài việc phải tiếp tục mở rộng đầu tư vì tập đoàn này cần chống lại đối thủ trong nước Tencent trong nhiều lĩnh vực từ điện toán đám mây, ví điện tử, giải trí cho đến bán lẻ truyền thống.

Nỗ lực lấn sân vào các mảng kinh doanh mới có thể một ngày nào đó biến Alibaba thành đế chế bán lẻ khổng lồ kết hợp hai kênh trực tuyến và trực tiếp như tập đoàn mong muốn. Song hiện tại, chúng là những hoạt động kinh doanh còn nhiều xa lạ đối với Alibaba.

“Tôi thích mô hình kinh doanh của Hema nhưng ban lãnh đạo Alibaba cần phải tính toán kỹ và phải trải qua nhiều thử nghiệm và sai sót để tìm ra được hướng đi đúng”, Tian Hou, người sáng lập của công ty nghiên cứu và tư vấn đầu tư ở TH Data Capital ở Bắc Kinh cho hay.

Mời xem thêm:

Doanh nghiệp khốn đốn vì hàng giả trên Alibaba

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới