Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ấn Độ muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam

Chánh Trung - Minh Tâm

(TBKTSG Online) - Mức đầu tư 900 triệu đô la vào Việt Nam là con số quá nhỏ so với tiềm năng và khả năng của Ấn Độ, theo Ngài Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM. Ấn Độ đang muốn đầu tư vào các kế hoạch lâu dài tại Việt Nam và mong muốn có sự đầu tư từ cả hai quốc gia - dựa vào thế mạnh của nhau - để cùng tăng tốc phát triển. 

Ấn Độ muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Chánh Trung

Ngày 22-1, tại TPHCM, đã diễn ra “Diễn đàn Đầu tư Ấn Độ - Việt Nam” do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) và Tập đoàn VinaCapital tổ chức. Diễn đàn nhằm thúc đẩy, tìm kiếm các hoạt động đầu tư hai chiều lâu dài từ Ấn Độ và Việt Nam qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai quốc gia.

Đầu tư dựa vào thế mạnh và tiềm năng của đôi bên

“Việt Nam và Ấn Độ đã có mối quan hệ lâu dài về văn hóa, kinh tế. Hiện Ấn Độ đang rất mong muốn có được các đầu tư từ Việt Nam vào thị trường Ấn Độ và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa các hoạt động đầu tư từ phía Việt Nam vào Ấn Độ”.

Bà Sumita Dawra, Tổng cục trưởng chuyên trách xúc tiến Công nghiệp và Nội thương (DPIIT) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ. 

Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho biết: “Mối quan hệ về kinh tế là quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ. Với diễn đàn hôm nay, Ấn Độ đặt trọng tâm là tìm kiếm các kế hoạch đầu tư lâu dài. Ấn Độ hiện có tổng mức đầu tư vào Việt Nam khoảng 900 triệu đô la, tuy nhiên con số này còn khá nhỏ so với tiềm năng. Mặc dù cả hai quốc gia đã có mối quan hệ lâu dài song chúng ta cần tìm kiếm những tiềm năng khai thác mới từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của hai quốc gia. Những chủ đề thảo luận tại diễn đàn hôm nay về lĩnh vực năng lượng, CNTT, dược phẩm, cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực mà cả hai bên có nhiều thế mạnh và tiềm năng. Nền kinh tế số của Việt Nam đang có rất nhiều thế mạnh, đó là cơ hội cho hai quốc gia thúc đẩy đầu tư lâu dài, kết nối nền kinh tế dài hạn”.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “2020 là năm rất khó khăn với các quốc gia do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xúc tiến đầu tư đều gặp nhiều khó khăn. Việt Nam đã cố gắng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế tốt, từ đó tạo được sức hút về đầu tư FDI. 

Ấn Độ và Việt Nam cần phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để vượt qua khó khăn đứt gãy thương mai toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra.

Ông Deepak Bagla, Giám đốc điều hành Invest India - Cơ quan Xúc tiến đầu tư Ấn Độ.

Năm 2020, trong bối cảnh FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỉ đô la, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký thêm để mở rộng đầu tư đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019.

"Điều này cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang dần hồi phục từ tác động của dịch Covid-19 và Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Đông nhận định. 

Tham dự diễn đàn, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cũng khẳng định vai trò quan trọng của các đối tác Ấn Độ với TPHCM và cho hay TPHCM đang có rất nhiều dự án, như cơ sở hạ tầng, CNTT, năng lượng, dược phẩm... cần nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Diễn đàn là cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa TPHCM và Ấn Độ cũng như của Việt Nam và Ấn Độ.

Thị trường Ấn Độ: lớn, còn đang bỏ ngỏ

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, hiện có 33.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 384 tỉ đô la từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ đứng thứ 26 với 296 dự án, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 900 triệu đô la, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng tái tạo, khai khoáng. Chính phủ Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách… về đầu tư nước ngoài cũng như chủ động thu hút đầu tư từ nước ngoài. Việt Nam rất hoan nghênh các đầu tư từ Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, hai bên sẽ tăng cường thúc đẩy kết nối đầu tư với nhau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ ngành khác đồng hành cùng phía Ấn Độ để thúc đẩy đầu tư hai chiều, phát triển kinh tế, kết nối giữa hai quốc gia.

Với vị Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Ấn Độ là nền kinh tế rất lớn, mạnh, có thể cung cấp cho Việt Nam các gói tín dụng lớn cũng như là một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, các công nghệ hiện đại…  nhưng "chúng ta vẫn chưa hiểu hết và vẫn đang bỏ ngỏ. Văn hóa và kinh doanh của Ấn Độ khác với chúng ta và có những nét riêng của họ, đó là khó khăn để chúng ta tiếp cận song chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được".

Ông Phạm Sanh Châu cho hay Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã liên tục tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác, xúc tiến đầu tư thương mại… Kim ngạch thương mại của Ấn Độ gần đây đã tăng 360%/ năm, hai nước đã có đường bay thẳng, có kết nối văn hóa lâu dài… là điều kiện rất tốt và cần được tận dụng để thúc đẩy đầu tư giữa hai quốc gia.

 

Giao thương với Ấn Độ 

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ đã được thiết lập từ năm 2007 và hai bên trở thành đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2017, kể từ đó đến nay các hoạt động thương mại và đầu tư liên tục gia tăng và phát triển.

Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ mới chỉ đạt hơn 2,7 tỉ đô la. Chỉ ba năm sau đó, con số này đạt hơn 4,5 tỉ đô la - tăng hơn 65%. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là sắt thép các loại, máy móc thiết bị, dược phẩm, hàng thủy sản, linh kiện phụ tùng ô tô... Trong khoảng thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đã tăng gần ba lần, từ 2,6 tỉ đô la đến xấp xỉ 6,7 tỉ đô la.

Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, kim loại thường, hóa chất... Tuy nhiên, mối quan hệ chiến lược giữa hai nước không chỉ dừng lại ở xuất nhập khẩu. Các công ty Ấn Độ coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, trà, đường, đào tạo CNTT, cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á. Và mối quan hệ chiến lược này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Các công ty Việt Nam và Ấn Độ có thể tận dụng thế mạnh của mình cũng như học hỏi lẫn nhau ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như CNTT, dược phẩm, dệt may, năng lượng tái tạo và chế biến nông sản.

Rất nhiều nhà đầu tư Ấn Độ tham gia diễn đàn, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ảnh: Chánh Trung

Doanh nghiệp thiếu thông tin về nhau

Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả hai nước. Tại Việt Nam, Chính phủ đang không ngừng nỗ lực mang đến môi trường phù hợp để các doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và lâu dài. Thủ tướng cũng đã ghi nhận khu vực kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam và đã thành lập Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn mà các công ty tư nhân - cả công ty Việt Nam và nước ngoài - có thể gặp phải khi sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như giúp tìm kiếm, xác định các cơ hội, thị trường mới trong và ngoài nước, ông Don Lâm, Phó trưởng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết thêm.

Tuy nhiên các diễn giả cũng nhận định doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau, cũng như thông tin về các doanh nghiệp hai bên rất hạn chế. Một phần lý do của vấn đề này là do ít hoạt động xúc tiến thương mại. Việc tổ chức diễn đàn ngày hôm nay có thể là điểm khởi đầu giúp mối quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước được tăng cường cũng như thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp ở cả hai nước.

Sẵn sàng đón dòng đầu tư từ nước ngoài

Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao và thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật tốt, đất đai, mặt bằng sạch; đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến các chuẩn mực của OECD và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do 01 Phó Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để thúc đẩy hợp tác đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư - kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam… Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới có hiệu lực và ký kết. Ba Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và các hiệp định thương mại tự do khác mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ và đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới