Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ, Indonesia đang vượt lên trong cuộc đua chào đón “đại bàng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấn Độ, Indonesia đang vượt lên trong cuộc đua chào đón "đại bàng"

Lạc Diệp

(TBKTSG) - Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều xáo trộn sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ấn Độ và Indonesia là hai trong số những quốc gia đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ấn Độ, Indonesia đang vượt lên trong cuộc đua chào đón
Khu công nghiệp KIT Batang của Indonesia. Nguồn: Gesuri.id

Những thông điệp chào đón nhà đầu tư

Hồi tháng 5-2020, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã “nhanh tay” đàm phán trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump và đưa ra các ưu đãi lớn về đất đai trong vòng năm năm cũng như các chính sách “đầy hấp dẫn” nhằm thu hút sự dịch chuyển của các doanh nghiệp Mỹ tới nước này.

Ngày 30-6, khi thị sát khu công nghiệp KIT Batang trên đảo Java, nhà lãnh đạo Indonesia tiếp tục phát đi thông điệp mạnh mẽ mời gọi các công ty nước ngoài. “Chúng tôi muốn các công ty từ Trung Quốc và dĩ nhiên cả từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới đến đây. Nếu các nước khác cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất với giá 1 triệu đô la Mỹ, thì chúng tôi có thể ra mức giá 500.000 đô la”.

Những lời mời chào tương tự cũng được đưa ra tại Ấn Độ. Hôm 22-7, phát biểu tại hội nghị cấp cao trực tuyến “Các ý tưởng Ấn Độ”, Thủ tướng Narendra Modi đã kêu gọi các công ty Mỹ đầu tư mạnh vào Ấn Độ, đồng thời khẳng định, New Delhi đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong những lĩnh vực có nhiều triển vọng tăng trưởng như cơ sở hạ tầng, quốc phòng, hàng không dân dụng và không gian.

Theo hãng tin Bloomberg, Đại sứ quán Ấn Độ ở các nước cũng được yêu cầu tiếp cận những công ty đang tìm nơi đầu tư, lập cơ sở sản xuất. Cơ quan đầu tư Ấn Độ đã tiếp nhận nhiều đề nghị từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc về việc di dời cơ sở sản xuất tới nước này.

Chuẩn bị quỹ đất và đầu tư cơ sở hạ tầng

Ấn độ đã chọn ra mười ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, công nghiệp nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may - để tập trung thúc đẩy sản xuất. Hoạt động sản xuất điện tử được chú trọng hơn cả với ba chính sách khuyến khích nổi bật, với tổng trị giá 48.082,25 crore rupi (6,4 tỉ đô la) bao gồm kế hoạch thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử (SpecS), ưu đãi liên kết sản xuất (PLI) và sửa đổi cụm sản xuất điện tử (EMC 2.0).

Tại Ấn Độ, một trong những rào cản lớn nhất đối với các nhà đầu tư muốn mở nhà máy là phải có quỹ đất riêng. Để giải quyết vấn đề này, hồi tháng 5, Chính phủ Ấn Độ đã dành ra một quỹ đất khổng lồ, với diện tích 461.589 héc ta nhằm thu hút các doanh nghiệp muốn dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong quỹ đất này, 115.131 héc ta là đất công nghiệp sẵn có tại các bang Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu và Andhra Pradesh.

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cũng làm việc với chính quyền các tiểu bang để thay đổi các quy định về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. New Delhi cũng nghiên cứu khả năng cung cấp đất tại các vùng công nghiệp đặc biệt đang bỏ không cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, mười cụm công nghiệp tại chín bang, với khoảng 100 khu công nghiệp nổi tiếng đã được lựa chọn để giới thiệu cho 600 công ty đa quốc gia. Các cụm công nghiệp này được phân chia theo ngành, phù hợp với điều kiện thuận lợi của từng địa phương. Ví dụ như cụm Noida Greater Noida là trung tâm về hàng điện tử, Pune Aurangabad tập trung sản xuất ô tô và linh kiện ô tô, còn Hyderabad là trung tâm xuất khẩu vaccin và dược phẩm lớn nhất...

Mới đây nhất, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch đầu tư 1.460 tỉ đô la vào 7.000 dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án này sẽ mang tính toàn diện, tích hợp và liên kết với nhau theo mô hình cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức, nhằm biến Ấn Độ trở thành điểm đến chính trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Còn tại Indonesia, ngay từ rất sớm các quỹ đất cũng đã được chuẩn bị nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch xây dựng khu công nghiệp Brebes tại tỉnh Trung Java để thu hút giới đầu tư Nhật Bản và Mỹ đang “rục rịch” rời Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Khu công nghiệp rộng khoảng 4.000 héc ta này, được định hướng phát triển để trở thành trung tâm công nghiệp cốt lõi cho các sản phẩm dệt may, da giày, thực phẩm, đồ uống, đồ nội thất, dược phẩm và thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang cũng đã công bố kế hoạch phát triển 27 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2020-2024 nhằm sẵn sàng cho sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài.

Các chính sách ưu đãi nổi bật

Tại Ấn Độ, bên cạnh việc cắt giảm thuế thu nhập từ hồi năm ngoái, nhiều chính sách nổi bật đã và đang được triển khai nhằm thu hút sự chú ý của các công ty đa quốc gia. Chính phủ nước này đã chọn ra mười ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, công nghiệp nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may - để tập trung thúc đẩy sản xuất.

Hoạt động sản xuất điện tử được chú trọng hơn cả với ba chính sách khuyến khích nổi bật, với tổng trị giá 48.082,25 crore rupi (6,4 tỉ đô la) bao gồm kế hoạch thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử (SpecS), ưu đãi liên kết sản xuất (PLI) và sửa đổi cụm sản xuất điện tử (EMC 2.0).

Chương trình PLI sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động và linh kiện điện tử những ưu đãi về thuế 4-6% đối với các sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ, tùy thuộc vào doanh số bán hàng gia tăng trong năm năm. Chương trình sẽ có mức chi ngân sách khoảng 40.995 crore rupi (5,47 tỉ đô la) trong vòng năm năm.

Theo chương trình SpecS, Chính phủ Ấn Độ sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, chất bán dẫn và màn hình, nhằm thúc đẩy sản xuất linh kiện ở Ấn Độ, giảm nhập khẩu linh kiện điện tử. Đề án cung cấp khoản ưu đãi tài chính 25% vốn đầu tư cho việc sản xuất hàng hóa cấu thành chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử. Chương trình có trị giá 3.285 crore rupi (438 triệu đô la) này sẽ được áp dụng cho các khoản đầu tư vào các đơn vị mới, mở rộng năng lực, hiện đại hóa và đa dạng hóa các sản phẩm hiện có.

Còn kế hoạch EMC 2.0 gồm những khu vực được quy hoạch cho các nhà máy xây dựng đạt chuẩn quốc tế, cung cấp cơ sở hạ tầng tốt nhất phục vụ sản xuất. Chương trình dự kiến sẽ giải ngân 3.762,25 crore rupi (502 triệu đô la) trong vòng tám năm.

Các kế hoạch này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất điện thoại di động tại Ấn Độ và tạo ra giá trị kinh tế ước khoảng 133 tỉ đô la vào năm 2025, đồng thời cung cấp 500.000 việc làm trực tiếp và 1,5 triệu việc làm gián tiếp cho người dân Ấn Độ.

Tại Indonesia, các chính sách ưu đãi chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nới lỏng quy định đầu tư. Chính phủ nước này cho biết sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% trong năm nay, sau đó xuống 20% vào năm 2022, sớm hơn một năm so với kế hoạch đặt ra trước đó. Giới chức Indonesia cũng đang cố gắng đẩy nhanh các thủ tục cấp phép đầu tư bằng nhiều biện pháp, bao gồm số hóa một số quy trình hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang triển khai kế hoạch nới lỏng các quy tắc về môi trường để khuyến khích các công ty năng lượng vào đầu tư. Kế hoạch phục hồi nền kinh tế với mục đích khởi động lại các ngành công nghiệp sẽ bao gồm các đề xuất nhằm giảm bớt nhiều quy định, thủ tục không cần thiết khi các công ty năng lượng tiến hành nghiên cứu môi trường và khai thác than.

Ưu đãi từ chính quyền địa phương

Một đặc điểm nổi bật trong quá trình thu hút vốn FDI tại Ấn Độ là sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương. New Delhi đã yêu cầu chính quyền các tiểu bang xây dựng các chương trình riêng để thu hút đầu tư nước ngoài. Với mô hình này, các công ty nước ngoài có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin cần thiết và sự hỗ trợ tại các địa phương mà họ muốn đầu tư.

Không chỉ vậy, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn và lâu dài, Chính phủ Ấn Độ cũng đã khuyến khích các tiểu bang phát triển hệ sinh thái công nghiệp riêng, làm rõ các ưu đãi về thuế và nợ, qua đó hỗ trợ hết sức có thể cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào địa phương.

Tại bang Gujarat, luật lao động đã được nới lỏng đối với các dự án mới, nhằm khởi động lại hoạt động công nghiệp. Chính quyền bang cho biết đã quy hoạch gần 33.000 héc ta đất cho các công ty nước ngoài muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc, đồng thời cung cấp ưu đãi cho các đơn vị sản xuất trong hơn 30 lĩnh vực.

Trong khi đó, bang Karnataka cũng đang phát huy thế mạnh của mình với nguồn nhân lực lành nghề và sự phát triển vốn có của hệ sinh thái công nghiệp tại đây. Một khu công nghiệp rộng hơn 200 héc ta đã được xây dựng cho các công ty Nhật Bản muốn xây dựng cơ sở sản xuất ở Karnataka.

Bang Uttar Pradesh được cho là đang đàm phán với các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực, như quốc phòng và hàng không vũ trụ. Đặc biệt, chính quyền bang đang tiến hành kế hoạch số hóa quy trình cấp phép sử dụng đất cho tất cả các mục đích công nghiệp và thương mại.

Một bang khác là Andhra Pradesh lại đang tìm cách cung cấp các khoản trợ cấp để giảm gánh nặng cho các công ty chuyển cơ sở sản xuất sang bang này.

Kết quả

Các chính sách thu hút FDI được triển khai đồng loạt với nhiều ưu đãi mang tính đột phá đang giúp Ấn Độ đạt được những kết quả ấn tượng. Các số liệu mới công bố cho thấy trong năm tài khóa 2019-2020, Ấn Độ đã thu hút 74 tỉ đô la vốn FDI, tăng 20% với năm tài khóa trước đó. Còn theo Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ, ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, vẫn có hơn 22 tỉ đô la vốn FDI chảy vào quốc gia này.

Giới chức Ấn Độ cho hay, đã có 22 công ty cam kết đầu tư theo chương trình PLI nhằm đưa nước này trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại thông minh cạnh tranh với các cường quốc điện tử ở Đông Bắc Á. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ Ravi Shankar Prasad, các công ty đã cam kết sản xuất điện thoại di động và linh kiện trị giá khoảng 160 tỉ đô la trong năm năm tới, trong đó, hơn một nửa số sản phẩm sẽ được xuất khẩu.

Samsung hiện đã đệ trình lên Chính phủ Ấn Độ kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh trị giá hơn 40 tỉ đô la trong vòng năm năm tới. Trong đó, các thiết bị có giá xuất xưởng 200 đô la có thể chiếm hơn 25 tỉ đô la, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài điện thoại, Samsung cũng sản xuất ti vi ở Ấn Độ cho thị trường nội địa và có kế hoạch xây dựng một nhà máy màn hình điện thoại thông minh tại nước này.

Đối thủ chính của Samsung là hãng công nghệ Mỹ Apple hiện cũng đã tăng cường sản xuất iPhone ở Ấn Độ. Các đối tác trong chuỗi cung ứng của “Táo khuyết” như Foxconn, Pegatron đều đang mở rộng hoạt động sản xuất ở Ấn Độ, trong khi Wistron dự kiến tuyển sẽ dụng 10.000 nhân viên cho việc sản xuất mẫu iPhone 12 tại đây. Loại iPhone mới này nhiều khả năng sẽ sẵn sàng xuất xưởng vào giữa năm 2021, dành riêng cho thị trường nội địa.

Còn tại Indonesia, hôm 30-6, Tổng thống Joko Widodo cho biết, bảy công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, phần lớn đang hoạt động tại Trung Quốc, sẽ khởi công xây dựng nhà máy của họ tại khu công nghiệp KIT Batang với tổng vốn đầu tư 850 triệu đô la, và có thể cung cấp việc làm cho 30.000 công nhân. LG Electronics (Hàn Quốc), Panasonic (Nhật Bản) và CDS Asia, đơn vị thành viên của công ty sản xuất đèn năng lượng mặt trời Alpan Lighting (Mỹ) nằm trong số các công ty này.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đã nhận được cam kết đầu tư vào tỉnh Trung Java của ít nhất 17 công ty nước ngoài khác với tổng vốn đầu tư lên đến 37 tỉ đô la, hứa hẹn mang lại thêm 112.000 việc làm. Một kết quả khảo sát công bố hồi tháng 7 của JETRO Nhật Bản cũng cho thấy, 69% số doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Indonesia vẫn tự tin về chiến lược đầu tư trong tương lai, bất chấp việc doanh số sụt giảm do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên nhìn chung, những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 đang khiến hoạt động thu hút vốn FDI của Indonesia gặp nhiều khó khăn. Theo Jakarta Post, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, luồng vốn FDI vào Indonesia đã giảm 6,9% xuống còn 6,67 tỉ đô la. Trước đó trong quí đầu năm, lượng vốn FDI cũng giảm 9,2%. Hiện, Chính phủ Indonesia đã buộc phải hạ chỉ tiêu thu hút đầu tư năm nay từ mức 61,2 tỉ đô la xuống còn 57,5 tỉ đô la.

(Nguồn: Tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới