Thứ năm, 6/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Amcham: Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu ở ASEAN

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Amcham: Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu ở ASEAN

Thu Nguyệt

Giám đốc điều hành AmCham tại Việt Nam Herb Cochran. Nguồn: Ibla

(TBKTSG Online) - Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn đăng ký 9,8 tỉ đô la Mỹ, trong số 43 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2009 sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 3. Mới đây, các nhà đầu tư của Mỹ đã mua 56% số trái phiếu quốc tế của Việt Nam. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham).  

TBKTSG Online: Theo ông tại sao các nhà đầu tư Mỹ lại quan tâm đầu tư vào Việt Nam như thế trong bối cảnh Mỹ đang chịu suy thoái kinh tế?

Ông Herb Cochran: Gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ có một chiến lược gọi là “Trung Quốc cộng một” hoặc “Trung Quốc và Ấn Độ cộng một”. Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ vốn đã có một vài nhà máy ở Trung Quốc và một ít nhà máy ở Ấn Độ, vì thế họ muốn có thêm nhà máy ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Việt Nam được xem là nước tối ưu cho đầu tư ở ASEAN.

Các nhà đầu tư Mỹ đang ngày càng quan tâm đến Đông Nam Á. Không phải đến hôm nay, mà cách đây khoảng 10, 15 năm, ASEAN đã là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư Mỹ, thậm chí còn hơn cả Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2000, khi Trung Quốc là thành viên của WTO, các đầu tư và thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã vượt xa đầu tư và thương mại của Mỹ với ASEAN, một phần vì ASEAN không phải là một thị trường hợp nhất khu vực.

Tuy nhiên, ASEAN hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu đối với Mỹ, gần bằng với Trung Quốc trong năm 2000, và là thị trường xuất khẩu lớn hơn cả Nhật Bản trong năm 2009 - 2010. Thường thì “đầu tư luôn theo sau thương mại”, vì thế đây là một lý do chính khiến các nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam với vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2010, khả năng lãnh đạo hợp nhất ASEAN sẽ thu hút sự chú ý và xúc tiến thêm đầu tư.

Những ngành chính nào được nhà đầu tư Mỹ quan tâm ở Việt Nam? Dự báo của ông về đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trong năm nay như thế nào?

Bất động sản, khách sạn và du lịch là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng then chốt hỗ trợ kinh doanh quốc tế và toàn cầu hóa, do đó đầu tư của Mỹ đổ vào các lĩnh vực này, và bất động sản luôn là đầu tư dài hạn. Một số đầu tư là hợp tác với các công ty lớn của Việt Nam hoặc châu Á. Đặc biệt trong ngành khách sạn, nhiều công ty Mỹ đang giữ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới. Ví dụ như tập đoàn khách sạn Hyatt, có trụ sở ở Chicago, là một công ty hàng đầu trong ngành khách sạn với hơn 400 bất động sản ở 45 nước trên thế giới.

Việt Nam là thị trường đang nổi với nhiều cơ hội lớn cho tăng trưởng. Vì thế, các công ty khác, đặc biệt trong ngành sản xuất điện tử, ô tô,.... đang xem Việt nam là nơi tiềm năng để xây dựng nhà máy khi kinh tế thế giới hồi phục.

Theo ông đâu là rào cản lớn nhất cho việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam?

Đó là thị trường nhỏ. Cả Việt Nam lẫn ASEAN đều chưa phát huy hết sức hấp dẫn của mình vì thiếu một thị trường khu vực đồng nhất với các tiêu chuẩn chung, các thuế quan và thủ tục hải quan chung... Khi Việt Nam và ASEAN xúc tiến kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 để hợp nhất kinh tế khu vực, lúc đó, Việt Nam và ASEAN sẽ thu hút được ngày càng nhiều hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cơ sở hạ tầng chưa thỏa đáng. Các công ty nước ngoài cần đưa linh kiện vào Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Việt Nam ra thị trường thế giới. Do đó, việc thiếu các cảng nước sâu, đường sá và cầu, điện năng, hàng không, khiến FDI bị hạn chế.

Các mối quan hệ lao động. Có nhiều vụ lãn công trái phép trong năm 2006, 2007 và 2008. Vào ngày 18-8-2008, Thủ tướng Việt Nam ra quyết định số 1129/QD-TTg để hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm hướng hoạt động đình công tại doanh nghiệp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật để đảm bảo bảo lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo môi trường đầu tư ổn định. Các bộ và cơ quan ban ngành đã thực hiện quyết định trên, tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu mong muốn vẫn chưa đạt được.

Thiếu lao động chất lượng. Thiếu lực lượng lao động chất lượng và các chương trình phát triển lực lượng lao động liên kết giữa Chính phủ, giới công nghiệp, giới học viện và lao động. Thêm vào đó, Việt Nam đưa ra các yếu tố khích lệ FDI, nhưng không bao gồm yếu tố phát triển nhân lực, mà tập trung chủ yếu vào các yếu tố tài chính và miễn giảm thuế.

Quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà. Đề án 30 của Thủ tướng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho thấy đang tồn tại các thủ tục hành chính không hiệu quả.

Quản lý giá cả. Trong tháng 12-2009, AmCham và Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) bày tỏ lo ngại về dự thảo thông tư quản lý giá cả ở Việt Nam ( pv – thông tư nhằm kiềm chế lạm phát). Chúng tôi rất nhạy cảm với các rủi ro từ lạm phát gia tăng và các thách thức kinh tế Việt Nam đang đối mặt. Tuy nhiên, thay vì quản lý giá cả, cũng nên xem xét đến những phương cách khác như tự do hóa chuỗi cung ứng để giá cả hàng hóa phải chăng hơn. Chúng tôi cảm thấy rằng các công ty thành viên của chúng tôi, các đối tác kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nếu thông tư có hiệu lực.

Xin cảm ơn ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới