(KTSG Online) – Kể từ hôm nay (3-8), Ấn Độ hạn chế nhập khẩu máy tính xách tay (laptop), máy tính bảng, máy tính cá nhân (PC) và máy chủ. Giới phân tích nhận định, động thái này là một phần trong nỗ lực của New Delhi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
- Apple muốn mở rộng sản xuất thiết bị ở Ấn Độ và Đông Nam Á
- Ấn Độ, Indonesia đang vượt lên trong cuộc đua chào đón “đại bàng”
Theo thông báo vào hôm nay của Bộ Công thương Ấn Độ, lệnh hạn chế nhập khẩu sẽ được miễn trừ đối với giấy phép nhập khẩu hợp lệ để nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm, sửa chữa và tái xuất, phát triển sản phẩm... Tuy nhiên, giấy phép này chỉ cho phép nhập khẩu đối đa 20 đơn vị cho mỗi sản phẩm trong danh sách bị hạn chế.
Từ tháng 4 đến tháng 6, nhập khẩu hàng điện tử, bao gồm laptop, PC, máy tính bảng của Ấn Độ đạt 19,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu hàng điện tử nằm chiếm khoảng từ 7-10% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước này.
“Mục đích của động thái này là thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Ấn Độ. Đó không phải là một cú huých nữa mà là một sự thúc đẩy mạnh mẽ”, Ali Akhtar Jafri, cựu tổng giám đốc của của MAIT, tổ chức đại diện cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông Ấn Độ nói.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ nỗ lực khuyến khích sản xuất trong nước bằng cách các chính sách ưu đãi dành cho 24 lĩnh vực bao gồm cả điện tử. Chính phủ nước này đã kéo dài thời hạn đăng ký chương trình ưu đãi sản xuất trị giá 2 tỉ đô la Mỹ để thu hút các khoản đầu tư lớn vào hoạt động sản xuất phần cứng công nghệ thông tin, gồm các sản phẩm như laptop, PC, máy tính bảng và máy chủ.
Chương trình ưu đãi này là chìa khóa cho tham vọng để đưa Ấn Độ trở thành cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Nước này đặt mục tiêu sản xuất hàng điện tử hàng năm trị giá 300 tỉ đô la vào năm 2026.
Dell, Acer, Samsung, LG Electronics, Apple, Lenovo và HP là các nhà cung cấp laptop hàng đầu tại thị trường Ấn Độ. Những một phần đáng kể sản phẩm của các công ty này nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc. Dell và HP là một trong những công ty đã thiết lập cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.
Apple vẫn chưa bắt đầu sản xuất iPad hoặc MacBook ở nước này nhưng các ưu đãi và hạn chế nhập khẩu có thể khiến công ty có trụ sở tại Cupertino, California xem xét động thái đó.
Cổ phiếu của Dixon Technologies, nhà sản xuất hàng điện tử của Ấn Độ tăng giá hơn 5% sau khi đón nhận tin tức trên. Dixon Technologies cung cấp các giải pháp tập trung vào thiết kế trong hàng tiêu dùng lâu bền, thiết bị gia dụng, ánh sáng, điện thoại di động và thiết bị bảo mật.
Công ty trên cũng cung cấp các dịch vụ sửa chữa và tân trang cho nhiều loại sản phẩm bao gồm hộp giải mã tín hiệu số, điện thoại di động và màn hình TV LED. Lệnh cấm nhập khẩu có thể là chất xúc tác để các nhà sản xuất điện tử trong nước như Dixon Technologies nâng cao sản lượng.
Madhavi Arora, chuyên gia kinh tế của Emkay Global, cho biết mục đích của lệnh hạn chế nhập khẩu nói trên dường như là nhằm “thay thế một số hàng hóa được nhập khẩu nhiều”.
Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Đô, laptop, PC và máy tính bảng chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của đất nước và gần một nửa trong số đó mua từ Trung Quốc. Trước đây, chính phủ nước này đã áp mức thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm như điện thoại di động để thúc đẩy sản lượng trong nước.
Năm ngoái, Ấn Độ sản xuất các lô hàng điện thoại di động có trị giá 38 tỉ đô la. Tuy nhiên, laptop và máy tính bảng sản xuất trong nước chỉ đạt trị giá 4 tỉ đô la, theo ước tính từ Hiệp hội Điện tử và di động Ấn Độ.
Hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint ước tính, khoảng 30–35% laptop và 30% máy tính bảng tiêu thụ ở Ấn Độ trong nửa đầu năm 2023 được sản xuất trong nước.
Theo Reuters, Tech Crunch