Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ giảm hạn ngạch xuất khẩu đường

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ấn Độ cắt giảm mạnh hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2022-2023. Động thái này có thể thắt chặt nguồn cung đường trên thị trường toàn cầu vốn đang căng thẳng do thời tiết mưa nhiều làm cản trở hoạt động ép mía và xuất khẩu của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo đạt 36,5 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023. Ảnh: Bloomberg

Hôm 5-11, Bộ Thực phẩm Ấn Độ thông báo chính phủ quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu đường 6 triệu tấn trong niên vụ mới, có hiệu lực từ ngày 1-11-2022 đến ngày 31-5-2023. Mức hạn ngạch mới này giảm mạnh so với hạn ngạch 11,2 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.

Động thái này diễn ra vào thời điểm thế giới thiếu nguồn cung, với việc Brazil chứng kiến lượng mưa quá nhiều, dẫn đến hoạt động ép mía ở các nhà máy đường bị đình trệ. Giá đường thô ở thị trường New York đã tăng hơn 6% kể từ cuối tháng 10 và có thể tăng thêm nữa sau thông báo nói trên của Ấn Độ.

Trước đó, Bloomberg cho biết Ấn Độ đang xem xét cho phép xuất khẩu 6 triệu tấn trong đợt cấp hạn ngạch đầu tiên trong niên vụ mới và khoảng 3 triệu tấn khác trong đợt thứ hai dựa vào tốc độ sản xuất đường trong nước.

Trước đây, Ấn Độ không hạn chế xuất khẩu đường nhưng kể từ năm ngoái, nước này đã áp đặt hạn ngạch xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung đầy đủ ở thị trường trong nước. Ấn Độ đã gia hạn chính sách hạn chế xuất khẩu đến tháng 10 năm sau.

Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo đạt 35,8 triệu tấn trong năm nay và 36,5 triệu tấn vào năm sau. Các khách hàng lớn mua đường của Ấn Độ bao gồm Indonesia, Bangladesh, Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Ấn Độ là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới.

Theo Rahil Shaikh, Giám đốc điều hành Meir Commodities India, công ty kinh doanh hàng hóa nông nghiệp, có trụ sở ở bang Maharashtra, các nhà máy đường ở Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu tới 2,2 triệu tấn cho niên vụ mới.

Ấn Độ hạn chế xuất khẩu đường dù có sản lượng dồi dào chủ yếu là để kiểm soát lạm phát đang tăng ở trong nước cũng như để phân bổ nhiều mía hơn cho hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.

Giá dầu thô cao hơn cũng có lợi cho ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy đường của Brazil chuyển sang ép mía nhiều hơn để sản xuất ethanol thay vì đường, làm hạn chế nguồn cung đường.

Hồi tháng 8, Cơ quan Cung ứng quốc gia (Conab) thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil đã ước tính cắt giảm sản lượng đường trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 33,9 triệu tấn thay vì 40,3 triệu tấn của dự báo trước đó do diện tích trồng mía thấp hơn và năng suất mía giảm trong bối cảnh thời tiết bất lợi. Conab cũng dự kiến, sản lượng ethanol của Brazil, bao gồm cả ethanol sản xuất từ bắp sẽ tăng 1,6% trong niên vụ mới, lên mức 30,35 tỉ lít.

Thời tiết khô nóng trong mùa hè vừa qua ở châu Âu, khu vực sản xuất đường lớn thứ ba thế giới đã khiến sản lượng củ cải đường giảm mạnh, đẩy giá đường tăng lên.

Công ty dịch vụ chuỗi cung ứng đường và ethanol Czarnikow (Anh) dự báo, sản lượng đường của Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ đạt tổng cộng 16,4 triệu tấn trong năm nay, thấp hơn khoảng 1 triệu tấn so với năm ngoái, có nghĩa là EU có thể phải nhập khẩu nhiều đường hơn bình thường.

Tuy nhiên, các tổ chức khác lại dự báo nguồn cung đường toàn cầu sẽ cải thiện trong năm tới. Tuần trước, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo, sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ tăng 4,5%, lên 181,9 triệu tấn, cao nhất trong 5 năm. Công ty dịch vụ tài chính StoneX cũng dự báo, thặng dư đường toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 là 3,9 triệu tấn.

Theo Bloomberg, Barchart

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới