Ám ảnh cuối cùng của Al Gore
![]() |
Al Gore - giải Nobel Hòa bình 2007, tích cực đấu tranh với các chính phủ và giới doanh nghiệp để bảo vệ trái đất |
Từ một chính khách hàng đầu của Mỹ trở thành nhà vận động môi trường hết sức tích cực, “nhà làm phim” được giải Oscar, rồi nhận Giải Nobel Hòa bình 2007, ông Al Gore – nguyên Phó Tổng thống Mỹ, quả là người đa tài và đầy danh vọng. Nhưng trong thâm tâm ông dường như vẫn còn một niềm ám ảnh khôn nguôi...
Nói đến Al Gore, nhiều người còn nhớ đến sự cố hi hữu của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000. Ứng cử viên Al Gore, lúc đó là phó của tổng thống Bill Clinton, chiếm được đa số phiếu trong vòng bầu cử phổ thông nhưng ứng cử viên George Bush giành được hơn 1 phiếu đại cử tri và trở thành tổng thống Mỹ. Yêu cầu đếm lại số phiếu bầu ở bang Florida đã bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ và thế là Al Gore trở thành người thứ tư trong lịch sử nước Mỹ bị “đánh cắp ghế tổng thống”.
Chán ghét chính trị
Từng tám năm làm phó tổng thống Mỹ, thất bại sát nút trong cuộc đua vào Nhà Trắng đã đẩy Al Gore sang một con đường khác: trở thành nhà hoạt động môi trường hàng đầu thế giới, dẫn đầu cuộc đấu tranh chống lại tình trạng thay đổi khí hậu. Bộ phim tài liệu “Sự thật bất tiện”, xây dựng trên khối phim đèn chiếu (slide) khổng lồ của ông được Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ trao giải đặc biệt, năm nay Al Gore còn được Giải Nobel Hòa bình... Ít có chính trị gia nào sau khi rời chính trường mà tạo dựng được những dấu ấn sâu đậm như thế.
Nhưng khi nước Mỹ bắt đầu sôi động trong không khí chuẩn bị bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2008-2012, lại dấy lên những đồn đoán sôi nổi về khả năng “tái xuất giang hồ” của Al Gore, gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ hiện mới 59 tuổi. Nhiều người Mỹ nhận định rằng, nếu ra tranh cử lần nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, ông Al Gore có khả năng sẽ trúng. Steve Jobs, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn máy tính khổng lồ Apple, nói: “Nếu ông ấy [Al Gore] ứng cử, thì trong trí tôi không hề phân vân rằng ông ấy sẽ trúng. Nhưng tôi nghĩ, có sự phân vân trong tâm trí ông ấy”. Bản thân ông Al Gore thì chỉ tuyên bố ngắn gọn, ông đã “fallen out-of love with politics” (chán ghét chính trị).
Sự chán ghét đó là hệ quả mối căm phẫn của ông đối với hoạt động chính trị và cũng là hệ quả của nỗi đau khổ mà ông phải chịu đựng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000. Sự chán ghét ấy không làm cho Al Gore trở nên tiêu cực, xa lánh sự đời mà ngược lại đã biến đổi ông theo hướng tốt hơn. Ông đã dâng hiến cuộc đời mình cho một lý tưởng lớn lao hơn, đã làm tất cả những gì có thể trong phạm vi quyền hạn của mình để gióng hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng khí hậu. Công việc của ông đã giúp làm thay đổi cái cách mà người Mỹ nghĩ về tình trạng ấm nóng toàn cầu và mang tới cho ông Al Gore một nét duyên mới. Bây giờ câu hỏi được đặt ra là, ông sẽ chọn cách thức nào để tiêu hết tất cả vốn liếng chính trị mà ông tích cóp được. Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn bè ông, các lãnh tụ của đảng [Dân chủ], lãnh đạo các tổ chức môi trường và các mạnh thường quân đều lên tiếng thuyết phục ông ra ứng cử lần nữa. “Chúng tôi đã tự mình lao xuống đáy giếng, và chúng tôi cần một người nào đó biết cách làm ra một chiếc thang. Al Gore chính là người đó. Cũng như bao nhiêu bạn bè khác, tôi đã cố gắng hết sức để thuyết phục ông ấy nhưng cho đến nay thì tôi vẫn chưa gặp may” – đó là tâm sự của Steve Jobs của hãng máy tính Apple.
Còn vợ ông, bà Tipper Gore thì bật mí: “Mọi người đều muốn rủ ông ấy đi dạo trong rừng. Ông ấy sẽ không đi. Ông ấy sẽ không nghe đâu!” Nhưng ngay cả bà Tipper – đang rất sung sướng khi ông chồng được giải phóng sau 30 năm vật lộn trên chính trường – cũng biết rằng, không thể nói “không” chắc chắn như đinh đóng cột. “Nếu cảm xúc tràn đến, và ông ấy phải làm chuyện đó thì tất nhiên tôi cũng sẽ theo ông ấy”, bà nói. Từ nay đến ngày “khóa sổ” danh sách ứng viên tổng thống Mỹ năm 2008 còn những 5 tháng nữa. Trong thời gian đó, nếu người được đảng [Dân chủ] chọn ra ứng cử bị “vấp ngã”, nếu đảng phải đối mặt với sự khủng hoảng niềm tin thì có thể ông Al Gore sẽ có một quyết định tối hậu: đứng ra hứng chịu viên đạn cuối cùng để hoàn thành giấc mơ một đời của mình. Đó chính là Ám ảnh cuối cùng của Al Gore, và đó cũng là lý do khiến ông thận trọng không dứt khoát loại trừ khả năng tranh cử tổng thống.
Sự nghiệp mới: khí hậu
Tuy vậy cho đến hôm nay ông vẫn kiên quyết theo đuổi chương trình hành động của mình, làm việc hết sức để xây dựng một phong trào quần chúng rộng rãi đương đầu với cái mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà loài người từng gặp”. Trong bốn năm qua ông đã vượt không biết bao nhiêu dặm đường dọc ngang khắp địa cầu để trình bày bộ slide hết sức thuyết phục của mình và bộ phim tài liệu được giải Oscar xây dựng trên đống slide đó. Ông đã thuyết giảng cho vô số tập thể đủ mọi kích cỡ, mọi thành phần. Đồng thanh tương ứng với lời cảnh báo của các nhà khoa học về khí hậu, bộ phim của Al Gore đã kích hoạt một trong những cuộc chuyển biến quan niệm ngoạn mục nhất trong lịch sử khi người Mỹ bỗng nhiên nhận ra rằng họ phải thay đổi lối sống của chính mình. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây của báo The New York Times/CBS, đại đa số những người được hỏi ý kiến – gồm 90% những người Dân chủ, 80% những người độc lập và 60% những người Cộng hòa – đều nói rằng, họ muốn chính phủ có “hành động tức thời” để xử lý vụ khủng hoảng khí hậu.
Ngày 1 tháng 4 vừa qua – ngày công bố kết quả thăm dò, Al Gore đang ở New York, chiếu phim và thuyết trình ở trường đại học. Trong tuần lễ này, ông phải thực hiện tám buổi thuyết trình cho hàng chục ngàn khán giả, gặp gỡ tân tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. Ông đã ra điều trần trước cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ để khuyến nghị những chính sách cần thiết và cảnh báo các nghị sĩ rằng, tổ chức của ông – Liên minh Bảo vệ Khí hậu, một tổ chức tư vấn không vụ lợi do ông sáng lập và điều hành – sẽ đăng quảng cáo ngay tại các tiểu bang mà họ đại diện nếu họ không tích cực tìm ra những giải pháp chính sách cho vấn đề khí hậu. Ông cũng đã trao đổi riêng với các ứng cử viên tổng thống, đề nghị đưa vấn đề khí hậu vào chương trình vận động tranh cử của từng người. Nhờ những nỗ lực vận động như vậy đến nay đã có hàng chục tiểu bang ở Mỹ ban hành những quy định hạn chế việc thải chất CO2 vào khí quyển mặc dù chính quyền liên bang vẫn chưa có hành động đáng kể nào.
Đối với công chúng, Al Gore đã huy động và huấn luyện một đôi ngũ tình nguyện viên, giúp phổ biến những bộ phim tài liệu của ông ra khắp thế giới. Ngày 7 tháng 7 vừa qua, ông chủ trì Đại nhạc hội nhạc Rock truyền hình lớn nhất hành tinh, do Kevin Wall đạo diễn, mang tên Live Earth. Trong ngày này đã có 9 buổi trình diễn nhạc rock diễn ra trên 7 châu lục và được truyền hình trực tiếp tới 2 tỉ khán giả khắp địa cầu, truyền đi thông điệp kêu gọi hành động để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. “Tôi nói với các bạn rằng, hãy là một phần của sự thay đổi. Không ai làm thay cho ta đâu. Các chính trị gia đã bị tê liệt và vô cảm. Nhân dân phải tự hành động”, ông nói mở đầu buổi diễn.
Rồi ông đưa chính quyền Mỹ ra mổ xẻ. Ông đặt vấn đề tại sao Mỹ đã không thể hành động trong vấn đề ấm nóng toàn cầu, tại sao Mỹ tiến hành rất nhiều sự lựa chọn tai họa – chẳng hạn như lao vào cuộc chiến tranh Iraq, lén lút theo dõi công dân Mỹ mà không có sự phê chuẩn của tòa án, giam giữ hàng trăm tù nhân ở Guantanamo mà không qua xét xử... “Theo quan điểm của tôi, nền dân chủ của chúng ta chưa bao giờ hoạt động thật tốt cả. Chúng ta đã gây ra hàng loạt lỗi lầm về chính sách thật tai hại. Nhưng sẽ rất giản đơn và thiển cận nếu chúng ta quy hết mọi tội lỗi cho chính phủ Bush-Cheney. Chúng ta có một cơ chế kiểm soát và cân bằng, một nền tư pháp độc lập, một nền tự do báo chí và ngôn luận, một Quốc hội – có phải tất cả các định chế đó đều đã thất bại? Có phải chúng ta đã tự chuốc lấy thất bại?”, ông nói với đám đông.
Ám ảnh cuối cùng
Những suy nghĩ này cũng chính là nội dung cuốn sách mới của Al Gore, “Cuộc tấn công vào lý trí”. Cuốn sách có vẻ như cố tình tạo ra một thứ lực hấp dẫn cho Al Gore vì nó tấn công trực diện vào tổng thống George Bush từ nhiều hướng khác nhau, chẩn đoán những căn bệnh của nền dân chủ Mỹ và đề ra ý tưởng về cách thức chữa trị những căn bệnh đó.
Một số người quen biết Al Gore đoán già đoán non rằng, ông ta đang đợi thời cơ. Ông không đủ giàu có để tự trang trải cho cuộc vận động tranh cử của mình, nhưng với cổ phần trong hai đại công ty Apple và Google, với những mối quan hệ với giới công nghiệp máy tính ở Thung lũng Silicon, tiền bạc đối với ông không phải là vấn đề. Họ đoán rằng, tháng Mười Một tới là “thời cơ vàng” cho Al Gore vì đó là lúc ông đã có trong tay Giải Nobel Hòa bình 2007. Họ còn đồn đoán rằng, việc xuất bản cuốn sách “Cuộc tấn công vào lý trí” là bước dọn đường dư luận; nếu không muốn tranh đua chính trị thì viết cuốn sách đó để làm gì – họ đoán như vậy.
Nhưng những người thân cận lại không tin rằng Al Gore sẽ ra tranh cử. Ông ta không hề xây dựng một “tổ chức ngầm” làm hậu thuẫn cho mình. Ông ta không suy nghĩ nhiều về chính trị từ khi quyết định thôi, không đọ sức với tổng thống George Bush lần thứ hai vào năm 2004. Còn việc viết sách, ông Al Gore tâm sự, là nhằm giải tỏa thắc mắc: vì sao nước Mỹ không có phản ứng gì trước tình trạng thay đổi khí hậu trái đất. Điều gì đã xảy ra ở đây, trên đất Mỹ này? “Không phản ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu và đưa quân vào Iraq – hai trường hợp đó cho thấy nền dân chủ đã bị lôi cuốn bởi những ấn tượng sai lầm mà không còn khả năng bám sát mục tiêu của mình. Đó là mẫu số chung của hai sự kiện. Một khi đã nghĩ kỹ về chuyện đó tôi thấy mình không thể không cầm bút viết ra cuốn sách”, ông nói.
Có lần Al Gore nói rằng, bất cứ ai bước vào Phòng Bầu dục – phòng làm việc của tổng thống Mỹ - lúc này và cố gắng chấm dứt cuộc chiến tranh [Iraq] thì cũng giống như người xung phong nắm lắy vô-lăng một chiếc xe đang trượt xuống vực thẳm – một công việc vô vọng và nguy hiểm. Thế nhưng “họa phúc hữu môi phi nhất nhật”, theo ông Al Gore, sai lầm của nước Mỹ đã bắt đầu từ rất lâu trước ngày 11 tháng 9 năm 2001 – ngày hai tòa tháp đôi tại New York bị khủng bố phá hủy, có phần do sự dịch chuyển của quyền lực, chẳng hạn như truyền hình thay cho báo in trở thành phương tiện thống soái trong việc truyền tải thông tin và ý tưởng và tác động vào bộ óc con người. Để khôi phục nền dân chủ Mỹ, Al Gore cho rằng phải lôi kéo được mọi người vào cuộc đối thoại, và ông hy vọng Internet sẽ làm chuyện đó.
Nếu tranh cử và trúng cử tổng thống Al Gore sẽ làm gì? Hồi tháng Ba, ông đã ra trước Quốc hội Mỹ và với tư cách công dân ông đã trình bày những ý tưởng của mình. Ông ủng hộ một cuộc ổn định ngay lập tức việc thải khí CO2 và tiến hành một chiến dịch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm 90% vào năm 2050. Để làm được việc đó, ông đề nghị giảm thuế đánh vào thu nhập hiện nay và thay bằng thuế đánh vào mức độ thải khí, như vậy chi phí khắc phục ô nhiễm cuối cùng sẽ do thị trường thanh toán. Ông nói với Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện rằng: “Tôi biết về mặt chính trị, ý tưởng này là bất khả thi. Nhưng một phần nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng giới hạn những gì có thể làm được”. Ông cũng đề xuất một chương trình hạn chế và trao đổi hạn mức khí thải, theo đó doanh nghiệp Mỹ có thể đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải bằng cách mua lại hạn mức không dùng hết của các doanh nghiệp khác, khuyến khích các công ty tìm mua những nhà máy bẩn, làm sạch chúng rồi bán cái hạn mức khí thải mà họ có được. Al Gore cũng đề nghị ngừng hoạt động vĩnh viễn các nhà máy điện chạy than nào không có biện pháp thu hồi và xử lý khí thải, đề nghị tăng tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu của xe cộ. Sau khi nghe ý tưởng của ông, các nhà phê bình đều cho rằng chúng quá tốn kém, không khả thi. Nhưng Al Gore trả lời chỉ vài năm nữa thôi, khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên trầm trọng hơn, những đề xuất này “sẽ tỏ ra quá ít ỏi so với đòi hỏi của người dân”.
Cuối cùng, nỗi ám ảnh của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 có làm Al Gore thay đổi kế hoạch? Hơn ai hết, ông Al Gore biết rằng cương vị tổng thống Mỹ - người có quyền lực nhất thế giới – sẽ tạo điều kiện tối đa cho ông hoàn thành những mục tiêu đang theo đuổi. Vì thế trong vài tháng sắp tới có thể có điều bất ngờ xảy ra. Nhưng cho đến lúc này, Al Gore vẫn cho rằng, “Nếu tôi làm tốt công việc của mình thì tất cả các ứng cử viên tổng thống đều sẽ nói về cuộc khủng hoảng khí hậu. Tôi không tin rằng, chức vụ tổng thống là chức vụ cao nhất và vai trò tốt nhất mà tôi có thể đảm nhiệm. Con đường mà tôi nhìn thấy là con đường xây dựng sự đồng thuận – ai sẽ tranh cử, ai sẽ chiến thắng đều không phải là vấn đề”.
Và có lẽ không ai giải tỏa được ám ảnh cuối cùng của Al Gore trừ chính bản thân ông.
Huỳnh Hoa