(KTSG Online) – Chính phủ Ấn Độ vừa phê duyệt các khoản đầu tư có tổng trị giá 15,2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng 3 nhà máy sản xuất chip trong nỗ lực trở thành trung tâm bán dẫn quan trọng của thế giới. New Delhi đặt mục tiêu đưa quy mô thị trường bán dẫn trong nước lên 63 tỉ đô la vào năm 2026, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ cơ sở sản xuất chip nào.
- Thủ tướng Modi củng cố sức mạnh công nghệ Ấn Độ qua chuyến thăm Mỹ
- Ấn Độ lo thua Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu smartphone
Sản xuất chip cho lĩnh vực ô tô, viễn thông và quốc phòng
Hôm 29-2, cuộc họp nội các Ấn Độ, do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì, đồng ý triển khai xây dựng 3 nhà máy sản xuất chip cho lĩnh vực ô tô, viễn thông và quốc phòng với tổng vốn đầu tư 15,2 tỉ đô la. Đây là nội dung trong khuôn khổ chương trình “Phát triển hệ sinh thái sản xuất bán dẫn và màn hình ở Ấn Độ”. Cả ba nhà máy sẽ bắt đầu xây dựng trong vòng 100 ngày tới.
Theo thông báo của chính phủ, Tata Electronics thuộc Tập đoàn Tata Group của Ấn Độ sẽ hợp tác với hãng bán dẫn Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp (PSMC) của Đài Loan để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở bang Gujarat, với vốn đầu tư gần 11 tỉ đô la. Nhà máy này sẽ sản xuất chip có hiệu năng điện toán cao dựa trên công nghệ 28 nanometer (nm) để sử dụng trong các lĩnh vực xe điện, viễn thông, quốc phòng, điện tử tiêu dùng và màn hình. PSMC có thế mạnh chuyên môn thiết kế và sản xuất chip nhớ cũng như chip logic. Công ty này hiện có 6 nhà máy tại Đài Loan.
Chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt đề xuất đầu tư nhà máy đóng gói chip trị giá hơn 3 tỉ đô la của Tata Semiconductor Assembly & Test (TSAT) thuộc Tata Group ở bang Assam. Nhà máy sẽ phát triển các công nghệ đóng gói tiên tiến cho phân khúc chip ở xe điện và điện tử tiêu dùng.
Ngoài ra, CG Power của Ấn Độ sẽ hợp tác với Renesas Electronics Corporation của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan để thành lập nhà máy chip thứ ba tại Gujarat. Nhà máy này, có vốn đầu tư gần 1 tỉ đô la, sẽ tập trung sản xuất chip cho các ứng dụng tiêu dùng, công nghiệp, ô tô và năng lượng.
Các nhà máy chip là một phần trong nỗ lực đầu tư hàng tỉ đô la vào mảng kinh doanh công nghệ cao của Tata Group. Tập đoàn này đang vận hành nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại thông minh lớn nhất Ấn Độ, được xây dựng với chi phí hơn 700 triệu đô la ở miền nam Ấn Độ. Năm ngoái, Tata cũng đã mua lại nhà máy ở Ấn Độ của Wistron Corp., nhà cung cấp của Apple.
Hướng tới tự chủ về sản xuất bán dẫn
“Đây là một quyết định lớn đối với đất nước và là một cột mốc quan trọng hướng tới việc đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia tự chủ về bán dẫn”. Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Ashwini Vaishnaw nói với báo chí về các dự án nhà máy chip trên.
Hồi tháng 6-2023, chính phủ Ấn Độ cũng đã cấp phép cho Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Mỹ, xây dựng nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip ở bang Gujarat, với tổng vốn đầu tư 2,75 tỉ đô la Mỹ.
Các nhà máy chip mới sẽ trực tiếp tạo ra 20.000 việc làm công nghệ cao và khoảng 60.000 việc làm gián tiếp.
“Ấn Độ đã xây dựng năng lực chuyên sâu về thiết kế chip. Với các nhá máy này, đất nước sẽ phát triển năng lực sản xuất chip. Các công nghệ đóng gói tiên tiến bản địa cũng sẽ được phát triển ở Ấn Độ”, thông báo chính phủ Ấn Độ cho biết.
Động thái phê duyệt các khoản đầu tư nhà máy chip thúc đẩy tham vọng bán dẫn của Ấn Độ. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi muốn xây dựng năng lực sản xuất chip trong nước để bảo đảm nguồn cung cần thiết cho các công nghệ mới nổi từ trí tuệ nhân tạo đến xe tự lái. New Delhi đã xác định sản xuất thiết bị điện tử là động lực tăng trưởng kinh tế và sản xuất chip là trọng tâm của chiến lược này.
Ngành công nghiệp bán dẫn hiện là mặt trận địa chính trị quan trọng khi cả Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển năng lực sản xuất trong nước. Ấn Độ hy vọng thu hút được những người khổng lồ về chip đến xây dựng nhà máy. Giống như như các biện pháp ưu đãi đã từng áp dụng với Apple và các đối tác của hãng này lắp ráp và bán iPhone trong nước.
Ấn Độ đã đề xuất gánh một nửa chi phí của bất kỳ dự án chip nào được phê duyệt và xây dựng trong nước, với tổng ngân sách trợ cấp ban đầu là 10 tỉ đô la. Điều này có nghĩa là các dự án nhà máy chip vừa được phê duyệt sẽ được hỗ trợ 50% chi phí đầu tư.
Chương trình trợ cấp sản xuất chip của Ấn Độ nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và và Liên minh châu Âu. Đó là lý do chính khiến nước này hiện tập trung cho các dự án sản xuất chip truyền thống, có kích cỡ như 28 nm trở lên. Theo Bloomberg, hãng bán dẫn Tower Semiconductor của Israel đang đề xuất xây dựng nhà máy chip trị giá 9 tỉ đô la ở Ấn Độ, với công suất lên đến 80.000 tấm nền silicon mỗi tháng.
Bên cạnh giúp thúc đẩy triển vọng việc làm trong nước, các nhà máy chip cũng sẽ tạo cho Ấn Độ đòn bẩy trong cuộc chiến chip trong lĩnh vực địa chính trị công nghệ. Cho đến nay lĩnh vực này được định hình chủ yếu bởi Trung Quốc và Mỹ.
Theo Bloomberg, CNBC, Indian Express