Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, vừa thông báo tạm cấm xuất lúa mì kể từ ngày 14-5 để bình ổn giá cả mặt hàng lương thực quan trọng này ở thị trường trong nước. Quyết định trên được đưa ra giữa lúc các đợt nắng nóng đe dọa các vụ mùa lúa mì địa phương, đẩy giá lúa mì ở Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Các bao lúa mì được bốc vác lên một xe tải ở một chợ buôn bán lúa mì tại Punjab, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

Trong thông báo ký vào cuối ngày 13-5, Tổng vụ Ngoại thương Ấn Độ cho biết chỉ cho phép xuất khẩu lúa mì cho những nhà nhập khẩu đã được các ngân hàng phát hành hành tín dụng thư và dựa trên yêu cầu của những nước đang tìm cách giải quyết vấn đề an ninh lương thực.

Tại cuộc họp báo hôm 14-5, Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ, Sudhanshu Pandey giải thích giá lúa mì trong nước đang trên đà tăng và điều này thúc đẩy Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, B.V.R. Subrahmanyam cho biết chính sách mới sẽ cho phép nguồn cung lúa mì của Ấn Độ được chuyển đến những người dân dễ bị tổn thương trên thế giới.

Quyết định tạm dừng xuất khẩu lúa mì cho thấy Ấn Độ lo ngại về mức lạm phát đang leo thang và làm trầm trọng thêm làn sóng bảo hộ lương thực kể từ chiến sự ở Ukraine bắt đầu. Các chính phủ trên thế giới đang tìm cách bảo đảm nguồn cung lương thực ở trong nước giữa lúc giá cả các mặt hàng nông nghiệp trở nên đắt đỏ. Chính phủ Indonesia đã tạm cấm xuất khẩu dầu cọ, trong khi đó, Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch xuất khẩu đối với ngũ cốc.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức, Cem Oezdemir hôm 14-5 cho biết ông và những người đồng cấp ở khối các nước công nghiệp G7 đã thảo luận về quyết định hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia và động thái tạm dừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ.

Ông nói: “Nếu tất cả chúng ta đều áp đặt các hạn chế xuất khẩu như thế này, hoặc thậm chí đóng cửa các thị trường, điều đó chỉ khiến cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn”.

Andrew Whitelaw, nhà phân tích thị trường ngũ cốc ở Công ty Thomas Elder Markets, cho biết thế giới sẽ bắt đầu thiếu thốn lúa mì trầm trọng sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu. Vụ mùa lúa mì hiện tại ở Mỹ đang gặp bất lợi do thời tiết khô hanh hơn bình thường trong mùa đông. Nguồn cung lúa mì từ Pháp đã cạn kiệt, trong khi đó, xuất khẩu lúa mì của Ukraine giảm mạnh do Nga đã phong tỏa các cảng ở Biển Đen.

Trước khi lệnh cấm trên được đưa ra, Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay, một con số cao kỷ lục từ trước đến nay.

Động thái cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ có thể đẩy giá cả lúa mì trên thị trường lên các mức cao mới và tác động lớn đến người dân ở các nước nghèo tại châu Á và châu Phi.

Tuy nhiên, lệnh cấm của Ấn Độ cũng sẽ gây tổn thương cho nông dân và các nhà buôn ở nước này, vốn đã mua tích trữ một lượng lúa mì lớn vì dự báo giá lúa mì sẽ còn tăng nữa.

“Lệnh cấm này gây sốc. Chúng tôi đã dự báo 2-3 tháng nữa Ấn Độ mới hạn chế xuất khẩu lúa mì nhưng dường như con số lạm phát đã làm thay đổi kế hoạch của chính phủ”, một nhà buôn lúa mì ở Mumbai, nói

Giá lương thực và năng lượng tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm của Ấn Độ lên mức cao nhất 8 năm trong tháng 4 vừa qua, củng cố dự báo của các nhà kinh tế cho rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế giá cả. Giá lúa mì ở Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục, với giá ở một số thị trường giao ngay lên tới 25.000 rupee (322,71 đô la)/tấn, so với mức giá thu mua hỗ trợ tối thiểu cố định của chính phủ là 20.150 rupee.

Đầu tuần này, Ấn Độ đã vạch ra mục tiêu xuất lúa mì kỷ lục cho năm tài chính 2022-2023 bắt đầu từ ngày 1-4, và dự định cử các phái đoàn thương mại đến các nước như Maroc, Tunisia, Indonesia và Philippines để tìm cách thúc đẩy hơn nữa các lô hàng xuất khẩu.

Nhưng một công ty buôn bán lúa mì ở New Delhi cho biết nhiệt độ cao bất thường và đột ngột từ giữa tháng 3 có thể khiến sản lượng lúa mì của Ấn Độ chỉ đạt 100 triệu tấn hoặc thấp hơn nữa trong niên vụ này, trái ngược với với dự báo trước đó của chính phủ cho rằng sản lượng lúa mì của Ấn Độ có thể tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, 111,32 triệu tấn.

Công ty này cho biết: “Hoạt động thu mu lúa mì của chính phủ đã giảm hơn 50%. Nguồn cung lúa mì trên các thị trường giao ngay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Tất cả những diễn biến này đều chỉ ra rằng sản lượng lúa mì trong vụ thu hoạch sắp tới sẽ thấp hơn kỳ vọng. Lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ sẽ đẩy tăng giá lúa mì trên toàn cầu vì giờ đây không còn nhà cung cấp lớn nào trên thị trường”.

Hàng trăm hecta lúa mì ở Ấn Độ bị hư hại sau đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 3, khiến sản lượng có thể giảm đến 50% ở một số vựa lúa mì tại nước này.

Các khách hàng trên toàn cầu đang dựa vào nguồn cung lúa mì từ Ấn Độ do hoạt động xuất khẩu lúa mì từ khu vực Biển Đen giảm mạnh sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ tăng mạnh kể từ cuối tháng 2. Trong tháng 4, Ấn Độ xuất khẩu lúa mì đạt con số kỷ lục, 1,4 triệu tấn và cho đến nay, các hợp đồng đã ký kết để xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ trong tháng 5 đạt khoảng 1,5 triệu tấn.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới